Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nhiều nước đặt hàng Việt Nam sản xuất bộ kít xét nghiệm virusSARS-CoV-2

Ngày 17/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với Bộ Y tế về triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Khoa và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết: Sau thành công của đề tài nghiên cứu sản xuất bộ sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (bộ kít) do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới phát triển được các bộ kít xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt hàng Việt Nam sản xuất bộ kít xét nghiệm SARS-CoV-2.

Việt Nam hiện có khả năng sản xuất được hàng chục nghìn bộ test/ngày với mức giá khoảng 500.000 đồng cho một lần xét nghiệm, trong đó đã bao gồm các vật tư, thiết bị đi kèm. Nhờ vậy, trong trường hợp xấu khi chẳng may dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự chủ động cung ứng nguồn kít xét nghiệm. Thành công này có những đóng góp rất lớn của các nhà khoa học Việt Nam trong việc đối phó với dịch COVID-19 và đặc biệt có giá trị trong công tác kiểm soát dịch bệnh.

Trong số các khách hàng của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (đơn vị sản xuất kít thử), thành phố Hà Nội đã đặt mua 200.000 test (tương đương 4.000 bộ kít) để sử dụng tại chỗ và dành tặng cho các bệnh viện ở Ý - một trong những ổ dịch lớn nhất châu Âu hiện nay.

Đáng chú ý, không chỉ Học viện Quân y, các nhà khoa học khác của Việt Nam cũng đang tiếp tục phát triển nhiều bộ kít thử nhằm xét nghiệm SARS-CoV-2.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết sẽ báo cáo Bộ Y tế về kết quả phát triển nhiều bộ kít thử, đồng thời chỉ đạo Viện Công nghệ sinh học trong việc sản xuất số lượng lớn các kít phát hiện, quy trình sử dụng kít hoặc tham gia xét nghiệm khi có yêu cầu. Trước đó, nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng công bố chế tạo thành công bộ kít phát hiện virus SARS-CoV-2.

Ngoài 2 bộ kít trên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết cũng đang tiến hành đánh giá một bộ kít đẳng nhiệt do Đại học Bách khoa phát triển. Khác với các bộ kít trước đó, bộ kít đẳng nhiệt của Đại học Bách khoa không cần đến các máy Real-time PCR, thay vào đó, sử dụng các block nhiệt hết sức đơn giản với giá thành chưa đến 2 triệu đồng. Điều này có thể hỗ trợ rất lớn về chi phí, nguồn lực, nhân lực cho công tác xét nghiệm.

Hiện, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang hỗ trợ Đại học Bách khoa đánh giá và cung cấp các bằng chứng khoa học để nhóm nghiên cứu có thể hoàn thiện kết quả nghiên cứu.

Thu Hà  (TTXVN)

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo tin tức (https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/nhieu-nuoc-dat-hang-viet-nam-san-xuat-bo-kit-xet-nghiem-virussarscov2-20200317223021230.htm)

Tin cùng nội dung

  • Ebola là gì? Các triệu chứng thường gặp? Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Ebola? Hướng dẫn xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm virus Ebola.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY