Các bệnh nghề nghiệp không gây ch*t người liền mà để lại tác hại lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động.
“Sức khỏe người lao động (NLĐ) chưa thật sự được quan tâm. Hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 72,32% doanh nghiệp (DN) có nguy cơ bệnh nghề nghiệp (BNN) nhưng chỉ 34,38% đơn vị tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ”- Tiến sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM, cho biết như vậy tại hội thảo về công tác đo kiểm và quản lý môi trường lao động tại các DN tổ chức mới đây.
Công nhân ngành dệt may là một trong nhiều ngành có nguy cơ mắc BNN cao
Doanh nghiệp thờ ơ
Điều 97 Bộ Luật Lao động quy định: “Người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng, độ sáng; đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường”. Nhưng hiện nay chỉ có DN, tập đoàn lớn quan tâm đến vấn đề này; còn các DN nhỏ, cơ sở sản xuất vẫn thờ ơ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Rồng, TT Y tế quận Tân Phú - TP.HCM, cho biết việc khám sức khỏe, tầm soát định kỳ cho NLĐ chưa được chú trọng, chưa được thực hiện theo đúng mục đích. Đa số các DN còn nhận thức sai lệch về việc khám phát hiện BNN; bản thân NLĐ cũng chưa ý thức việc tự bảo vệ sức khỏe. Công tác tuyên truyền, huấn luyện tại DN còn qua loa, đối phó. Hiện trên địa bàn quận Tân Phú có khoảng 900 DN với gần 70.000 lao động nhưng chỉ có 50 đơn vị có cơ sở y tế với 118 cán bộ y tế.
Nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 150.000 DN và 200.000 cơ sở sản xuất nhỏ và vừa với trên 2,5 triệu lao động. Số NLĐ được khám sức khỏe định kỳ còn rất ít so với số lao động đang làm việc.
Công nhân làm việc ở ngành dệt may, da giày, cơ khí… có nguy cơ mắc BNN rất cao. Trong đó, dễ mắc nhất là các bệnh bụi phổi silic, nhiễm độc benzen và hợp chất, điếc nghề nghiệp, sạm da, bụi phổi bông, nhiễm độc chì vô cơ, nhiễm độc hóa chất trừ sâu, nhiễm độc thủy ngân… Các BNN không gây ch*t người liền mà để lại tác hại lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe NLĐ.
Cần chủ động ngăn ngừa
Tham dự hội thảo, ông Nguyễn Cao Phú, Phó Giám đốc nhân sự Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn, gửi đến các đại biểu rất nhiều hình ảnh và bài học kinh nghiệm về ngăn ngừa BNN, T*i n*n lao động tại đơn vị. Theo ông Phú, để tránh T*i n*n lao động, BNN, bản thân NLĐ phải là những người đầu tiên ý thức về vấn đề này. Việc tuyên truyền suông nhiều khi không có tác dụng, vì thế tổng công ty xây dựng các video clip hướng dẫn thật cặn kẽ cách thức trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, những hậu quả nghiêm trọng của T*i n*n lao động... để chiếu trên các chuyến xe buýt đưa rước công nhân đi làm.
Tổng công ty cũng thường mời các đơn vị thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động đến chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi ở nước ngoài để sắp xếp, bố trí lại nơi làm việc cho an toàn, hợp lý. “Không chỉ rủi ro, T*i n*n lao động giảm đáng kể mà sức khỏe của NLĐ cũng được bảo đảm, tinh thần làm việc hăng hái hẳn”- ông Phú kết luận.
Trang bị đầy đủ và bắt buộc NLĐ tuân thủ nghiêm ngặt quy định sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân là bài học kinh nghiệm của Công ty TNHH Xi măng Cát Lái. NLĐ khi vào làm việc phải mang đầy đủ giày, nón, khẩu trang, nút chống ồn... Công ty treo biển báo tất cả khu vực có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ, hướng dẫn các biện pháp an toàn và NLĐ làm việc tại khu vực này tuyệt đối phải tuân thủ. Khi phát hiện NLĐ có dấu hiệu suy giảm thính lực, công ty bố trí sang làm ở bộ phận khác và thường xuyên theo dõi sức khỏe.
Để bảo đảm sức khỏe NLĐ, Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn đã đầu tư, xây dựng hệ thống làm mát nhà xưởng bằng nước, trong nhà xưởng phân biệt lối ra, lối vào… Các đơn vị còn xây dựng phòng nghỉ có máy lạnh, tivi, góc thư giãn giữa ca có cây xanh và bố trí nơi chơi bóng bàn, khiêu vũ, khu vực uống cà phê… cho NLĐ.
|
AloBacsi.vn
Theo Hồng Đào - Người Lao động