Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Người phương Tây nghĩ gì? (Kỳ 1)

(MangYTe) Người phương Tây hàm ý chỉ người các dân tộc ở châu Âu và Bắc Mỹ. Văn hóa phương Tây có ba yếu tố: chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp-La Mã, yếu tố Do Thái-Kito giáo và chủ nghĩa duy lý về khoa học.

Thời Pháp thuộc, nhân dân Việt Nam dùng từ “người Tây” để chỉ “người Pháp” là chủ yếu, nhưng cũng để chỉ tất cả những người từ phương Tây đến, da trắng (Tây trắng) hay da đen (Tây đen). Đối với đa số dân, trong khái niệm “Tây trắng” không có sự phân biệt rõ rệt giữa người Pháp, Italy, Anh, Nga... Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, do quan hệ quốc tế và thông tin mở rộng, giác ngộ chính trị được nâng cao, nhân dân ta có ý thức rõ hơn về sự khác nhau giữa các nước phương Tây. Trước đó, do hoàn cảnh lịch sử, đặc biệt trong dân gian, cứ thấy người da trắng thì gọi một cách khinh miệt là “thằng Tây”, gắn khái niệm này với Pháp thực dân. Vì Liên Xô giúp cách mạng ta, nên khi người Nga đến Việt Nam, tuy là da trắng, dân không gọi là “Tây” nữa mà gọi là “người Liên Xô”. Dần dần, số người bạn da trắng từ các nước Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ đến Việt Nam ngày một nhiều, nên khái niệm người phương Tây hàm ý chỉ người các dân tộc ở châu Âu và Bắc Mỹ. Sự phân biệt giữa phương Đông và phương Tây trở nên rõ rệt hơn. 

Văn hóa phương Tây có ba yếu tố: chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp – La Mã, yếu tố Do Thái – Kito giáo và chủ nghĩa duy lý về khoa học.

1. Chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp – La Mã

Theo trình tự thời gian, chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp xuất hiện đầu tiên. Nhà thơ Anh Shelly đã viết: “Tất cả chúng ta đều là người Hy Lạp; luật pháp, tôn giáo, nghệ thuật của chúng ta đều bắt nguồn từ Hy Lạp”. Nhận định này là có phần cường điệu, nhưng cũng phải công nhận là “Người Hy Lạp đã sáng tạo ra tất cả những lý tưởng nhân bản mà chúng ta thường coi là đặc trưng cho phương Tây” (E.Mac Nall Bumrs và Philip Lee Ralph); tự do, lạc quan, chú trọng đến hạnh phúc con người ở trần thế, đề cao lý tính, văn hóa, coi trọng cả cơ thể lẫn tinh thần, tôn trọng nhân phẩm và giá trị cá nhân, số phận cá nhân chỉ có thể do đa số định đoạt. Dĩ nhiên, những lý tưởng ấy đều bị hạn chế bởi lịch sử, giai cấp, nhưng là những ngọn đuốc sáng so với những chế độ Cận Đông đương thời mang đậm dấu ấn độc đoán, uy lực, mê tín, hướng về đời sống bên kia trần thế, coi thường cá nhân. Văn học, nghệ thuật cổ Hy Lạp cho đến nay vẫn còn là một nguồn cảm hứng dồi dào, nhất là triết học, với những tổ sư như Platon và Aristote.

Chủ nghĩa nhân văn cổ đại phát triển rực rỡ nhất ở Hy Lạp vào các thế kỷ IV và V TCN. Tiếp thu chủ nghĩa nhân văn Hy Lạp - La Mã đã có ảnh hưởng sâu đậm cho đến nay đối với phương Tây về nhiều mặt: kiến trúc, luật pháp, văn học, tổ chức tôn giáo, tư tưởng về uy lực tuyệt đối của Nhà nước, quan niệm cá nhân không có quyền gì, trừ quyền do Nhà nước ban cho, khái niệm đế chế do một dân tộc ngự trị. Trong lĩnh vực triết học, người La Mã hướng về hành động hơn là tư duy. Vào hậu kỳ cổ đại Hy Lạp, trong quá trình đế chế La Mã hình thành, triết học Hy Lạp đã làm nẩy mầm ba trường phái, sẽ chi phối triết học La Mã (chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa hoài nghi) và sẽ trở đi, trở lại trong tư tưởng phương Tây. 

Đạo Kito tiếp thu một phần quan trọng giáo lý của đạo Do Thái, nhất là qua Cựu ước: tên Thượng Đế, quá trình sáng tạo thế gian, lịch sử con người, mười điều giới luật, tội tổ tông, Thiên hựu và khá nhiều tư tưởng đạo lý, chính trị khác. Dĩ nhiên, đạo Kito, do Jésus sáng lập khoảng ba chục năm đầu Công nguyên, thay đổi nội dung những yếu tố ấy, cũng như tiếp thu và cải biên những yếu tố mượn của tôn giáo và triết học khác. Đạo Kito cũng thu nạp nhiều tư tưởng triết học cổ Hy Lạp - La Mã của Platon, Aristote, Plotin.

Đạo Kito xuất phát từ hoài bão của dân Do Thái, trông đợi một sứ giả của Chúa đến giải thoát khỏi ách đô hộ nước ngoài La Mã. Nó trở thành tín ngưỡng của dân nghèo, nô lệ và tách dần khỏi đạo Do Thái. Do nội dung xã hội chủ nghĩa không tưởng, mới đầu, nó bị đế chế La Mã đàn áp, nhưng đến thế kỷ IV thì được coi là tôn giáo chính thức của đế chế La Mã. Gắn liền được với quyền lợi những giai cấp bóc lột, đạo Kito đã thống trị tư tưởng ở châu Âu suốt thời kỳ Trung cổ (thế kỷ V - XV). Trong xã hội tư bản châu Âu, đã phát sinh ra xung đột giữa Nhà nước và Giáo hội, nhưng đạo Kito vẫn là một yếu tố quan trọng của kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, một nền tảng chủ yếu của văn minh và xã hội phương Tây. Khác đạo Do Thái, Đạo Kito đề cao tuyệt đối đức tin và nội tâm. Mặc cảm tội lỗi là một yếu tố tâm hồn phương Tây; nó bắt gốc từ giáo lý về sự sa ngã của con người do tội tổ tông; tuy được Chúa Jesus cứu vớt, con người xác thịt không có hạnh phúc ở trần gian được, phải biết sám hối làm điều thiện, may ra nhờ ân Chúa, linh hồn được hạnh phúc vĩnh cửu ở thế giới bên kia. Mặc cảm và băn khoăn cũng là một yếu tố phát triển cá nhân. 

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo quốc tế (https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-nguoi-phuong-tay-nghi-gi-ky-1-119983.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY