8 tỉnh bao gồm Hokkaido, Miyagi, Gifu, Aichi, Mie, Shiga, Okayama và Hiroshima. Hiện 21 trong tổng 47 tỉnh của Nhật Bản được đặt ở tình trạng khẩn cấp, bao gồm hai khu vực đông dân là Tokyo và Osaka. Tình trạng khẩn cấp ảnh hưởng đến 75% dân số Nhật Bản. Biện pháp được thực hiện từ ngày 27/8 đến ngày 12/9.
Động thái này nhằm ngăn chặn hệ thống y tế sụp đổ trong bối cảnh bệnh nhân trẻ tuổi gia tăng. Nhật Bản đã triển khai tiêm vaccine Covid-19, song biến thể Delta dễ lây lan khiến số ca nhiễm ngày càng cao ở nhiều khu vực. Mối lo ngại tăng lên khi nhiều học sinh chuẩn bị trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè.
"Ở hầu hết khu vực trên khắp Nhật Bản, tình trạng nhiễm nCoV lan rộng trên quy mô chưa từng có", thủ tướng Yoshihide Suga phát biểu tại một cuộc họp báo.
Thừa nhận hệ thống y tế đang trong tình trạng "báo động", ông Suga cho biết: "Bằng sự hỗ trợ của mọi người, tôi quyết tâm kiên định vượt qua khủng hoảng này".
Các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm tăng ở người trẻ, đặc biệt là nhóm dưới 20 tuổi. Khảo sát của Bộ Y tế với nhóm từ 6 đến 18 tuổi, 62,6% mắc Covid-19 tại nhà, 24,3% nhiễm virus ở trường.
Chính phủ có kế hoạch phân phối 800.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên cho các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời đảm bảo tiêm chủng cho giáo viên càng sớm càng tốt.
Trong tình trạng khẩn cấp, các nhà hàng được yêu cầu không phục vụ rượu hoặc hát karaoke, đóng cửa trước 20h. Các trung tâm thương mại lớn, gồm cửa hàng bách hóa, khu mua sắm phải giới hạn số lượng khách.
Khu phố ở Hokkaido, một trong 8 tỉnh được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Ảnh: Kyodo
Thủ tướng Suga kêu gọi giảm một nửa lưu lượng người ở các khu vực đông đúc, công ty cho nhân viên làm việc tại nhà, cắt giảm 70% số người đi làm. Trong họp báo, ông Suga bác bỏ đề xuất đóng cửa trường học để hạn chế lây nhiễm.
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của tình trạng khẩn cấp, bởi nó không có tính pháp lý mà chỉ dựa vào sự tự nguyện của cộng đồng. Thống đốc các tỉnh kêu gọi biện pháp mạnh mẽ hơn, điều này cần khuôn khổ pháp lý mới.
Chính phủ dự kiến mở rộng tình trạng "gần như khẩn cấp" với 4 tỉnh khác, bao gồm Kochi, Saga, Nagasaki và Miyazaki. Các thống đốc có thể đề ra hạn chế với từng khu vực cụ thể, thay vì toàn tỉnh.
Ông Suga cho biết gần 60% dân số Nhật Bản sẽ được tiêm chủng vào cuối tháng 9, ngang bằng Mỹ và Anh. Ông nói: "Chúng ta bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm".
Chính phủ cũng sẽ mở rộng điều trị bằng hỗn hợp kháng thể cho các bệnh nhân ngoại trú. Liệu pháp này trước đây chỉ giới hạn cho bệnh nhân Covid-19 nhập viện.
Tokyo, nơi tổ chức Paralympic, ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm mới ngày 25/8. Toàn quốc, số ca hàng ngày lên hơn 24.300. Các bệnh viện phải vật lộn để đối phó với số bệnh nhân tăng đột biến. Tình trạng thiếu giường khiến nhiều bệnh nhân có triệu chứng nhẹ phải điều trị tại nhà.
Ông Suga hy vọng Nhật Bản sẽ ngăn được đợt bùng phát khi có nhiều người tiêm chủng hơn. Ông cho biết ưu tiên cao nhất hiện giờ là đối phó đại dịch.
Nhật Bản đã tăng tốc tiêm chủng trong những tháng gần đây, đối tượng ưu tiên là người cao tuổi và có bệnh nền - nhóm nguy cơ cao phát triển triệu chứng nghiêm trọng.
Khoảng 42,6% dân số Nhật đã tiêm liều vaccine thứ hai, theo dữ liệu của chính phủ ngày 25/8. Hơn 85% người từ 65 tuổi trở lên đã tiêm phòng đầy đủ, chính phủ đối mặt với thách thức trong việc chủng ngừa cho người trẻ tuổi hơn.