Sức khỏe hôm nay

Nguyên nhân, biểu hiện và triệu chứng của bệnh trầm cảm khi mang thai

Trầm cảm khi mang thai là bệnh khá phổ biến ở các mẹ bầu. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tác động tiêu cực đến tâm sinh lý của thai nhi. Hiểu được biểu hiện và triệu chứng của bệnh trầm cảm khi mang thai là biện pháp tốt nhất để bảo vệ cả mẹ và bé.

1. Tổng quan về bệnh trầm cảm khi mang thai

Theo thống kê, có 14- 23% mẹ bầu bị trầm cảm khi mang thai. Khi cuộc sống ngày càng hiện đại nhiều áp lực, bệnh lý này ngày càng phổ biến và trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh của tất cả mẹ bầu.

Trầm cảm khi mang thai là tình trạng không một mẹ bầu nào mong muốn, tuy nhiên bệnh không dễ phát hiện vì đa số mẹ bầu có xu hướng che đậy cảm xúc hoặc không biết mình đang mang bệnh. Phát hiện sớm đưa ra những biện pháp chữa trị hiệu quả trầm cảm khi mang thai là việc mà mỗi mẹ bầu cần làm ngay lúc này để bảo vệ sức khỏe của mẹ bầu và bé.

Ngày càng có nhiều phụ nữ trầm cảm khi mang thai, theo thống kê căn bệnh này xuất hiện ở 14- 23% mẹ bầu.

1.1 Trầm cảm khi mang thai là gì?

Khi mang bầu, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mẹ sẽ không kịp thích ứng với những thay đổi ấy và hậu quả là kéo theo nhiều điều tiêu cực không đáng có, trong đó có chứng bệnh trầm cảm khi mang thai.

Đây là một chứng rối loạn cảm xúc, khó kiểm soát trong suy nghĩ nghiêm trọng ở mẹ bầu, chúng ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và thai nhi.

1.2 Thai phụ nào dễ bị trầm cảm khi mang thai?

Trầm cảm khi mang thai xảy đến với phụ nữ có sự tăng giảm hormone. Tâm trạng thay đổi có thể do sự căng thẳng, mệt mỏi, sự thay đổi các hormon thai nghén đặc biệt ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.

Một nguyên nhân lớn khác có thể dẫn tới trầm cảm khi mang thai là do sự phức tạp trong các mối quan hệ của thai phụ. Ví dụ như vợ chồng đang trục trặc hoặc thai phụ đang mâu thuẫn với gia đình chồng, hoặc các mối quan hệ công việc, xã hội,...

Các trường hợp mang thai ngoài ý muốn như ngay sau khi kết hôn hoặc mới sinh con được một thời gian đã mang thai trở lại... mà chưa sẵn sàng, chưa có sự chuẩn bị tinh thần, kinh tế cũng có thể gây trầm cảm cho mẹ hoặc cho cả bé.

Bản thân người phụ nữ có tiền sử trầm cảm sẽ dễ tái bệnh. Bất kỳ một biến động nào trong cuộc sống như sự ra đi của một người thân yêu, ly hôn, chồng đi xa hay mất việc, không có ai chia sẻ,… đều có thể gây ra trầm cảm.

Căn bệnh này cũng xảy ra với những thai phụ gặp vấn đề về thai sản như nghén nhiều hoặc cảm thấy bản thân quá bận rộn, áp lực không được nghỉ ngơi đúng như khuyến nghị của bác sĩ.

Một lý do khác như sản phụ khó thụ thai hoặc đã từng sảy thai trong quá khứ dẫn đến lo lắng nhiều.

2. Nguyên nhân bị bệnh trầm cảm khi mang thai

Có 8 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trầm cảm khi mang thai. Ở mỗi mẹ bầu, nguyên nhân gây nên bệnh lý này lại khác nhau tùy hoàn cảnh, suy nghĩ và thái độ của mỗi người.

- Áp lực tài chính

Áp lực là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra trầm cảm ở mẹ bầu.

Khi mang thai, mẹ bầu cần có tâm lý thoải mái, nguồn năng lượng tích cực, cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng,… Tuy nhiên, nếu áp lực tài chính khiến người phụ nữ không thể đáp ứng được những nhau cầu này, cộng thêm nỗi lo tiền sinh đẻ, tiền chăm sóc nuôi dưỡng sau khi sinh… khiến mẹ luôn phải sống trong mệt mỏi, lo toan.

- Thiếu sự hỗ trợ

Sự tự lập, nỗ lực để hoàn thành tốt mọi việc của phụ nữ hiện đại đem lại nhiều lợi ích nhưng nó cũng có mặt tiêu cực như áp lực, sự bận rộn.

Điều này khiến cho tất cả mọi người thiếu đi sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu phụ nữ gặp hoàn cảnh này ở thời gian mang bầu sẽ khiến mẹ gia tăng áp lực, dễ dẫn đến trầm cảm hơn.

- Mang thai ngoài ý muốn

Trái ngược với những cặp vợ chồng đang mong ngóng con, phụ nữ mang thai ngoài ý muốn khi áp lực kinh tế, chưa chuẩn bị tinh thần hay chưa được sự ủng hộ của gia đình,… thường sẽ có nhiều suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng nghiệm trọng đến tâm sinh lý và sức khỏe của mẹ.

Những suy nghĩ tiêu cực từ những lo lắng trên khiến mẹ bị trầm cảm khi mang thai.

- Thay đổi hoocmon

Khi mang thai, hoocmon trong cơ thể mẹ thay đổi như phụ nữ sau sinh hoặc phụ nữ gần đến ngày kinh nguyệt. Đây chính là 1 trong những nguyên nhân chính gây nên chứng trầm cảm khi mang thai ở mẹ bầu.

Sự thay đổi hoocmon khiến mẹ bầu nhạy cảm hơn, cảm xúc của mẹ cũng nhạy cảm hơn với những vấn đề xoay quanh cuộc sống của mình. Sự suy nghĩ thái quá, “chuyện bé xé ra to” từ đó có thể dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, công việc,… khiến mẹ bầu không kiểm soát được nỗi lo lắng, mệt mỏi,…

- Áp lực xã hội

Các chuyên gia đánh giá, ngày nay việc mang thai của phụ nữ nói chung khó hơn rất nhiều so với trước đây. Không chỉ khó khăn để có bầu mà quá trình mang thai cũng chịu nhiều căng thẳng, áp lực do vừa phải đi làm, vừa nuôi con.

Áp lực cuộc sống hiện đại gấp gáp, bận rộn khiến nhiều mẹ bầu không có nhiều thời gian để chăm sóc cho bản thân, nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng chính là 1 tác nhân gây trầm cảm ở mẹ bầu.

- Di truyền

Bệnh lý trầm cảm khi mang thai do sự rối loạn cảm xúc của mẹ gây ra cũng chịu tác động của yếu tố di truyền.

Nếu gia đình của người mẹ có người thân từng bị trầm cảm khi mang thai thì nguy cơ bạn mắc căn bệnh này sẽ cao hơn những người phụ nữ không có yếu tố di truyền với bệnh này.

- Phụ nữ bị lạm dụng

Khi mang thai, nếu phụ nữ bị lạm dụng sức lao động, tình dục hay bị đối xử thiếu công bằng,… sẽ khiến họ nhạy cảm dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực hơn. Lúc này những nỗi lo, sự chán chường sẽ khiến mẹ bầu tự cô lập mình- tạo nên hoàn cảnh thích hợp để trầm cảm “xâm nhập”.

- Rối loạn tuyến giáp

Tuyến giáp là nơi sản sinh ra hormone liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ mang thai. Nếu tuyến giáp bị rối loạn, nội tiết tố của chị em cũng bị ảnh hưởng và đây là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm khi mang bầu.

3. Các biểu hiện của trầm cảm khi mang thai và triệu chứng

Nếu gặp những biểu hiện của bệnh, mẹ bầu nên thăm khám kịp thời để có hướng điều trị phù hợp và sớm nhất.

Rất khó để nhận biết trầm cảm khi mang thai, do bệnh dễ gây nhầm lẫn với một số rối loạn khác khi có thai. Một số dấu hiệu điển hình của phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai như sau:

- Khả năng tập trung kém, khó tập trung, tâm trạng thay đổi đột ngột, lo lắng nhiều và liên tục không rõ nguyên nhân, dễ cáu kỉnh, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân.

- Thai phụ còn có biểu hiện bị rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi quá mức, triền miên không dứt.

- Thai phụ ở 2 trạng thái đối lập, có lúc thèm ăn liên tục hoặc chán ăn.

- Giảm hoặc mất hứng thú với chuyện tình dục, sự gần gũi với chồng. Nếu mẹ bầu giấu kín, không chia sẻ cảm xúc thật với chồng, tình trạng bệnh có thể căng thẳng hơn từ những hiểu lầm khác.

- Buồn bã và khóc nhiều mà không có lý do rõ ràng.

- Không muốn gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Có xu hướng thu mình và tự cô lập mình với gia đình, bạn bè, xã hội.

4. Những hậu quả của bệnh

Bệnh trầm cảm khi mang thai ngoài việc đem đến những hậu quả không tốt cho thai phụ còn có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi. Nếu thai phục mắc trầm cảm, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai có thể dẫn đến tình trạng sảy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân, thai kém phát triển, sau sinh trẻ có khả năng chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, tự kỉ, tăng động,...

Ngay trong thời điểm mang thai, nếu mẹ bầu không được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, phù hợp còn có thể dẫn đến hành vi tiêu cực như: sử dụng chất kích thích như rượu, thuốc lá, dùng ma túy, muốn bỏ phá thai, trầm trọng hơn là nghĩ đến việc tự tử.

5. Phương pháp ứng phó trầm cảm khi mang thai

Phụ nữ khi mang thai hãy dành nhiều hơn thời gian cho bản thân và bé yêu bằng cách nạp đủ dinh dưỡng trong 9 tháng thai kỳ, thay vì làm việc nhà có thể thư giãn bằng việc đọc sách, ăn sáng trên giường và đi bộ trong công viên.

Với những điều bản thân sợ hãi, lo lắng, hãy tâm sự với mẹ, chồng hay bất kì ai bạn cảm thấy tin tưởng... một cách cởi mở nhất để thoát khỏi những suy nghĩ không vui nhằm tránh gây ảnh hướng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Bạn nên giữ tinh thần tươi vui, lạc quan để em bé sinh ra cũng sẽ có những suy nghĩ, tư tưởng như thế.

Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc cũng giúp tâm trạng tốt lên, tươi mới hơn. Duy trì lối sống tích cực, khoa học, bữa ăn đúng chuẩn để đem lại thể trạng tốt nhất cho mẹ và sự phát triển hoàn hảo cho trẻ.

6. Làm sao để phòng bệnh trầm cảm khi mang thai?

Để phòng trầm cảm, thai phụ có yếu tố nguy cơ mắc bệnh, cần thực hiện những biện pháp sau:

- Không nên ở một mình, suy tư, trầm ngâm.

Sự hỗ trợ, qquan tâm của người chồng, gia đình, người thân có tác động tích cực trong việc điều trị trầm cảm khi mang thai.

- Tâm sự, trò chuyện với chồng, cha mẹ, bạn bè để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.

- Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý trong thai kỳ. Tránh làm việc quá sức, thức khuya hay mất ngủ.

- Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh tối đa suy nghĩ hoặc lo lắng nhiều.

Khi có bất kỳ biến cố nào trong cuộc sống, cần đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn. Mục tiêu là để vượt qua được những stress, sốc tâm lý, vượt qua nỗi buồn.

Ăn uống đầy đủ. Bổ sung những thực phẩm giàu vitamin giúp tăng cường sức đề kháng. Từ đó giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh trầm cảm khi mang thai.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nguyen-nhan-bieu-hien-va-trieu-chung-cua-benh-tram-cam-khi-mang-thai-33559/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY