12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Nhìn nhận đúng về đái tháo nhạt

Cùng là chứng bệnh đái tháo, nhưng trong khi ai cũng biết đến độ nguy hiểm của bệnh đái tháo đường thì bệnh đái tháo nhạt lại có rất ít người biết đến.

Ảnh minh họa

Thắc mắc biết hỏi ai?

Gần 20 năm là giáo viên dạy văn, chị Ngô Hạnh Bình (Lê Văn Sỹ, Q.3, Tp.HCM) đã tạo cho mình cuộc sống nhẹ nhàng và khá điều độ. Sáng nào chị cũng dậy từ 5h30 sáng và dành 30 đầu ngày để đi bộ, sau đó mới đi chợ, chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà rồi đến trường. Ngoài những giờ phải lên lớp, thời gian còn lại chị dành hết cho việc chăm sóc nhà cửa và chồng con.

Với cuộc sống không chịu nhiều áp lực bon chen như thế, nên dù đã 45 tuổi nhưng so với các đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn ở trường chị trong vẫn trẻ và khỏe hơn rất nhiều. Ấy vậy mà thời gian gần đây, chị lại bị chứng đi tiểu nhiều lần trong ngày (khoảng 13-15 lần/ngày). Ban đầu chị nghĩ chắc do đứng lớp vào mùa hè nóng bức nên chị uống nhiều nước nên bị thế. Nhưng sau đó, dù chị đã giảm việc uống nước thì chứng mắc tiểu thường xuyên vẫn không thuyên giảm trong khi chị phải luôn trong tình trạng khát nước nhiều hơn. Nhất là vào buổi đêm, chị rất hay khát và cứ khoảng từ 30-60 phút chị buộc phải đi vệ sinh một lần.

Tình trạng trên kéo dài được 1 tuần và không có dấu hiệu thuyên giảm đã buộc chị đi khám bác sĩ. Sau các thủ tục xét nghiệm và thăm khám, chị đã rất ngạc nhiên khi nghe bác sĩ bảo mình đang bị đái tháo nhạt vì từ trước giờ người thân trong gia đình chị chưa ai bị đái tháo nhạt hay đái tháo đường.

Hơn nữa, chế độ ăn uống của chị bao năm qua vẫn luôn khoa học. Chị ít khi nào chị đụng đến bánh kẹo, nước ngọt và cũng không bao giờ ăn quá mặn hay quá nhạt thế mà giờ đây chị lại bị đái tháo nhạt mới tài?

Lời giải của chuyên gia

Giải đáp cho thắc mắc của chị Hạnh Bình, BS. Ngô Thế Phi (Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Thủ Đức Tp.HCM) lý giải rằng: Đây là dạng bệnh do rối loạn hệ thống nội tiết khiến cơ thể không tiết đủ hormone ADH. Hậu quả của việc thiếu ADH là thận không thể tái hấp thu được nước trong cơ thể nên dẫn tới hiện tượng đi tiểu nhiều (4-8 lít/ngày) so với mức bình thường (1,5 lít/ngày). Do mất nhiều nước qua nước tiểu, nên người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy khát và cần được uống nhiều nước.

Có 3 dạng đái tháo nhạt:

- Đái tháo nhạt trung ương: Do tuyến yên hoặc vùng dưới đồi bị phá huỷ, lượng hormone ADH sản xuất ra bị giảm, hậu quả là cơ thể thiếu hormone ADH nên đi tiểu rất nhiều.

- Đái tháo nhạt do thận: Nguyên nhân là do các khiếm khuyết ở ống thận là phần cấu trúc có chức năng thải hoặc tái hấp thu nước. Khi đó hoạt động của thận không chịu ảnh hưởng của hormone ADH nữa nên sẽ thải rất nhiều nước tạo ra nhiều nước tiểu.

- Đái tháo nhạt ở phụ nữ có thai: Một số phụ nữ có thai bị đái tháo nhạt do nhau thai của họ tiết ra một loại enzyme có khả năng phá huỷ hormone ADH. Bệnh thường xuất hiện ở 3 tháng cuối.

Bệnh đái tháo nhạt sẽ thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị hạ kali máu, tăng canxi máu hay bị giảm sự cô đặc nước tiểu (giảm tái hấp thu). Tuy nhiên có tới 30% số bệnh nhân bị đái tháo nhạt không thể tìm được nguyên nhân.

Biểu hiện nhận biết bị đái tháo nhạt

Khi thấy mình có những biểu hiện sau, bạn nên nghĩ đến bệnh đái tháo nhạt:

- Nổi bật nhất vẫn là biểu hiện đái rất nhiều và uống cũng rất nhiều. Bệnh nhân đái tháo đường thường đái từ 4-8lít/ngày, có thể tới 15-20 lít/ngày vì thế trung bình 30-60 phút họ phải đi tiểu 1 lần, kể cả ban đêm. Mức độ khát nước rất dữ dội khiến bệnh nhân phải uống nước liên tục, một số người có thể bị mất nước nặng với những biểu hiện như môi khô, tim đập nhanh, huyết áp tụt, thậm chí hôn mê.

- Bệnh nhân đái tháo nhạt rất ít khi bị sút cân và không bao giờ có hiện tượng kiến bâu vào nước tiểu (khác với đái tháo đường) vì vậy nên cần đi khám bác sĩ ngay nếu thấy mình đi tiểu nhiều, nước tiểu nhạt màu, không có đường và việc uống ít nước chỉ làm bạn thêm khó chịu chứ không giảm tiểu tiện.

Điều trị bệnh đái tháo nhạt

1. Điều trị chung: Với mọi bệnh nhân đái tháo nhạt thì điều trị đầu tiên và quan trọng nhất là phải uống đủ nước. Lượng nước uống vào gần tương đương với lượng nước tiểu ra.

2. Điều trị đặc hiệu: Phương thức điều trị phụ thuộc vào từng loại bệnh đái tháo nhạt cụ thể như:

- Đái tháo nhạt trung ương: Nếu bệnh gây ra bởi các bệnh lý vùng dưới đồi - tuyến yên như u tuyến yên thì cần điều trị bệnh chính này trước, ví dụ phẫu thuật loại bỏ khối u. Với những bệnh nhân bị nhẹ thì có thể chỉ cần dùng thuốc 1 lần vào buổi tối để đảm bảo có giấc ngủ ngon.

- Đái tháo nhạt do thận: Nguyên nhân của bệnh là do thận không đáp ứng với kích thích của ADH, nên điều trị demopressin sẽ không có hiệu quả. Bệnh nhân cần ăn chế độ nhạt để hạn chế việ tạo nhiều nước tiểu và uống đủ nước để tránh bị mất nước. Nếu bệnh do thuốc thì ngừng các thuốc này có thể làm giảm hoặc hết bệnh. Tuy nhiên phải trao đổi, xin ý kiến thầy thuốc chuyên khoa trước khi quyết định ngừng thuốc.

- Đái tháo nhạt ở phụ nữ có thai: Phần lớn các bệnh nhân này có đáp ứng tốt với thuốc demopressin. Bệnh sẽ tự hết ngay sau sinh.

Bạn cần biết

BS. Ngô Thế Phi cũng cho biết thêm, để chẩn đoán xác định đái tháo nhạt, tất cả các bệnh nhân nghi ngờ đều phải thực hiện test nhịn uống tại bệnh viện có chuyên khoa nội tiết để chẩn đoán chắc chắn đái tháo nhạt và thể đái tháo nhạt (do thận hay do tuyến yên).

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân bào gồm: Xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm để chẩn đoán bệnh thận mạn tính. Chụp cộng hưởng từ sọ não phát hiện các tổn thương tuyến yên.

Anh Phi (thực hiện)

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/nhin-nhan-dung-ve-dai-thao-nhat-17917/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY