BS. Tạ Việt Cường, Bệnh viện Nội tiết TW cho biết: Có nhiều “thủ phạm” gây mất nước, trong đó có thể “điểm mặt” một số nguyên nhân chính như: lượng nước vào cơ thể không đủ, nhiệt độ môi trường cao, luyện tập hoặc vận động quá mức, uống nhiều rượu bia, tiêu chảy, nôn ói, đường huyết cao…
Đặc biệt, đối với bệnh nhân đái tháo đường, khi đường huyết tăng quá cao, cơ thể sẽ phát sinh cơ chế tự bảo vệ bằng cách đào thải đường ra ngoài qua nước tiểu (Chính vì vậy, thận được coi là “chiếc van an toàn” để điều chỉnh cho lượng đường máu không tăng quá cao). Do lượng nước tiểu bài tiết ra quá nhiều khiến cơ thể mất đi một lượng nước lớn. Lúc này, thần kinh trung ương bị kích thích gây ra hiện tượng khát nước. Nếu lượng nước mất đi không được bù đắp sẽ gây ra hiện tượng mất nước.
Mất nước gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Bệnh nhân đái tháo đường nếu như không uống đủ nước thì có thể dẫn đến tình trạng cô đặc máu làm cho lượng đường thừa và các các chất cặn bã khác không có cách nào được đào thải ra ngoài dẫn đến áp lực thẩm thấu huyết tương tăng cao, vì vậy bệnh nhân đái tháo đường thường có triệu chứng khát nước. Nhưng triệu chứng mất nước và khát nước là khác nhau.
Bạn nên biết Khi lượng nước trong cơ thể giảm 2%, bạn sẽ thấy khát, mệt mỏi, đau đầu, phản ứng chậm. Khi cơ thể mất 5% nước, nhiều bộ phận sống của cơ thể bị ảnh hưởng, các phản xạ có điều kiện và phối hợp động tác giảm sút, kém chính xác, cơ thể chóng mệt mỏi, khó tập trung... Khi cơ thể mất trên 10% lượng nước có khả năng gây trụy tim mạch, hạ huyết áp, nhịp tim tăng cao. Bạn có thể tử vong nếu lượng nước mất trên 20%. |
Theo BS. Tạ Việt cường, các triệu chứng mất nước bao gồm: cảm giác khát, môi khô, da khô, đau đầu, khô họng, khô mắt, choáng váng, mệt mỏi, nước tiểu vàng đậm…
Mất nước nghiêm trọng còn gây ra các triệu chứng khác như: huyết áp thấp, chân tay run rẩy, mắt trũng, mạch yếu, tim đập nhanh…
Thiếu nước dẫn đến tình trạng cô đặc máu làm cho đường huyết tăng cao. Bên cạnh đó, các chất cặn bã không được đào thải ra ngoài dẫn đến áp lực thẩm thấu huyết tương tăng cao.
Bệnh nhân đái tháo đường dễ bị khô da. Đặc biệt, da vùng chân khô dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, dễ mắc biến chứng bàn chân lở loét.
Nguy hiểm hơn, tình trạng mất nước trong thời gian dài kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác như hôn mê, giảm thể tích tuần hoàn, thiếu máu nuôi toàn bộ cơ thể, tim, phổi, não… gây suy thận, sốc giảm thể tích máu… Tình trạng này có nguy cơ tử vong rất cao.
“Cứu nguy” khi mất nước
Theo BS. Tạ Việt Cường: Có những bệnh nhân lo lắng rằng đái nhiều sẽ làm cho một khối lượng lớn đường theo nước tiểu bị bài tiết ra ngoài, hoặc lo lắng uống nước nhiều sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho thận dẫn đến phù thũng do đó không dám uống nước. Thực ra, những suy nghĩ này đều không đúng, nếu làm như vậy thì chỉ đem lại hậu quả có hại mà không có lợi cho cơ thể. Trái lại, trên thực tế những bệnh nhân đái tháo đường càng cần phải uống nhiều nước.
Bác sĩ Cường chia sẻ thêm, khi bệnh nhân bị mất nước nhẹ (có triệu chứng khô môi, khô da, khát nước…) có thể “đối phó” bằng cách đơn giản nhất là bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, các loại nước “hiệu nghiệm” nhất là nước không chứa đường như nước tinh khiết, nước lọc, nước trà loãng.
Không nên uống các loại nước có đường, nước ngọt có gas. Bởi các loại nước này sẽ làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Khi uống các loại nước trái cây, nên chọn loại trái cây không hoặc ít ngọt và không cho thêm đường khi pha chế.
Đối với sữa và các chế phẩm từ sữa, nên chọn loại dành riêng cho người đái tháo đường.
Việc uống đủ nước với người bình thường là hết sức cần thiết. Riêng đối với người mắc bệnh đái tháo đường, nước có vai trò cực kỳ quan trọng. Người bệnh cần uống khoảng 1,5-2 lít nước/ ngày để góp phần ổn định đường huyết.
Tốt nhất, nên uống nước vào buổi sáng hoặc buổi trưa, trước bữa ăn 30 phút hoặc sau bữa ăn khoảng 2,5 giờ. Khi uống, nên uống ít một, chia làm nhiều lần. Tuyệt đối không uống một lượng nước lớn trong một lúc vì có thể gây ra hiện tượng “ngộ độc nước”.
Nên duy trì thói quen uống nước thường xuyên, không nên đợi khát mới uống. Vì trên thực tế khi cơ thể con người cảm thấy khát, thì môi trường nước trong cơ thể lúc đó đã mất đi sự cân bằng.
Riêng đối với những trường hợp mất nước, mất điện giải trầm trọng, cần đến gặp bác sỹ để được điều trị kịp thời.
Để đề phòng thiếu nước và mất nước, bệnh nhân đái tháo đường cần uống nhiều nước hơn khi thời tiết nắng nóng hoặc sau khi vận động mạnh, ra nhiều mồ hôi… Người bệnh cần chú ý kiểm soát chặt đường huyết bằng chế độ ăn uống, tập luyện, dùng thuốc. Tránh để đường huyết lên quá cao dẫn đến tình trạng mất nước, bác sỹ Cường khuyến cáo.
Lợi ích của uống nhiều nước Uống nước nhiều đối với bệnh nhân đái tháo đường đưa lại những ích lợi sau: - Uống nước có lợi trong việc thải trừ các chất chuyển hoá có độc trong cơ thể ra ngoài, có thể phòng ngừa được nhiễm trùng tiết niệu, làm tăng hiệu quả điều trị của thuốc kháng khuẩn. - Làm tăng lưu lượng máu, cải thiện tuần hoàn máu ngoại vi, làm giảm độ dính của máu, làm giảm phát sinh và phát triển các biến chứng bệnh lý do bệnh đái tháo đường gây ra. - Làm giảm tăng áp lực thẩm thấu huyết tương, dự phòng đái tháo đường dẫn đến hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu và đái tháo đường dẫn đến nhiễm toan ceton. |
Khánh Chi
Chủ đề liên quan: