Ngày càng nhiều trẻ dậy thì sớm
Chị Nguyễn Thu L. Ba Đình, Hà Nội, vốn rất tự hào vì con mình mới 7 tuổi mà nặng gần 35kg, cao lớn hơn hẳn các bạn ở lớp. Nhưng một buổi chiều, chị lo lắng khi thấy tự dưng con gái ngồi lỳ trong nhà vệ sinh và khóc. Dỗ dành mất 30 phút, bé mới cửa mở phòng vệ sinh cho mẹ vào. Hóa ra con bé sợ hãi vì thấy máu chảy ra ở vùng kín. Lúc này chị hoảng hốt đưa con đến bệnh viện. Bé bị dậy thì sớm và bác sỹ đề nghị nên khám định kỳ 3-6 tháng một lần cùng với việc thực hiện lại chế độ ăn và hạn chế dùng một số sản phẩm mà chị đang cho con sử dụng.
Không riêng gì bé L, gần đây báo chí cũng đã đưa tin về rất nhiều trường hợp trẻ mẫu giáo, tiểu học phải nhập viện vì có biểu hiện dậy thì sớm, từ bé trai tới bé gái. Trao đổi với phóng viên, TS.BS Nguyễn Thị Hoàn, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương, Đê La Thành, Hà Nội cho hay: Nếu như cách đây hơn 10 năm, tuổi dậy thì trung bình ở trẻ Việt Nam là 13-14 thì hiện nay, khoảng thời gian giao thời ấy đã giảm xuống còn 10–12 tuổi, có trẻ 8-9 tuổi.
Trước đây, bệnh dậy thì sớm không phải là bệnh phổ biến, 1.000 trường hợp thì hãn hữu có 2-3 trường hợp trẻ mắc phải, nhưng hiện nay nó ngày càng tăng, ở cả trẻ mẫu giáo. Thực tế, khoa Nội tiết của bệnh viện Nhi trung ương đã điều trị cho cháu bé mới 2 tuổi đã dậy thì. Dậy thì sớm được coi là bệnh phát triển trước độ tuổi thường, ở trẻ nữ (trước 8 tuổi) và trẻ nam (trước 9 tuổi).
Thời điểm dậy thì không phải tính từ khi xuất hiện kinh nguyệt hoặc có thể xuất tinh, mà tính từ khi cơ thể mọc lông mu, ngực, âm vật, dương vật phát triển. Vì thế nhiều trẻ có kinh nguyệt hoặc xuất tinh ở độ tuổi 12-13 nhưng đã có dấu hiệu mọc lông mu, phát triển ngực ở khoảng 7-8 tuổi, các trường hợp này cũng được xem là dậy thì sớm.
Do được bồi bổ quá nhiều
Trước thực trạng nhiều trẻ dậy thì sớm, bác sỹ Hoàn nhấn mạnh nguyên nhân là do điều kiện kinh tế phát triển, trẻ em được ăn uống quá nhiều chất bổ nhưng lại ít có môi trường vận động, khiến tỷ lệ béo phì tăng cao gây ra dậy thì sớm. Trên thực tế, không chỉ cho ăn một chế độ giàu calorie, nhiều cha mẹ còn ham cho con dùng các sản phẩm bồi bổ, có tính kích thích sinh dục phát triển sớm như sữa ong chúa nên càng khiến con nhanh tới tuổi dậy thì.
Ngày nay vấn đề ô nhiễm thực phẩm khiến trẻ tiếp xúc với nhiều loại thức ăn có thành phần hóa học gây độc, các chất kích tăng trưởng nên nguy cơ bệnh cũng tăng cao. Theo nhiều ý kiến trên thế giới thì việc phổ biến các mỹ phẩm, hóa chất gây ô nhiễm môi trường cũng làm rối loạn nội tiết dẫn đến dậy thì sớm hơn.
Ngoài hiện tượng sinh lý trên, Ths.BS Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng khoa Nội tiết, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm một số trẻ dậy thì sớm là do bệnh lý tổn thương não như u não, teo não, động kinh, u tuyến thượng thận… một số khác dậy thì sớm giả mà nguyên nhân chủ yếu do lối sống như xem phim tranh ảnh kích dục, sống cùng người lớn hớ hênh…
Hệ lụy thấp lùn và nhiều bệnh nguy hiểm
Dậy thì sớm đang trở thành nỗi lo sợ với nhiều cha mẹ bởi theo bác sỹ Hoàn nhưng trẻ bị bệnh này thường bị thấp lùn khi trưởng thành cùng với nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Lúc mới dậy thì, cơ thể trẻ được kích thích cao lớn sớm hơn tuổi nhưng xương dài lại bị đóng sớm khiến tổng chiều cao khi trưởng thành bị hạn chế. Khi trẻ lớn trước so với bạn bè, tâm lý của trẻ sẽ bất an, sợ hãi nên giảm tập trung học tập. Một số trẻ lớn sớm nhưng kiến thức lại chưa kịp lớn theo nên cũng dễ phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Những trẻ dậy thì sớm do bệnh lý trên não, trên thượng thận, nếu không điều trị sớm sẽ dẫn tới tử vong.
Bác sỹ Hoàn còn cho biết dậy thì sớm còn là căn nguyên gây vô sinh và dễ bị tấn công bởi những căn bệnh ung thư: Ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng… Bởi vậy các chuyên gia khuyên phụ huynh nên quan tâm tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Khi thấy con có dấu hiện âm vật, dương vật lớn, xuất hiện lông mu, ngực phát triển, thay đổi giọng nói (ở trẻ nam) trước tuổi 9 tuổi thì nên đưa đi khám để có những cách khắc phục tốt nhất cho con.
Những trẻ dậy thì sớm do mắc bệnh lý ở não sẽ phải điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Những trẻ bị bệnh do tiếp xúc với hormone sinh dục thì cần khắc phục bằng chế độ ăn uống, tránh việc tăng lượng hormone sinh dục trong cơ thể.
Hạn chế tình trạng dậy thì sớm - Hạn chế những đồ ăn nhanh và thực phẩm được chiên nhiều dầu mỡ, nên cho trẻ ăn vặt bằng rau quả, củ. Chế độ ăn của trẻ cần giàu dinh dưỡng nhưng hạn chế tình trạng dùng thịt thay rau hoặc quá dư thừa năng lượng. - Với những trẻ có sự phát triển bình thường, cha mẹ không tự ý dùng các sản phẩm bổ dưỡng có tính kích thích sự tăng trưởng và dậy thì như mật ong, sữa ong chúa, sản phẩm tăng cường cao lớn mà cần chỉ đạo của bác sỹ. - Khi cho con bú, các bà mẹ không nên dùng các sản phẩm chăm sóc bôi ngực để hạn chế cho trẻ tiếp xúc với hormone sinh dục. - Không cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm chứa nội tiết tố, mỹ phẩm của người lớn. - Tìm cách hạn chế con tiếp xúc với tranh ảnh, phim truyện có yếu tố kích dục và tránh để con thấy người lớn có những biểu hiện quá thân mật liên quan đến giới tính. |
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)
Chủ đề liên quan: