Tình yêu và giới tính hôm nay

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Mẹ là một kho tàng để tôi noi theo

Với MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên- mẹ cô chính là một kho tàng các bài học về đối nhân xử thế trong cuộc sống mà cô học hoài không hết.

Quê gốc Sơn Tây, Hà Tây nhưng lại sinh ra ở Sài Gòn năm 1965, và theo gia đình sang định cư ở Mỹ khi mới có mấy tuổi. Lúc mới sang Mỹ, gia đình Nguyễn Cao Kỳ Duyên sống tại Fairfax, Virginia và sau đó chuyển tới Huntington Beach, California. Kỳ Duyên học đàn piano từ khi 5 tuổi. Trong độ tuổi 13-19, cô còn học nhạc và lý thuyết âm nhạc, cũng như học luyện giọng.

Sau đó Kỹ Duyên học ngành luật tại Đại học Western State (Mỹ), tốt nghiệp với tấm bằng loại danh dự và cô theo nghề luật sư, nghề danh giá số một tại Mỹ. Sau này cô bỏ nghề luật và lấn sân sang nghệ thuật và trở thành một MC nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Người đàn bà tài sắc này còn rất thành công trong công việc kinh doanh.

Sau khi lấy chồng và sinh đứa con đầu lòng, trước áp lực của công việc, lúc nào cũng phải nghĩ tới việc phải làm sao thắng kiện đã khiến Nguyễn Cao Kỳ Duyên quyết định bỏ nghề vì hạnh phúc gia đình mình. Nghề luật ở nước Mỹ muốn thành công, một tuần phải bỏ ra ít nhất 70-80 giờ. Ông chủ của Kỳ Duyên lúc đó đã hơn 70 tuổi, ba lần ly dị, sáng tới sớm nhất, tối về trễ nhất, làm việc tới nỗi sinh ra nghiện rượu vì stress nhiều quá.

Chính vì điều đó, Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã bỏ nghề vì: “Đó không phải là cuộc sống mà tôi muốn. Tôi muốn mình đi làm về chơi với con, cảm thấy vui vẻ. Điều buồn cười nhất là khi tôi nói không muốn làm luật nữa, ông chủ dắt tôi đi khắp văn phòng, sang cả những văn phòng luật bên cạnh và tuyên bố: Đây là người luật sư thông minh nhất vì cô ấy dám bỏ nghề lúc cô ấy còn trẻ”.

Nhiều người vẫn cho rằng cô được thừa hưởng nhiều thứ từ mẹ: từ sắc vóc, giọng nói, cách đối nhân xử thế, cho đến cách giáo dục với con cái. Với Nguyễn Cao Kỳ Duyên mẹ cô chính là kho tàng các bài học về đối nhân xử thế trong cuộc sống mà cô học hoài không hết. Mẹ luôn là người bao dung và có tình thương không bờ bến đối với mọi người. Ngoài đời, mẹ cô lúc nào cũng đối xử với họ rất lịch sự, chưa bao giờ cô thấy mẹ nạt nộ, nặng lời với những người làm trong nhà.

Và một tính cách nữa, Nguyễn Cao Kỳ Duyên học được từ mẹ đó là không bao giờ lên mặt với ai hết. Dù đối với ai mẹ cô cũng nhún nhường và cô thấy đó là một tính cách rất hay. Dù thế nào đi nữa thì mình càng như thế người ta càng quý mình. Và càng có danh tiếng thì mình càng nên nhún nhường.

Chẳng hạn, nhiều lúc đi vào một nhà hàng nào đó ăn uống, nhân viên bê đồ ra rồi thảy một phát lên trên bàn theo kiểu muốn ăn thì ăn không ăn thì thôi, nếu không phải là Nguyễn Cao Kỳ Duyên thì có thể sự việc sẽ khác. Còn càng là Nguyễn Cao Kỳ Duyên thì cô lại càng buộc mình phải nhịn, không được lên mặt. Nếu có điên lắm thì cũng cứ ăn uống xong, gọi nhân viên đó lại và nói cho người ta hiểu, như thế người ta sẽ phục mình hơn.

Cuộc sống không cho ai tất cả mọi thứ, khi những cuộc chia ly xảy ra, Nguyễn Cao Kỳ Duyên hầu như không nhắc tới lý do chia tay trên phương tiện thông tin đại chúng. Lý do mà Kỳ Duyên không muốn là vì dù tốt hay xấu thì người đó vẫn là bố của các con và cô chỉ muốn nói tốt về bố tụi nhỏ với chúng.

"Đó không phải là giữ tiếng đẹp gì cho bố chúng mà là giữ cho chúng. Đứa con nào cũng muốn được hãnh diện về bố mẹ nó nên khi mình nói xấu chồng hoặc vợ với con là vô hình chung mình đã làm tổn thương chúng, gây cho chúng một sự mặc cảm, nhất là khi các con còn bé. Cứ để tự nhiên lớn lên nó sẽ hiểu mọi chuyện", Kỳ Duyên bày tỏ.

Là bà mẹ đơn thân, Nguyễn Cao Kỳ Duyên phải là người mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con. Đồng thời cô cũng là cột chống cho chính bản thân mình. Cô không cho phép một điều gì đó quật ngã mình. Kỳ Duyên không biết thứ tình cảm đặc biệt dành cho các con sẽ giữ được bao lâu nhưng nó rất thiêng liêng. Bây giờ, mỗi lần buồn vì người yêu có thể khóc một chút rồi thôi nhưng buồn vì con thì thật khủng khiếp.

Còn đối với các con của mình, Nguyễn cao Kỳ Duyên không dạy con phải răm rắp nghe lời cha mẹ mà dạy con phải có chính kiến, phải biết phân biệt đúng sai, biết phản biện, biết bảo vệ quan điểm của mình. Ngày xưa, các cụ dạy là trẻ con cấm được hỏi vặn lại người lớn, như thế là hỗn. Còn bây giờ, dạy con là để các con có quyền hỏi lại bất kỳ điều gì, nếu mẹ muốn các con như thế thì mẹ phải cắt nghĩa tại sao. Và nếu làm sai, cô cũng xin lỗi và cắt nghĩa để nó thấy ai cũng có thể lầm lỗi. Không phải người lớn bao giờ cũng đúng. Nhưng biết lỗi, biết nhận thức, biết xin lỗi... thì mọi chuyện được tha thứ.

Theo Kỳ Duyên quan niệm, con kính nể cha mẹ vì cha mẹ đáng được kính nể. Không thể lấy danh nghĩa cha mẹ ra để bắt các con phải yêu thương, phải kính nể dù mình không đáng được như thế.

Khôi Nguyên Trần

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/nguyen-cao-ky-duyen-me-la-mot-kho-tang-de-toi-noi-theo-8590/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY