12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Nguy hiểu khi bị hội chứng ống cổ tay

Nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời, để bệnh phát triển nặng thì dễ dẫn tới teo nhỏ các ngón tay, dẫn đến liệt bàn tay và trở thành người tàn phế.

Ảnh minh họa

Bệnh hội chứng ống cổ tay dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác

Chị Ngân 40 tuổi (ở Minh Khai, Hà Nội) hiện đang là nhân viên văn phòng cho một công ty truyền thông. Do tính chất công việc nên chị thường xuyên phải dùng máy vi tính, soạn thảo các văn bản. Dạo trước, trong lúc đang đánh máy không hiểu sao bàn tay của chị tự nhiên tê cứng, các ngón tay bị liệt giống như bị chuột rút, cảm giác đó rất khó chịu và đau đớn như có kim châm. Nhưng chỉ ít phút sau thì cơm đau tan biến, chị lại có thể làm việc bình thường. Do chủ quan nghĩ rằng mình tuổi cao lại làm việc máy tính nhiều nên xương khớp nhức mỏi là điều dễ hiểu, nên chị không đi khám bác sĩ ngay mà tự ý mua cao gấu về bôi.

Thời gian đầu chị Ngân thấy bệnh có thuyên giảm, nhưng sau một thời gian những cơn đau, tê cứng như có kim châm vào các đầu ngón tay thường xuyên xuất hiện nhất là vào buổi đêm khiến chị khó ngủ. Bệnh ngày càng nặng hơn khiến chị có cảm giác các ngón tay của mình hình như đang bị teo nhỏ các hoạt động bình thường như cầm nắm trở nên khó khăn. Lúc này, chị Ngân mới tá hỏa đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.

BS. Hoàng Văn Dũng (Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: Theo như các dấu hiệu trên cho thấy chị Ngân mắc “Hội chứng ống cổ tay” là một bệnh thường gặp với những người thường xuyên làm việc văn phòng hoặc những công việc có liên quan tới đôi tay nhiều.

Bệnh này thường gặp ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, xác suất bị hội chứng ống cổ tay ở phụ nữ thường cao gấp 4 lần so với ở đàn ông do cổ tay của phụ nữ thường nhỏ hơn cổ tay đàn ông, nên hệ thống dây thần kinh ở giữa cổ tay dễ bị đè nén hơn. Những phụ nữ đang mang thai, những người mắc bệnh về khớp, bệnh đái tháo đường, huyết áp cao... tỷ lệ bị hội chứng ống cổ tay luôn cao hơn những người bình thường.

Ảnh minh họa

Lần theo bệnh án của bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay

Cũng theo BS. Dũng, nguyên nhân gây bệnh là do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay. Ở cổ tay, dây thần kinh được nằm giữa ống cổ tay. Dây thần kinh giữa có chức năng nhận cảm giác ngoài da của ngón trỏ, ngón giữa và gan bàn tay ở phía dưới 2 ngón tay đó và điều khiển vận động các cơ của các ngón tay. Do ống cổ tay khá chật, khi nó chít hẹp lại thì dây thần kinh giữa bị chèn gây ra hội chứng ống cổ tay.

Chuột máy tính là sát thủ gây bệnh hội chứng ống cổ tay ở những người dùng chuột nhiều và không đúng cách.

Hội chứng ống cổ tay giai đoạn đầu thường dễ nhầm sang những bệnh về cơ xương khớp, thoái hóa khớp ngón tay. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân thường chủ quan không chú ý chữa trị hoặc tự chữa bằng những phương pháp thông thường, dân gian như xoa mật gấu, uống thuốc Bắc, xoa cao hổ cốt… Nhưng không hiểu về cơ chế hoạt động của bệnh những việc làm này sẽ làm dây thần kinh tắc nghẽn hơn làm tăng bệnh chứ không thể khỏi được. Bệnh càng ủ lâu càng khó chữa gây tốn kém về tiền bạc và tổn hại tới sức khỏe.

Bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo, khi người bệnh có triệu chứng nhức mỏi như có kim châm ở đầu các ngón tay, cổ tay tê cứng không cử động được thì bạn nên để bàn tay nghỉ ngơi, thả lỏng các ngón tay thư giãn. Hoặc khi thấy bị tê tay, tê tăng lên khi lao động, lái xe máy, hoặc bị tê khi đang ngủ, tê nhiều ở ngón trỏ và ngón giữa nên đi khám ngay để làm chẩn đoán điện xác định bệnh để có thể điều trị kịp thời tránh để quá muộn gây khó khăn trong điều trị.

Để có đôi tay luôn khỏe

Mốt số phương pháp sau sẽ cho bạn đôi tay luôn khỏe mạnh:

1. Chế độ dinh dưỡng cho người bị hội chứng ống cổ tay

Để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể đặc biệt cho hệ xương khớp, trong đó có đôi tay bạn nên ăn nhiều thực phẩm giầu canxi có nhiều trong hải sản các loại. Ngoài ra bạn có thể uống sữa hoặc ăn sữa chua để bổ sung canxi cho xương chắc khỏe. Một cốc sữa chua nhỏ bổ sung lượng canxi tương đương một ly sữa 250ml. Ngoài ra, sữa chua còn rất tốt cho những người thừa cân vì nó giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể.

Chú ý: Hạn chế ăn muối vì muối chính là sát thủ làm giảm lượng canxi trong xương, ăn nhiều muối gây loãng xương, xương bị giòn dễ gẫy và dễ bị ăn mòn.

2. Chế độ luyện tập cho người bị hội chứng ống cổ tay

Mỗi ngày bạn nên dành 15 phút massage cho đôi tay bằng các loại tinh dầu. Xoay nhẹ nhàng cổ tay từ bên trái qua phải 10-20 lần để cho máu ở ống cổ tay được lưu thông nhẹ nhàng. Ngoài ra, bạn có thể luyện tập bằng cách nắm tay rồi thả ra liên tục từ 10-20 lần giúp cho các ngón tay bớt mỏi khi làm việc căng thẳng.

Chú ý: Nên làm động tác khởi động cổ tay trước khi làm những việc phải thường xuyên sử dụng động tác lắc cổ tay như: băm, chặt, đánh máy, di chuột máy tính, chơi golf, lái xe máy đi xa... Có khởi động như vậy, các cơ và khớp ở cổ tay mới được hoạt động nhịp nhàng, tránh các chứng bong gân, phù nề ở vùng cổ tay.

Đông Thảo

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/nguy-hieu-khi-bi-hoi-chung-ong-co-tay-17391/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY