Ảnh minh họa |
Sở thích… đáng báo động
Ông Nguyễn Văn Vỹ, 55 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là bệnh nhân chung sống với bệnh ĐTĐ đã 5 năm nay. Dù biết bệnh của mình phải kiêng khem những gì, nhưng ông Vỹ rất lười nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Sở thích của ông là uống nước ngọt, ăn đồ rán. Vì vậy, ngoài việc bị thừa cân, sức khỏe giảm sút, thị lực yếu đi nhiều thì gần đây ông Vỹ còn thấy cơ thể mình xuất hiện thêm một số triệu chứng mới như bàn chân lạnh, đau chân vào ban đêm.
Bà Nguyễn Thúy Liễu, vợ ông Vỹ cho hay: “Hôm vừa rồi, ban đêm ngủ vô tình chạm vào chân ông ấy, tôi thấy lạnh. Dù hơi gợn nhưng tôi vẫn cho rằng ông ấy mát da, mát thịt nên vậy. Cho đến khi mấy ngày gió mùa đông bắc về sớm, dù ông ấy đã mang tất nhưng chân vẫn lạnh cóng. Lúc này tôi mới nghĩ ra là ông ấy mắc chứng chân lạnh. Tôi không hiểu là vì sao tự nhiên chồng mình lại có biểu hiện lạ như vậy. Đang lo lắng thì tôi lại nghe ông ấy kêu đau chân vào ban đêm. Đến nước này, tôi phải giục ông ấy đi bệnh viện kiểm tra. Đến đấy, vợ chồng tôi được một phen hoảng hồn khi các bác sĩ nói: “Ông cẩn thận hơn nữa vì những biểu hiện đó của ông không thể coi thường, nó là một dấu hiệu của bệnh tim mạch… Nghe đến đó, lòng dạ tôi càng thêm phiền não vì đái tháo đường kéo theo quá nhiều hệ lụy đối với chồng mình…”.
Câu chuyện của chị Hà Thị Thanh Thủy ở Phú Mỹ, Q.7, Tp.HCM là một câu chuyện buồn. Dáng người chị mảnh dẻ, mái tóc xoăn nhuộm vàng rất model đi cùng trang phục hàng hiệu và trên môi thường “án ngữ” một điếu thuốc lá.
Sau khi ly hôn người chồng đầu tiên, chị Thủy tái hôn sau đó 2 năm và sinh cho người chồng này một cô con gái xinh xắn. Tuy thế, cuộc sống hôn nhân không đem lại hạnh phúc bền lâu cho chị. 7 năm chung sống với người chồng thứ hai, vợ chồng chị lại đường ai nấy đi.
Ngày ra tòa, cô con gái ở cùng với bố. Chị Thủy mua một căn hộ để làm chỗ náu mình và hàng ngày đến quán bar giải sầu. Năm chị bước vào tuổi 42, thấy sức khỏe giảm sút, mắt mờ nên chị Thủy quyết đi kiểm tra. Kết quả là chị mắc bệnh đái tháo đường. Cuộc sống buồn bã khiến chị vẫn coi rượu và thuốc lá là bạn.
Dù được các bác sĩ khuyến cáo là tuyệt đối không dùng hai chất kích thích đó nhưng chị Thủy vẫn tìm đến chúng như một cứu cánh cho cuộc sống. Đến hôm nay khi nhìn lại mình trong gương, chị hốt hoảng nhận ra sự tàn tạ của cơ thể. Tim chị thỉnh thoảng còn xuất hiện cơn co thắt nhẹ, có khi cảm giác không thở được. Người bạn thân nhìn cảnh chị Thủy ôm ngực nhăn nhó đã phải đích thân đưa chị đến bác khám vì không thể nhìn bạn cứ tự “giết” mình…
Đừng chủ quan với biến chứng tim mạch của người bị đái tháo đường
Chị Nguyễn Hoài An, bạn chị Thủy kể lại: Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết cho chị Thủy, bác sĩ đã nhấn mạnh về biến chứng tim mạch trong trường hợp của chị. Chưa hiểu về biến chứng này một cách tường tận, các chị được người bác sĩ giải thích căn kẽ. Theo đó, các biến chứng tim mạch là các biến chứng xuất hiện trên cơ sở tổn thương xơ vữa động mạch của các mạch máu lớn và vừa.
Bệnh đái tháo đường làm cho quá trình xơ vữa động mạch của các động mạch lớn và vừa xuất hiện sớm hơn và tiến triển nhanh hơn ở những người không mắc bệnh này. Bệnh đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ làm gia tăng sự xuất hiện và mức độ trầm trọng của các biến cố tim mạch (ở cả nam và nữ): tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên gấp 1,8 lần, tăng nguy cơ bị tai biến mạch não lên gấp 2,4 lần, tăng nguy cơ viêm tắc động mạch chi dưới lên gấp 4,5 lần. Theo thống kê các biến chứng tim mạch này là nguyên nhân tử vong của 3/4 số bệnh nhân tiểu đường ngoài 40 tuổi.
BS. CK1 Tạ Viết Minh, Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: Các biểu hiện thường gặp của biến chứng tim mạch đối với người mắc bệnh đái tháo đường là viêm tắc động mạch chi dưới, bệnh mạch vành, bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch não, rối loạn mỡ máu… Mỗi biến chứng về tim mạch đều có biểu hiện khá cụ thể và dễ nhận biết như chứng đau cách hồi, giảm hoặc mất mạch mu chân, bàn chân lạnh, đau chân ban đêm (dấu hiệu của viêm tắc động mạch chi dưới); đau ngực, thắt ngực (bệnh mạch vành); huyết áp tăng cao…
Do vậy phòng ngừa tiên phát các biến chứng tim mạch là một trong những mục tiêu điều trị chính ở các bệnh nhân đái tháo đường. Các biến chứng về tim mạch khiến bệnh nhân tiểu đường có thể hoại tử chi, nhồi máu cơ tim, đột tử…
Bệnh nhân đái tháo đường đừng quên thường xuyên kiểm tra
BS. Minh cảnh báo: Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường là cực kỳ nguy hiểm và rất thường gặp. Do vậy, muốn kiểm soát tốt tiểu đường không chỉ cần kiểm tra đường huyết thường xuyên mà còn kiểm tra định kỳ huyết áp, lipid máu, xét nghiệm nước tiểu... Việc điều trị những biến chứng này phải kết hợp tốt với điều trị bệnh tiểu đường.
Có tới 50% bệnh nhân ĐTĐ bị tử vong ở lần nhồi máu cơ tim đầu tiên. |
Để hạn chế nguy cơ tim mạch đối với bệnh nhân đái tháo đường, ngoài việc theo dõi đường huyết bằng cách đến khám bác sĩ định kỳ thì chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh cũng rất quan trọng. Bệnh nhân tiểu đường nên cai thuốc lá, có chế độ ăn giảm mỡ, hạn chế đường... Như vậy bệnh nhân mới có thể duy trì trọng lượng cơ thể tối ưu và kiểm soát chặt chẽ đường máu, làm giảm lượng lipid máu và giảm huyết áp. Tăng hoạt động thể lực sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng tim mạch và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì và tăng huyết áp.
Thêm nữa, người mắc bệnh đái tháo đường cũng nên duy trì mức cân nặng hợp lý. Nếu bệnh nhân béo phì, thừa cân thì hãy có hình thức hợp lý để giảm cân và duy trì trọng lượng sau khi giảm cân. Việc này ngoài ý nghĩa giúp người bệnh có sức khỏe tốt còn giúp ổn định huyết áp cũng như duy trì lượng đường trong máu, từ đó nguy cơ bệnh lý tim mạch cũng giảm đáng kể.
Ngọc Minh
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: