Là nhà báo nhiều năm đoạt giải cao tại Giải Báo chí Quốc gia, các tác phẩm của nhà báo Võ Mạnh Hùng luôn hướng tới nhiều lĩnh vực được bạn đọc quan tâm, nhất là về môi trường, giải quyết những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nhà báo Võ Mạnh Hùng đã có cuộc trò chuyện với báo NB&CL xung quanh những kinh nghiệm của mình để có một tác phẩm chất lượng tham dự Giải báo chí Quốc gia.
+ Được biết bộ sưu tập gần 20 Giải báo chí của Hùng có đến 4 chiếc cúp được nhận tại GBCQG. Trong số 4 chiếc cúp này, mỗi chiếc cúp 1 kỷ niệm đi tác nghiệp, vậy đâu kỷ niệm khiến anh nhớ nhất?
- Tôi bắt đầu tham gia giải báo chí quốc gia từ năm 2013, khi mới rời ghế giảng đường về công tác tại Báo điện tử VietnamPlus được hơn một năm. Thật may mắn, ngay lần đầu tiên tham dự, tôi đã được giải B giải báo chí Quốc gia với loạt bài “Bất cập trong quản lý đất nông lâm trường quốc doanh.” Loạt bài này đồng thời cũng được giải A giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam trong cùng năm đó.
Đây cũng là loạt bài mà tôi đã dành nhiều tâm sức và để lại rất nhiều kỷ niệm. Bởi năm ấy, tôi đã lên kế hoạch cho gần 10 chuyến đi rừng, đến với các khu vực vùng sâu, vùng xa trên cả nước, những nơi có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn về đất sản xuất, trong khi một phần lớn diện tích đất nông lâm trường thì bỏ hoang bởi những “điệp khúc buồn” về công tác quản lý và khả năng sử dụng “tư liệu sản xuất vô giá” mà ngay cả những người trong cuộc cũng phải thừa nhận còn nhiều yếu kém và bất cập, thậm chí còn xảy ra tranh chấp dẫn tới đổ máu,…
Ngay sau những chuyến đi xuyên việt và chứng kiến muôn kiểu tranh chấp đất rừng ấy, tôi đã viết loạt bài “Bất cập trong quản lý đất nông lâm trường quốc doanh” với mong muốn cung cấp cho độc giả những góc nhìn sâu hơn về thực trạng và hy vọng có sự đổi mới trong công tác quản lý, để đất nông lâm trường tại các tỉnh có đông dân tộc thiểu số thiếu đất sinh sống phát huy được giá trị của nó.
Và cùng với đó, chính niềm vui ấy là động lực cũng như đã giúp tôi có thêm niềm tin và không ngừng cố gắng để nuôi tham vọng chinh phục giải báo chí cao hơn trong những năm sau này.
+ Khoảnh khắc được lên nhận Giải thưởng GBCQG tuy chỉ thoáng qua trong giây lát nhưng đằng sau ánh hào quang đó luôn là những giọt mồ hôi được đánh đổi bởi những lăn lộn thực tế của người cầm bút, thưa anh?
- Tôi vẫn luôn nghĩ rằng mỗi lần được nhận giải thưởng báo chí quốc gia là một lần may mắn. Nhưng cũng phải thừa nhận, để tác phẩm được Giải báo chí Quốc gia là cả một hành trình không hề dễ dàng, thậm chí nguy hiểm, nhất là những đề tài tôi viết luôn hướng tới các “điểm nóng.” Có những loạt bài, tôi mất thời gian gần một năm trời cho những chuyến đi dài, đến với những cánh đồng khô, đất đai nứt nẻ như sa mạc; đến với những “dòng sông ch*t” ở các tỉnh vùng biên; hay những khu “rừng sâu, nước độc” ở trên đỉnh trời núi cao để nhập vai điều tra, khai thác tư liệu.
Tất nhiên, phía sau mỗi chuyến đi là bao nỗi vất vả, gian nan và cả những thách thức, cám dỗ, hiểm nguy, nhất là khi tìm hiểu những vụ việc nhạy cảm phải dẫn thân vào “điểm nóng” để điều tra, ghi lại những thước phim, hình ảnh chân thực, từ đó “mổ xẻ” thực trạng và tìm hướng giải quyết bằng chính “ngòi bút” trong sáng.
Ví dụ như loạt bài “Vỡ trận quy hoạch thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc” đã may mắn được giải C GBCQG năm 2017, và giải B Giải báo chí Phòng chống tham nhũng toàn quốc trong cùng năm đó. Để có loạt bài này tôi đã mất gần một năm trời đi thực tế ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, tìm hiểu về các công trình thủy điện với những dòng sông bị chặn dòng đến “ch*t,” những khu rừng bị san phẳng rồi nhanh chóng biến thành những hồ nước khổng lồ. Thậm chí, một số nơi còn biến tướng tới mức xuất hiện những công trình xây dựng trái phép, xây dựng “vượt đèn đỏ” trước sự “bất ngờ” của chính quyền địa phương. Không ít công trình sau đó đã phải bỏ hoang, đắp chiếu vì thiếu vốn, hay vì mục đích khác khi đã được nhà nước hỗ trợ những khoản vay tới hàng trăm tỷ đồng. Để rồi chính những “công trình ánh sáng” được coi là niềm tự hào của tỉnh nghèo ấy đã trở thành nỗi lo với không ít người dân tộc thiểu số vùng cao bị mất đất sản xuất…
Tất cả những hình ảnh, “câu chuyện sống” đau xót mà tôi ghi nhận được trong từng chuyến đi thực tế, những ngày dài leo núi rã rời ấy đã thôi thúc tôi viết loạt bài với mong muốn mang tới cho độc giả những góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng quy hoạch phát triển thủy điện, như một hồi chuông cảnh tỉnh, kiến nghị, thúc giục các cơ quan chức năng liên quan, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu lưu ý và sớm đưa ra cách giải quyết, cũng như hướng quy hoạch phát triển nguồn năng lượng sạch hiệu quả hơn.
+ Trước khi tác phẩm dự thi đến được với vòng Sơ khảo GBCQG thì phải trải qua khâu sàng lọc từ chính tòa soạn. Để đạt tiêu chí tuyển chọn, gửi đi tham dự Giải thì những yêu cầu khắt khe dành riêng cho tác phẩm của mình được anh đặt ra là gì?
- Đúng là để một tác phẩm báo chí được giải thưởng, nhất là xứng tên ở giải báo chí quốc gia, một cá nhân làm nên “điều kỳ diệu” là việc không hề dễ, thậm chí là rất khó. Về phần cá nhân, tôi luôn xác định mỗi bài viết, tác phẩm báo chí không chỉ là “đứa con tinh thần” cần trau chuốt để người đọc dễ đón nhận bằng mắt, cảm nhận bằng tâm trí, mà còn là một “món ăn” mà mình muốn ngon thì phải dày công chuẩn bị và biết cách chế biến. Tất nhiên, một món ăn nếu dùng mãi cũng sẽ chán. Vậy nên, cần sáng tạo trong cách chế biến và cần phải “vận động sáng tạo.”
Một bài viết nếu bản thân mình đọc còn không hiểu thì làm sao độc giả đón nhận được. Vậy nên, tôi luôn xác định mỗi bài viết là một “mâm” thông tin để độc giả khám phá, chứ không phải mẩu tin câu view để lôi kéo độc giả theo ý đồ của mình.
+ Nhưng trước đó, phải chăng một trong thách thức cũng như khó khăn đối với tác phẩm chắc hẳn nằm ở việc tìm kiếm và phát hiện đề tài?
Tìm kiếm hay phát hiện đề tài luôn là việc mà bất cứ phóng viên nào cũng phải suy nghĩ trước khi thực hiện. Tuy nhiên, khó hay dễ có lẽ một phần còn phụ thuộc vào cách nhìn, khả năng tìm kiếm, kinh nghiệm và quan hệ của mỗi người làm báo.
Ngoài ra, nguồn đề tài nhiều khi khai thác quá nhiều ở phần nổi dễ nhìn thấy, có những vấn đề viết đi viết lại sẽ thành cũ. Thế nên, nếu dành thời gian nghiên cứu, xâu chuỗi vấn đề và viết sâu hơn, tôi nghĩ sẽ không có đề tài “cũ.”
Về phần tôi, những tác phẩm đã được giải thưởng báo chí thực ra cũng là những đề tài không mới, thậm chí có người gọi là “đề tài cũ” như về đất nông lâm trường, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử, quy hoạch thủy điện nhỏ, hay vấn nạn phá rừng. Những đề tài ấy cũng không phải là hiện tượng cá biệt. Mỗi đề tài, mỗi “khoảng tối” khác nhau, nhưng đều có cùng điểm chung: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Và nếu không phân tích, “mổ xẻ” tới tận gốc rễ, cũng như không có hướng giải quyết một cách hệ thống từ luật tới thực thi, hẳn sẽ khó tạo ra cái mới.
+ Là tác giả nhiều năm có tác phẩm được lựa chọn gửi đi dự thi GBCQG, anh có "bí quyết" nào để tác phẩm của mình đạt chất lượng tốt nhất cả về hình thức cũng như nội dung ?
Như tôi đã nói ở trên, trong vòng quay cuộc sống vốn có nhiều thay đổi cũng như tốc độ phát triển như vũ bão hiện nay, nếu chỉ đưa những dòng tin thời sự xảy ra từng ngày như hôm nay xảy ra một vụ xả thải gây ô nhiễm, mai lại xảy ra thêm vụ cháy rừng… thì sẽ chỉ phản ánh được một phần bề nổi của “tảng băng chìm.” Tất nhiên, việc đưa tin thời sự vẫn luôn cần ưu tiên hàng đầu, nhưng nếu “điệp khúc” đưa tin lặp đi lặp lại có thể sẽ gây loãng, khó giải quyết được thực trạng. Đó là chưa kể việc phản ánh sự kiện đôi khi cũng trở nên nhàm chán, thậm chí là “cũ.”
Hay như vấn đề phá rừng mà tôi đã viết và may mắn được giải A Giải báo chí Quốc gia năm 2018 vừa rồi. Như chúng ta đã thấy ở đâu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng, câu chuyện phá rừng không phải là chuyện giờ mới bàn tới mà đó là câu chuyện của lịch sử, của những hồi chuông cảnh báo, của những quyết liệt từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành... Nhưng dù là chuyện “nói rồi, khổ lắm, nói mãi” thì đâu đó vẫn còn quá nhiều những bất cập mà nếu chỉ phản ánh các vụ việc đơn lẻ, hôm nay chỗ này cháy rừng, ngày mai chỗ kia phá rừng... thì hiệu ứng sẽ không cao. Như thế, vấn nạn “phá sơn lâm” cũng chẳng thể giải quyết.
Là phóng viên theo dõi mảng tài nguyên môi trường, với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng, tôi đã dành thời gian, tâm sức cộng với sự trợ giúp của một nhóm chuyên gia về lĩnh vực này để lên kế hoạch thực hiện tuyến bài chuyên sâu trong suốt gần năm trời với mục đích nói lên được toàn bộ hiện trạng, cũng như các nguyên nhân, lỗ hổng từ chính sách đến vấn đề thực thi, quản lý khiến rừng “chảy máu.” Từ đó đưa ra các giải pháp, hiến kế mới để “cứu” rừng xanh, bảo vệ đại ngàn.
Các đề tài khác như vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn đất nông lâm trường; khai thác khoáng sản trái phép; hạn hán, xâm nhập mặn; hay việc ồ ạt quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ… cũng vậy. Nếu chúng ta chỉ phản ánh từng vụ việc đơn lẻ, mà không đi sâu vào nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng, không đưa ra được hướng giải quyết, hiến kế mới trong quản lý, thì hẳn “bàn tay thông tin” sẽ khó chạm tới bàn của các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách để tạo ra sự thay đổi.
Ngoài chất lượng nội dung là yếu tố đánh giá bài viết tốt hay dở, thì việc sáng tạo trong hình thức trình bày cũng là một “điểm cộng” cần tận dụng. Ví dụ như trình bày bài viết theo hình thức Mega-story (hay long-form), đây là một kiểu báo chí có chất lượng về cả nội dung và hình thức được trình bày cầu kỳ (bao gồm text, hình ảnh, video clip, dữ liệu, đồ họa, Infographics), qua đó giúp người xem dễ đón đọc và thấy được sự thay đổi theo thời gian của thực trạng. Điều này cũng đã được thể hiện trong các loạt bài được Giải Báo chí Quốc gia của tôi trong những năm qua như “Tội ác dưới những tán rừng xanh" hay “Ma trận vàng đen trong cơn khát năng lượng”...
+ Tôi có đọc những tác phẩm được vinh danh tại GBCQG của anh ở các năm gần đây, đặc biệt những tác phẩm xuất sắc này đều có tính thời sự phản ánh những hiện trạng điểm nóng, liên quan nhiều tới vấn đề môi trường, đặc biệt là đề cập tới nạn chặt phá rừng, khai thác tài nguyên trái phép. Xin anh chia sẻ thêm về kinh nghiệm của mình để tác phẩm dự thi ở mảng này có sự phản biện, giàu tính chiến đấu và được Hội đồng Giải ghi nhận, đánh giá cao?
Tôi cho rằng lĩnh vực nào cũng có những điểm sáng hay những vấn đề gai góc, tồn tại cần giải quyết để góp phần thay đổi tích cực hơn. Như vậy, không hẳn cứ liên quan đến môi trường, hay phá rừng mới là vấn đề “nóng,” mà còn nhiều lĩnh vực khác phức tạp hơn như: Vấn đề an ninh lúa gạo, xây dựng phá vỡ quay luật tự nhiên, lợi dụng tâm linh, buôn bán vũ khí, sản xuất M* t*y, hay buôn bán người…
Về phần tôi, dù là phóng viên phụ trách mảng môi trường và xây dựng của Báo điện tử VietnamPlus, nhưng trong số những loạt bài đã may mắn được GBCQG cũng như giải thưởng báo chí cấp bộ, ngành trong suốt 7 năm qua, mỗi loạt bài lại phản ánh về những vấn đề, lĩnh vực khác nhau như: Vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn; đất nông lâm trường; quy hoạch thủy điện; phá rừng; khai thác khoáng sản; buôn lậu-xuất khẩu than; buôn bán người; hay ô nhiễm môi trường…
Những đề tài ấy dù không phải là hiện tượng cá biệt, nhưng chắc chắn nó cũng không phải là đề tài cũ, bởi trong cái cũ luôn có cái mới và nếu chúng ta đi tới tận cùng sự thật, “mổ xẻ” tới tận gốc rễ, cũng như có hướng giải quyết một cách hệ thống từ luật tới thực thi, hẳn sẽ tạo ra đột biến.
Vì thế, mỗi bài viết tôi đều xác định trách nhiệm của mình với độc giả để viết bài với đầy đủ nguồn thông tin, vì sao? Bởi nếu những vấn đề nóng, độc giả quan tâm mà chỉ đưa một mẩu tin ngắn có thể sẽ giúp nhiều người lướt qua nhanh, nhưng chắc chắn nó sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu thông tin của phần nhiều độc giả khó tính đang muốn tìm hiểu và trông chờ vào sự thay đổi. Thế nên, nếu chỉ đưa một mẩu tin ngắn ngủi, có khi thông tin quan trọng bị bỏ qua, chắc hẳn đó là điều lãng phí...
Hơn nữa, sau mỗi loạt bài được phản ánh, tôi cũng luôn theo dõi, hướng tới sự vào cuộc xử lý của cơ quan chức năng, để xem những bài viết của mình có tác động tích cực gì cho xã hội. Thật may, phần lớn trong số ấy, đều có kết quả tích cực.
Chủ đề liên quan:
Báo điện tử VietnamPlus chất lượng GBCQG Giải báo chí Quốc gia Mạnh Hùng nhà báo Nhà báo Võ Mạnh Hùng tác phẩm tác phẩm báo chí tác phẩm báo chí chất lượng vấn đề