Khoa học hôm nay

Những bậc thầy ăn kiêng trong giới động vật

Một số loài động vật, vì hoàn cảnh bắt buộc, cũng có khả năng “kiêng ăn” đáng nể khiến chúng có thể nhịn nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng trời mà không cần bất cứ nguồn thực phẩm nào. Chuyên trang khoa học Discovery giới thiệu một số bậc thầy về ăn kiêng rất đáng nể.

Ve


Ve


Nhiều người vẫn nhầm tưởng ve thuộc nhóm côn trùng. Tuy nhiên, vì chúng có 8 chân và không có cánh nên chúng được xếp vào lớp nhện.

Thực phẩm duy nhất mà loài ve cần là máu của động vật máu nóng như gia súc hay người. Chúng cần loại thức ăn này để phát triển và hoàn thiện vòng đời trứng – ấu trùng – nhộng – ve trưởng thành. Khi một con ve hút máu đủ no, nó sẽ tích trữ lượng máu này trong cơ thể và sử dụng dần trong thời gian đến 2 năm mà không cần “ăn vặt” thêm gì.

Rùa Galápagos



Các giống rùa vốn nổi tiếng về sự chậm chạp, và loài rùa Galápagos cũng không ngoại lệ. Loài rùa cạn này di chuyển với tốc độ cực chậm – 0,25km/h (để bạn dễ hình dung, tốc độ đi bộ trung bình của chúng ta là 4,5km/giờ).

Rùa Galápagos sống ở quần đảo Galápagos nằm về phía tây Ecuador ở Nam Mỹ. Chúng là loài có kích thước lớn nhất trong dòng họ với cân nặng khoảng 227kg và dài khoảng 1,8 m, đạt tuổi thọ hơn 150 tuổi.

Chúng có khả năng chịu đựng tuyệt vời trong điều kiện khí hậu khá khắt nghiệt và có thể sống sót đến 1 năm mà không cần ăn hay uống gì nhờ cơ thể có khả năng tích trữ nước và chất dinh dưỡng rất tốt. Khi có điều kiện, chúng sẽ ăn bất cứ thứ gì, từ xương rồng, trái cây, cỏ tới lá cây, …

Gấu đen Mỹ



Lâu nay chúng ta vẫn nghe rằng loài gấu ngủ đông là để trốn cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Tuy nhiên, sự thật là chúng ngủ đông để thích nghi với việc khan hiếm nguồn thức ăn trong những tháng lạnh giá. Loài gấu đen Mỹ có thể sống hàng tháng trời trong mùa ngủ đông mà không cần bất cứ nguồn cung cấp thực phẩm nào. Chúng cứ nằm im và ngủ trong khoảng 100 ngày mà không cần ăn, uống, bài tiết hay thậm chí là không thay đổi tư thể ngủ.

Sở dĩ gấu đen Mỹ tồn tại được dài ngày như vậy là do chúng có khả năng tự cắt giảm quá trình trao đổi chất của cơ thể xuống chỉ còn một nửa so với bình thường (chẳng hạn, khi ngủ bình thường vào mùa hè, nhịp tim của chúng dao động từ 60-90 nhịp/phút, còn khi ngủ đông thì nhịp tim giảm xuống chỉ còn 8-40 nhịp/phút).

Vào mùa hè, gấu đen ních thật nhiều bất cứ loại thực phẩm nào kiếm được, từ quả mọng, quả hạch, côn trùng tới động vật nhỏ…để tích trữ năng lượng. Khi đã tích đủ lượng mỡ để chống chọi với mùa đông, chúng sẽ chui xuống hang và ngủ. Trong những tháng đông, cơ thể chúng sẽ tiêu hao khoảng 25 - 40% trọng lượng cơ thể. Tuy vậy, thể trạng của nó không bị suy yếu gì và có thể sẳn sàng cho mùa kiếm ăn mới.

Lạc đà



Từ xa xưa, lạc đà đã được con người sử dụng làm phương tiện vận chuyển qua những địa hình có khí hậu khắc nghiệt như sa mạc. Chúng có khả năng thích nghi tuyệt vời với khí hậu vừa nóng cháy da lại vừa vô cùng giá lạnh ở nơi đây (nhiệt độ ở sa mạc có thể lên tới 38oC vào ban ngày và rớt xuống dưới 0oC vào ban đêm).

Một khả năng tuyệt vời khác là chúng có thể nhịn ăn và nhịn uống trong một thời gian dài mà vẫn hoạt động tốt.

Cả hai loại lạc đà (một bướu và hai bướu) đều tích mỡ ở thành dạ dày. Số mỡ này sau đó có thể chuyển hóa thành nước và năng lượng khi cần thiết. Với khả năng tuyệt vời như vậy, chúng có thể sống hơn 1 tuần mà không cần nước và vài tháng không cần tới thức ăn.

Cá sấu



Loài săn mồi khét tiếng này không từ chối món gì trong thực đơn của nó, kể cả loài người chúng ta. Giữa những chuyến săn mồi, các con cá sấu trưởng thành có thể nhịn từ 3 đến 4 tháng, hoặc thậm chí có trường hợp đã được ghi nhận là sống sót suốt cả năm mà không cần ăn uống gì.

Một quá trình được gọi là “ngủ hè” chính là chìa khóa giúp chúng qua được mùa “chay tịnh” tạm thời này. Cơ chế ngủ hè cũng tương tự như ngủ đông, chỉ khác là nó xảy ra vào mùa khí hậu khô và nóng, còn mục đích thì như nhau: giúp cơ thể bảo tồn năng lượng để sống sót qua giai đoạn thức ăn khan hiếm.

Vào thời gian ngủ hè, cá sấu sẽ ẩn mình trong hang hay ở bãi sông chờ cho qua mùa khô. Thân nhiệt của chúng không giảm như gấu, vì vậy chúng vẫn sử dụng năng lượng và nước, nên chúng có thể sử dụng nguồn dự trữ của mình nhanh hơn. Nhưng chỉ cần chúng không hoạt động thì chúng vẫn có thể sống sót được. Khi giai đoạn khó khăn qua đi, cá sấu sẽ ăn bù lại không kiêng khem bất cứ thứ gì, kể cả chúng ta.

Cá hồi



"Số phận nghiệt ngã” khiến loài cá này phải nhịn đói và lặn lội bơi ngược dòng hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn dặm để đẻ trứng. Loài cá này còn đặc biệt ở chỗ chúng có thể sống tốt ở cả môi trường nước ngọt và nước mặn. Được sinh ra ở vùng nước ngọt, và khi lớn lên chúng phải tự tìm đường ra vùng nước mặn, đây cũng là nơi chúng kiếm ăn và sinh sống lúc trưởng thành.

Khi đến tuổi sinh sản, cả cá đực và cá cái phải ngược dòng về lại quê hương nơi chúng được sinh ra (vùng nước ngọt). Trong hành trình gian truân này chúng không ăn bất cứ thứ gì, bởi vì chúng không ăn thực phẩm trong vùng nước ngọt. Để chuẩn bị cho chuyến đi, chúng sẽ ăn thật no trước khi khởi hành, sau đó chúng có thể di chuyển liên tục trong 9 tháng mà không cần ăn gì thêm.

Sói



Cuộc đời của một con sói chỉ xoay quanh một công việc duy nhất: săn mồi. Sói là loài săn mồi bởi chúng thực hiện việc này để sinh tồn. May mắn cho chúng là hiếm khi chúng trở thành con mồi cho những loài khác. Tuy nhiên, đôi khi việc săn bắt không dễ dàng và không phải lúc nào cũng có sẵn mục tiêu cho chúng hạ sát.

Khi không tìm được nguồn thức ăn, sói phải tìm kiếm trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần với cái bụng rỗng không. Một con sói chỉ cần khoảng 1 kg thức ăn/ngày để tồn tại, tuy nhiên, khi săn được một con mồi nó sẽ ăn no hết mức có thể (đến 9 kg) vì không biết chắc khi nào nó mới được ăn bữa tiếp theo.

Cá voi lưng gù



Cá voi lưng gù thường ăn đến 2 tấn thức ăn (là các loài nhuyễn thể và cá nhỏ) mỗi ngày. Nguồn thức ăn này sẵn có và rất dồi dào ở vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Nhưng khi đến mùa sinh sản, chúng phải di cư đến vùng biển nhiệt đới (như Hawaii) để giao phối và sinh con. Và khi thực hiện hành trình dài này cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thức ăn hàng ngày. Vì thế, trước chuyến đi chúng sẽ dự trữ năng lượng bằng cách tích mỡ trong cơ thể. Nguồn mỡ này sẽ cung cấp năng lượng và giữ ấm cho chúng trong suốt 4 - 5 tháng trời ở vùng biển mới, nơi chúng không thể tìm thấy thức ăn.

Sở dĩ cá voi lưng gù phải đi xa như vậy để sinh nở là vì cá voi con chỉ có một lớp mỡ rất mỏng nên không thể chịu được nhiệt độ lạnh giá ở vùng biển Bắc vào mùa đông. Khi việc sinh nở hoàn tất và chúng chuẩn bị lên đường trở về quê hương cũng là lúc lượng mỡ dự trữ đã được sử dụng gần hết, và trọng lượng cơ thể của chúng giảm đi đáng kể so với lúc ban đầu.

Trăn



Bạn không cần quá sợ hãi khi nghe nhắc tới tên loài bò sát này bởi thực đơn ưa thích của chúng là lợn, hoặc hươu, nai. Tuy nhiên, tùy vào kích thước cơ thể mà trăn còn ăn cả các loài gặm nhắm, chim, thằn lằn, khỉ ... Loài động vật máu lạnh này không cần phải ăn thường xuyên vì chúng không cần nhiều năng lượng để duy trì nhiệt cho cơ thể như các loài động vật máu nóng.

Bộ tiêu hóa của chúng hoạt động khá chậm chạp nên phải mất vài ngày chúng mới tiêu hóa hết bữa ăn đã nuốt trọn. Trăn sẽ không hoạt động gì nhiều và nằm yên nghỉ trong khi đợi thức ăn được tiêu hóa hết. Nếu gặp một bữa thịnh soạn, một con trăn có thể nghỉ ngơi mà không cần ăn uống gì trong vòng 1 năm.

Gián



Nhắc tới chúng, bạn nghĩ ngay đến bình xịt diệt côn trùng vì chúng là ổ vi trùng di động. Trước khi bạn “ra tay” cũng cần biết đôi điều về những tay gặm nhắm này: chúng có thể sống đến 2 tuần mà không cần nước, và có thể nhịn ăn cả tháng trời mà không ch*t vì đói.

Thực đơn ưa thích của gián bao gồm những thứ có trong nhà bếp của bạn, và cả các loài côn trùng khác. Tuy nhiên, khi “túng quẫn”, chúng cũng xơi cả giấy tờ, sách vở hay bất cứ thứ gì chúng vớ được. Bộ tiêu hóa của chúng có thể xử lý nhiều loại "thực phẩm” khác nhau mà chúng đưa vào bụng.

Gián là một trong những loài côn trùng cổ xưa nhất Trái đất (chúng có mặt và từ thời khủng long), nên không có gì ngạc nhiên khi chúng thực sự là những bậc thầy trong việc xoay sở kế để sinh tồn.

1

Theo Cao Nguyên/Vietnamnet

Link bài gốc Lấy link

https://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/nhung-bac-thay-an-kieng-trong-gioi-dong-vat-28187.html

Theo Cao Nguyên/Vietnamnet

Mạng Y Tế
Nguồn: Doanh nghiệp VN (https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nhung-bac-thay-an-kieng-trong-gioi-dong-vat/20210208101717942)

Tin cùng nội dung

  • Nhiều người ăn bưởi để giảm cân vì nó ít calo, nhiều chất xơ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng giảm cân cực tốt của bưởi chùm .
  • Thoái hóa xương khớp nói chung cũng như thoái hóa cột sống (hay gặp là đốt sống lưng và đốt sống cổ) là bệnh thường gặp.
  • Mặc dù đã có rất nhiều lời cảnh báo từ các cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia dinh dưỡng về hậu quả của việc sử dụng các thực phẩm nội tạng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
  • Nếu bắt gặp các dấu hiệu này, bạn cần hiểu rằng chế độ ăn kiêng đó không phù hợp với bạn và cần dừng lại ngay để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • Nhiều bệnh nhân suốt thời gian dài cứ chạy chữa mãi với chỉ mỗi triệu chứng ho mà không giải quyết được...
  • Tôi có thói quen thích ăn lòng lợn nhưng vừa rồi đi xét nghiệm máu, kết quả cho thấy tôi bị mỡ máu cao (dù không bị béo lắm).
  • Sử dụng các tuyến nội tiết của động vật như trâu, bò, dê, chó, lợn... để chữa các chứng bệnh có liên quan đến các vấn đề rối loạn nội tiết của cơ thể con người là một liệu pháp khá độc đáo của y học cổ truyền. Các tuyến nội tiết được người xưa chú ý đến là tinh hoàn, tụy, giáp trạng, thượng thận..., trong đó tinh hoàn và tụy là thông dụng hơn cả.
  • Nếu bạn hoặc con của bạn bị động vật cắn, hãy làm theo những hướng dẫn sau: Đối với vết thương nhẹ, nông, bạn hãy rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước.
  • Chế độ ăn kiêng nhanh là một kế hoạch giảm cân hứa hẹn những kết quả nhanh chóng. Những chế độ ăn kiêng này thường không có kết quả trong việc giảm cân lâu dài và không lành mạnh.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY