LDP ngày 1.7 mở cuộc tranh luận bàn cách khiến thủ đô nước này trở nên hấp dẫn hơn với công ty quốc tế. Một ngày trước đó, nữ nghị sĩ Satsuki Katayama bày tỏ quan điểm: “Nhật Bản đem lại thứ mà Hồng Kông không có là tự do. Nếu Hồng Kông trở thành nơi những lượt thích trên Facebook cũng bị kiểm duyệt thì liệu họ (lao động nước ngoài) có chấp nhận không? Tôi nghĩ mọi người đều muốn sống ở đâu đó bình thường”.
Ngày 1.7, luật an ninh quốc gia mà chính quyền Bắc Kinh áp đặt với Hồng Kông chính thức có hiệu lực. Đạo luật khiến tình hình Hồng Kông, nơi đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế mạnh nhất sau đợt biểu tình năm ngoái cộng thêm dịch COVID-19 thêm tồi tệ.
Tỷ lệ thất nghiệp của Hồng Kông tăng lên mức cao nhất trong 15 năm, giới đầu tư đổ tiền vào nơi khác, người nước ngoài lẫn người dân đặc khu đang cân nhắc ra đi. Mỹ cũng bắt đầu tước bỏ quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hồng Kông bao lâu nay.
Bà Katayama từng trình bày ý tưởng thu hút nhân tài Hồng Kông trước Quốc hội Nhật trong tháng 6 và nhận được phản ứng tích cực từ Thủ tướng Shinzo Abe. Vì vậy LDP đưa vấn đề vào đề xuất chính sách, họ còn chuẩn bị đưa ra báo cáo đánh giá sơ bộ vào mùa thu.
Nữ nghị sĩ LDP thừa nhận Nhật không giỏi thu hút nhân tài. Tính đến tháng 6.2019 chỉ có khoảng 13.000 người sống ở nước này bằng thị thực dành cho chuyên gia.
So với một số trung tâm tài chính châu Á khác, Nhật Bản tồn tại khá nhiều vấn đề: thuế quan cao hơn, hệ thống hành chính rườm rà, rào cản ngôn ngữ… Không những vậy thời gian qua họ phải cấm nhập cảnh đối với người từ hơn 100 quốc gia/vùng lãnh thổ để chống dịch COVID-19. Tuy vậy dân số gần 127 triệu người lại là lợi thế trước đối thủ nhỏ hơn như Singapore.
Để cải thiện sức hút, bà Katayama đề xuất xây dựng cơ chế thị thực mới không đòi hỏi cư trú đầy đủ, đồng thời lập khu ưu đãi thuế quan. Vấn đề nằm ở chỗ người dân có chấp nhận kế hoạch này hay không.