Thông tin được tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Hội thảo định hướng hoạt động phòng chống viêm gan virus tại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày (18-19/12).
Bệnh viêm gan virus là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây Tu vong của các bệnh nhiễm trùng trên thế giới, với hậu quả xơ gan và ung thư gan. Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành cao của virus, đặc biệt là virus viêm gan B và C. Bên cạnh đó, bệnh viêm gan do các virus A, D, E cũng đang âm thầm tác động đến sức khỏe của các nhóm dân cư trong cộng đồng.
3 tháng trước khi có thai chị em nên đi tiêm phòng viêm gan B tránh lây nhiễm bệnh cho con. Ảnh: Dương Ngọc. |
Tiến sĩ Long cho rằng, bệnh đang thực sự là mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, vì biểu hiện bệnh thường mờ nhạt, khó phát hiện ở giai đoạn đầu nên không nhận được sự chú ý đặc biệt của người dân.
Tiêm ngừa là cách phòng bệnh hiệu quả nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Hiện việc tiêm phòng vắcxin viêm gan B mới tập trung ở trẻ dưới 1 tuổi. Tỷ lệ trẻ được tiêm vắcxin liều sơ sinh trong vòng 24 giờ rất thấp, khoảng 25%. Trong khi đó 90% số trẻ bị lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con trong thời kỳ mang bầu và sinh nở trở thành người mang HBV.
Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, số mắc viêm gan virus hàng năm tại nước ta trung bình là 8.000-10.000 người. Khoảng 9-14% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có virus viêm gan B. Tuy nhiên, con số này đang có xu hướng tăng cao.
Cũng theo ông việc giám sát bệnh hiện gặp nhiều khó khăn do thời gian ủ bệnh kéo dài, chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng. Việc khám sàng lọc cho phụ nữ mang thai hầu hết chưa được thực hiện ở bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Bên cạnh đó, hiện chưa có hướng dẫn điều trị thống nhất trên toàn quốc. Trong khi đó, giá thành điều trị cao, hiệu quả không rõ ràng, nên nhiều người bỏ điều trị.
Ngoài ra, theo thạc sĩ Trần Thị Phương Thúy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiểu biết về bệnh của nhân viên y tế còn hạn chế, không cập nhật, dẫn đến tư vấn sai, cản trở điều trị, không điều trị, không theo dõi dẫn đến điều trị muộn. Người bệnh phần lớn không được khám sức khỏe định kỳ, không được tiêm phòng viêm gan B, tuân thủ quy trình điều trị kém, "có bệnh vái tứ phương", "điều trị loạn xạ".