Sức khỏe hôm nay

Nguy hiểm khi nhồi nhét con ăn quá no

(SKGĐ) Nhiều cha mẹ nghĩ ra đủ cách để ép con ăn càng nhiều càng tốt. Nhưng đằng sau cái bụng no tròn của con và vẻ mặt hả hê của cha mẹ là cả mớ bòng bong về sức khỏe.

Thời gian trước chị Hoàng Thu Hà ở La Khê, Hà Đông luôn tự hào về cậu con trai dễ ăn của mình. Trong khi con cái nhà khác ăn uống èo uột thì thằng bé nhà chị cứ luôn miệng đòi ăn. Vừa ăn qua bữa, cậu bé đã kêu đói và đòi ăn nhèo nhẹo. Thấy con dễ ăn, vợ chồng rất vui và càng ra sức khuyến khích và bồi dưỡng. Ấy thế nhưng cậu bé vẫn chậm lớn. Lên 5 tuổi mà bé chỉ nặng 17kg. Chưa kể là hơn 3 tháng nay cậu bé bắt đầu có biểu hiện chán ăn. Một bữa ăn của cậu bé cứ kéo dài cả tiếng đồng hồ là bình thường và thỉnh thoảng bé lại kêu đau bụng.

Ban đầu khi nghe con kêu đau bụng, chị Hà nghĩ bé bị giun. Nhưng dù đã cho con uống thuốc tẩy giun, bé vẫn thường xuyên kêu đau nên chị Hà bắt đầu lo và đưa con đi khám. Khi nghe bác sỹ thông báo con bị đau dạ dày chị Hà vẫn không tin vì: “Mình chăm con rất kỹ làm sao có chuyện mới bé tí thế đã bị đau dạ dày được?!”

Trẻ nhỏ cũng đau dạ dày

Chuyển những thắc mắc của chị Hà tới ThS. BS. Nguyễn Thị Hằng (Phó Chủ nhiệm Bộ môn Đông dược, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam) thì được biết quan niệm chỉ có người lớn mới bị đau dạ dày do ăn uống, sinh hoạt bừa bãi là sai lầm. Hiện nay đau dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa và trẻ nhỏ từ tuổi mầm non, thậm chí mấy tháng tuổi cũng có thể bị đau dạ dày.

Các con số thống kê cho thấy đau dạ dày là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ, hơn 50% trẻ đau bụng âm ỉ có liên quan tới đau dạ dày. Phần lớn trẻ bị đau dạ dày là do thường xuyên ăn quá no hoặc vì lười ăn mà bị cha mẹ ra sức ép ăn cho bằng được.

Khi ăn quá nhiều hoặc bị ép ăn, trẻ sẽ có cảm giác buồn nôn, ợ hơi, ợ chua khiến dịch dạ dày chứa acid trào ngược lên thực quản lâu ngày sẽ viêm loét dạ dày. Biểu hiện ban đầu của đau dạ dày ở trẻ nhỏ là những cơn đau bụng không dữ dội mà âm ỉ, giống như giả vờ một lát là hết. Một số trẻ còn biểu hiện cấp tính như đi ngoài ra máu, da xanh, nôn đột ngột, mệt không học được hay nằm gục trên lớp thì hầu hết là đau dạ dày. Cá biệt có những trường hợp như trẻ đi ngoài phân đen, không nôn ra máu là do bị viêm loét tá tràng, để càng lâu có thể loét sâu, ăn vào mạch máu, dẫn tới chảy máu nhiều bên trong. Khó khăn là trẻ không diễn tả đúng cơn đau, vị trí đau nên cha mẹ dễ bỏ qua.

“No cành hông” hại hơn lợi

Các bậc phụ huynh đừng vì thấy con ăn nhiều đã mừng vội. Vì ăn quá nhiều kiểu no cành hông rất có hại cho dạ dày trẻ. Sở dĩ trẻ ăn nhiều là do phải thường xuyên ăn một loại thức ăn nào đó làm cho cơ thể mất đi cơ hội tiếp nhận những loại thức ăn khác dẫn tới thiếu chất, cơ thể chậm phát triển và dễ bị đau dạ dày như trường hợp con trai chị Hà là một điển hình.

Với những trẻ lười ăn, việc ép ăn sẽ tác động xấu tới tâm lý và hệ tiêu hóa của trẻ. Thay vì ép uổng, các bậc phụ huynh nên kiên nhẫn động viên và có sáng kiến thay đổi thực đơn để trẻ không bị nhàm món.

Đặc biệt, các phụ huynh đừng bao giờ để trẻ quá đói rồi mới cho ăn. Nếu cho rằng đấy là cách tốt nhất để trẻ không lười ăn là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, việc đói quá sẽ khiến trẻ mệt mỏi và càng không muốn ăn.

Lê Miền

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nguy-hiem-khi-nhoi-nhet-con-an-qua-no-6814/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY