Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Nguyên nhân và Điều Trị Rối Loạn Trí Nhớ

Trí nhớ là đặc tính của vỏ não, có khả năng ghi nhận, bảo tồn và cho hiện lại những kinh nghiệm và tri thức cũ dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng. Như vậy, trí nhớ không phản ánh những cái đang tác động mà là những cái đã qua, đã trở thành kinh nghiệm, kiến thức của con người.

1. Nguyên nhân gây rối loạn trí nhớ:

            - Do ảnh hưởng của bệnh lý tâm thần: Đó là các bệnh như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, bệnh tâm thần phân liệt.

            - Sau chấn thương sọ não.

            -  Do các bệnh nhiễm khuẩn: Các bệnh lý hay gặp là viêm não, màng não do vi khuẩn, virut, viêm màng não lao, sốt rét ác tính thể não, giang mai não, HIV/AISD...

            - Do nhiễm độc: Các chất độc thâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tổn thương thần kinh và các rối loạn tâm thần rất đa dạng, cấp tính hoặc kéo dài.

            - Do nghiện rượu và Thu*c phi*n: Nghiện rượu làm ảnh hưởng đến hiệu suất công tác, đến sức khỏe tâm thần và thể chất, làm tổn thương đến các mối quan hệ gia đình và đời sống xã hội. Người nghiện Thu*c phi*n bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và trí nhớ.

            - Do stress: Tình trạng stress không chỉ gây ra những tác động xấu đối với cơ thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trí nhớ, đặc biệt là phản ứng stress cấp tính. Một trong những nguyên nhân gây stress ở người trẻ là áp lực học tập. Nhiều trường hợp do bố mẹ đòi hỏi quá mức kết quả học tập ở con cái so với khả năng mà chúng có thể đạt được hoặc sự ngộ nhận về năng lực học tập của con em mình.

            - Do rối loạn phân ly: Các rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn thường gặp. Các rối loạn phân ly hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam.

            - Chậm phát triển tâm thần: Chậm phát triển tâm thần (CPTTT) là một nhóm bệnh lý có biểu hiện sự sa sút tâm thần bẩm sinh hay mắc phải trong những năm đầu thời kỳ thơ ấu. CPTTT không phải là một bệnh mà là một trạng thái rối loạn của một bệnh nào đó để lại sự thiếu sót trong các hoạt động trí tuệ và khả năng thích ứng.

            - Động kinh: Động kinh là một bệnh mạn tính, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

2. Rối loạn trí nhớ:

a. Giảm nhớ:

            Là sự suy yếu các quá trình của trí nhớ. Thường những sự việc mới xảy ra khó nhớ hơn những sự việc cũ. Biểu hiện sớm nhất là hiện tượng suy yếu khả năng tái hiện, Gặp trong loạn thần tuổi già, suy nhược thần kinh...

b. Tăng nhớ:

            Nhớ lại những sự việc rất cũ, ngay cả những sự việc không có ý nghĩa hay những chi tiết vụn vặt tưởng không thể nhớ được. Ở đây chủ yếu là nhớ theo kiểu liên hệ máy móc. Thường gặp nhất trong trạng thái hưng cảm, say rượu bệnh lý, sốt nhiễm khuẩn...

c. Mất nhớ hay quên:

            - Quên toàn bộ: Quên tất cả những sự việc cũ và mới thuộc mọi lĩnh vực. Gặp trong trí tuệ sa sút nặng.

            - Quên từng phần: Chỉ quên một số kỷ niệm, chỉ quên ngoại ngữ, chỉ quên thao tác nghề nghiệp, chỉ quên danh từ riêng... gặp trong tổn thương thực thể não hay do cảm xúc mạnh.

            - Quên thuận chiều: Quên những sự việc xảy ra ngay sau khi bị bệnh. Có thể quên trong khoảng thời gian từ vài giờ đến vài tuần, gặp sau khi bị chấn thương sọ não, sau khi lú lẫn, hôn mê.

            - Quên ngược chiều: Quên những sự việc đã xảy ra trước khi bị bệnh. Quên có thể là vài giờ, vài ngày, vài tháng hay vài năm. Có thể quên từng phần hay quên toàn bộ, gặp trong chấn thương sọ não, xơ vữa mạch não, xuất huyết não...

            - Quên trong cơn: Chỉ quên những sự việc xảy ra trong cơn, trong một thời gian ngắn bị bệnh. Gặp trong cơn động kinh, trạng thái hoàng hôn...

            - Quên vừa thuận vừa ngược chiều: Quên cả sự việc cũ lẫn mới. Gặp trong loạn thần cấp, kèm lú lẫn, sa sút trí tuệ do chấn thương sọ não...

            - Quên do ghi nhận kém: Thường là quên thuận chiều.

            - Quên do nhớ lại kém: Thường là quên ngược chiều.

            - Quên cố định: Triệu chứng quên không tăng không giảm.

            - Quên thoái triển: Trí nhớ hồi phục dần.

            - Quên tiến triển: Quên tăng dần là sự việc mới quên trước, sự việc cũ quên sau.

d. Loạn nhớ hay hồi tưởng sai lầm:

Gồm các triệu chứng sau:

            - Nhớ giả:  Còn gọi là ảo tưởng trí nhớ: Những sự việc có thực trong cuộc sống của bệnh nhân  trong một khoảng thời gian và không gian nào đó, bệnh nhân lại nhớ vào một khoảng không gian và thời gian khác, hoặc lẫn lộn sự việc này với sự việc nọ. Có khi trên một sự việc có thật, bệnh nhân lại nhớ thêm những chi tiêt không hề có. Ví dụ: sự việc đã xảy ra từ rất lâu, bệnh nhân lại khẳng định là mới xảy ra ngày hôm qua.

            - Nhớ bịa (Bịa chuyện): còn gọi là ảo giác trí nhớ để phân biệt với nhớ giả. Quên toàn bộ và thay vào chỗ quên, người bệnh kể những sự việc không hề xảy ra với bệnh nhân, nhưng bản thân bệnh nhân không hề biết mình bịa ra và khẳng định những sự việc ấy là có thật. Có thể bệnh nhân  không quên mà chỉ bịa thêm vào.

            Nhớ giả và bịa chuyện có thể gặp trong các bệnh thực thể nặng ở não (có thể kèm theo quên) và có nội dung thông thường hay trong tâm thần phân liệt (không kèm theo quên) và mang tính chất hoang tưởng kỳ quái.

- Nhớ nhầm:

            +Nhớ vơ vào mình: Những điều nghe người khác kể hoặc thấy ở đâu đấy, hay những ý nghĩ, sáng kiến của người khác lại nhớ là của mình, mình đã trải qua.

            + Nhớ việc mình thành việc người: Sự việc, ý nghĩ của mình lại nhớ ra là của người khác hay đã đọc, đã thấy ở đâu đó.

- Nhớ đang sống trong dĩ vãng Kết hợp với quên tiến triển, người bệnh tưởng mình đang sống trong dĩ vãng (10 - 20 năm trước), hành động như người trẻ lại, có khi soi gương không nhận ra mình, cho là một cụ già nào đấy. Gặp trong loạn thần tuổi già, động kinh.

e. Hội chứng Korsacov:

            - Quên thuận chiều (do ghi nhận kém): Đây là rối loạn chủ yếu của hội chứng Korsacov. BN mất định hướng và quên tất cả mọi việc vừa xảy ra. Nhờ còn khả năng suy nghĩ logic, họ có thể suy luận về sự việc đang xảy ra.Ví dụ: BN không nhớ đã ăn sáng chưa, xong nhìn đồng hồ có thể khẳng định được.

            - Loạn nhớ: Có thể nhớ giả và nhớ bịa.

            - Còn nhớ tốt các sự việc cũ: Hội chứng Korsacov còn gặp trong giai đoạn cấp của CTSN (có tính chất tạm thời), các bệnh có tổn thương thực thể ở não (rối loạn không hồi phục), loạn tâm thần tuổi già, trạng thái thiếu oxy não.

3. Điều trị:

            - Điều trị bệnh chính.

            - Một số Thu*c có thể dùng: vitamin nhóm B, các Thu*c dưỡng não như: nootropin, duxil, tanakan, gliatilin...

            - Ngoài ra: Dùng phương pháp tâm lý liệu pháp, thể dục, thư giãn.

4. Phòng bệnh:

            - Ăn uống cân bằng, đủ chất.

            - Tránh những thực phẩm chứa nhiều mỡ, đường và muối.

            - Tăng cường luyện tập thể thao, hạn chế cuộc sống tĩnh tại.

            - Áp dụng các bài tập cho não thông qua các hoạt động hàng ngày như đọc sách báo, chơi cờ, giao tiếp bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, các sinh hoạt ở phường hội, câu lạc bộ…

            - Hạn chế tiếp xúc môi trường độc hại.

            - Hạn chế, tránh xa các đồ gây nghiện như rượu, bia, Thu*c lá…

            - Duy trì cuộc sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, bỏ xa ý nghĩ hận thù, cay cú hay cực đoan.

5. Chăm sóc người bệnh:

Người thân của người bệnh suy nhược trí nhớ cần chú ý:

            - Lắng nghe và theo dõi những hành động không lời của bệnh nhân để hiểu họ đang muốn gì.

            - Cần hòa nhập vào thế giới của người bệnh, nói về những chuyện trong quá khứ. Cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng, tránh làm người bệnh sợ hãi.

            - Thường xuyên giới thiệu bản thân và mối quan hệ của bạn với người bệnh.

            - Tạo cho người bệnh cảm giác được yêu thương, chăm sóc.

            - Đánh lạc hướng, thay vì cố tranh cãi, hãy trấn an và làm cho họ quên đi bằng cách thay đổi đề tài.

            - Thường xuyên khuyến khích người bệnh những việc đơn giản như: Mặc áo, đánh răng… và hãy khen ngợi khi họ thành công.

            - Hãy tôn trọng người bệnh như trước đây. Sự giận dữ sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực.

- Ngoài ra, nên trưng bày hình ảnh kỷ niệm xưa ở chỗ dễ thấy để kích thích trí nhớ, nhất là những hình gợi lại sự thành công người thân. Treo đồng hồ, lịch chữ to để nhắc nhở ngày tháng, thời gian.

- Phòng ở đầy đủ ánh sáng, ít đồ đạc để dễ đi lại, tránh va chạm. Mọi người trong nhà nên tới thăm hỏi thường nhật.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5c23484076801b22d116fbb3)

Tin cùng nội dung

  • Trí nhớ kém là một trong các triệu chứng điển hình thường gặp ở bệnh nhân tâm thần.
  • Doxycycline là một kháng sinh nhóm cycline, từ lâu được dùng để điều trị bệnh trứng cá đỏ, viêm tiết niệu, viêm dạ dày - ruột, nhiễm Chlamydia...
  • Hầu như các bạn gái khi đến chu kỳ kinh nguyệt hay mắc phải chứng đau bụng kinh. Tuy nhiên không phải bạn gái nào cũng hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị đau bụng kinh.
  • Cao huyết áp là một chứng bệnh về tim mạch của người cao tuổi, nhất là hiện nay chế độ ăn uống đầy đủ, số người béo phì xuất hiện nhiều. Bệnh này là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ và để lại nhiều di chứng nặng nề.
  • Trong các phương pháp điều trị bệnh cao HA, bên cạnh việc dùng Thuốc có những phương pháp mang tính cổ truyền có thể giúp mọi người phòng ngừa và điều trị tốt bệnh này.
  • Viêm bàng quang, niệu đạo là một bệnh lý rất thường gặp với các triệu chứng sốt, đau tức bụng dưới, táo bón, đái dắt, đái khó, đái buốt, đái đục hoặc có mủ,…
  • Đối với YHCT, ra mồ hôi trộm hay còn gọi là chứng Đạo hãn, nguyên nhân phần lớn do âm huyết không đầy đủ hoặc hoạt động công năng của khí bị cản trở. Bài viết cung cấp các thể điển hình của đạo hãn và một số phương pháp chữa trị.
  • Chế độ ăn BRAT bao gồm chuối, gạo, sốt táo và bánh mì nướng. Chế độ ăn BRAT giúp ích cho trường hợp rối loạn dạ dày, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Áp dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
  • Điều trị ung thư ảnh hưởng đến tất cả bộ phận của cơ thể, trong đó có răng miệng.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY