Mùa nắng nóng, độ ẩm trong không khí khá cao là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh bùng phát và gây bệnh cho người, đặc biệt là trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu kém, cũng như các em chưa có ý thức bảo vệ bản thân.
Dưới đây là những căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ khi thời tiết nắng nóng:
Tiêu chảy
Thời tiết nắng nóng chính là thời điểm bùng phát và dễ mắc bệnh tiêu chảy. Bởi, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho những loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh tiêu hóa phát triển mạnh và khiến thức ăn dễ bị thiu, biến chất, cùng với đó môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa... Ngoài ra, khi trời oi bức, trẻ thường hay khát nước nên dễ uống phải những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh.
Bệnh về đường hô hấp
Theo các bác sỹ, khi thời tiết nắng nóng, trẻ thường bị sốt viêm họng, viêm phế quản, viêm đường hô hấp nhiều hơn sốt virus. Nguyên nhân là thói quen dùng điều hòa ở nhiệt độ thấp. Lúc đó nhiệt độ ở trong phòng lạnh nhưng bên ngoài trời lại quá nóng. Sự chênh lệch nhiệt độ quá này khiến cơ thể không thích ứng kịp khi từ trong phòng ra ngoài hoặc ngược lại.
Ngoài ra, các bệnh về đường hô hấp ở trẻ với những triệu chứng chủ yếu như: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp,… cũng thường xảy ra khi có một số yếu tố thuận lợi tác động vào như thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh; uống nước quá lạnh hoặc nước đá, kem; nằm, ngồi trước luồng gió lạnh của quạt hoặc điều hòa nhiệt độ…
Bệnh sốt do virus
Nắng nóng cũng là thời điểm trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khiến trẻ bị sốt, phát ban, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho (thường có ít đờm trắng trong không có màu vàng, xanh).
Phát ban hay gặp nhất ở trẻ là do virus Rubella sởi gây ra. Biểu hiện chủ yếu là các ban đỏ mịn, thường xuất hiện vào ngày thứ 2 - 4 của bệnh. Ban thường tuần tự từ đầu mặt xuống thân mình, chân và khi mất đi cũng theo tuần tự như vậy. Ngoài ra, trẻ thường có nổi hạch ở cổ, gáy, các hạch này có thể đau và tồn tại lâu mới mất đi.
Theo các chuyên gia, nếu trẻ bị sốt do virus, thì phụ huynh nên điều trị chủ yếu bằng cách hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống, đảm bảo dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng tốt để hạn chế bội nhiễm. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần theo dõi để phát hiện các triệu chứng của viêm não như đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật, để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời, để tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Say nắng
Đây là căn bệnh thường xảy ra nhất khi thời tiết nắng nóng. Bệnh xảy ra khi trẻ chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, khiến cơ thể bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da và qua hơi thở, từ đó cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ, thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút.
Các bác sỹ cảnh báo, say nắng ở trẻ có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do vi trùng đường ruột Ente’virus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh này liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh.
Theo các các sỹ, bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao và trở nên nguy hiểm hơn nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ... Nếu trẻ gặp những biểu hiện này phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kịp thời chữa trị.
Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra cũng nằm trong danh sách những bệnh mà trẻ thường mắc phải khi thời tiết nắng nóng. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10-20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm siêu vi (sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn…). Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban có đường kính vài milimet và sau 1-2 ngày mới xuất hiện nốt đậu.
Bỏng da do tia cực tím
Da của trẻ nhỏ rất dễ bị tác động bởi bức xạ tia cực tím, những ngày nắng nóng vừa qua chỉ số tia UV ở mức rất cao (10 đến 11) sẽ gây nguy hại cho làn da. Bác sĩ cảnh báo, thời điểm từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều là lúc bức xạ tia cực tím ở mức đỉnh điểm. Nếu da của người trưởng thành tiếp xúc trực tiếp với nắng ở thời gian này khoảng 25 phút sẽ bị bỏng da thì ánh nắng chỉ mất 10 phút để gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho làn da của bé, lâu dài có thể gây ung thư da.
Nguy hiểm hơn, những tổn thương trên hệ miễn dịch do nắng nóng có thể xảy ra trước tổn thương da, khiến sức đề kháng giảm tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công cơ thể còn yếu ớt của trẻ.
Ngoài ra, bác sĩ còn cảnh báo nguy cơ trẻ bị tổn thương mắt do tia cực tím ảnh hưởng đến thị lực, lâu dài có thể tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể.
Kiệt sức do nóng
Đây cũng là dấu hiệu cần cảnh báo trong những ngày nóng nắng này. Trẻ bị mất nước thường có dấu hiệu vã mồ hôi như tắm, người nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, ngất, da lạnh và ẩm ướt, mạch nhanh và yếu, thở nhanh và nông. Nếu không được điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến triển thành say nắng.
Viêm não Nhật Bản B
Theo ghi nhận của các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản B ở trẻ em mùa nắng nóng thường tăng cao hơn mùa mưa. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu bệnh diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời.
Mất nước
Theo các chuyên gia, trẻ bị mất nước khi lượng dịch thoát ra qua mồ hôi và nước tiểu lớn hơn lượng dịch uống vào. Mất nước ở mức độ nhỏ, kể cả chỉ tương đương 2% cân nặng, cũng có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ. Mất nước làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt và do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng khác.
Ngộ độc thức ăn
Trong thời tiết nắng nóng, nếu thực phẩm không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ rất dễ gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là trong môi trường học đường.
Chuột rút do nóng
Được biết, chuột rút do nóng là tình trạng đau cơ hay co cứng cơ, thường xuất hiện ở vùng bụng, cánh tay hay cẳng chân, khi vận động quá mức trong thời tiết nóng. Trẻ hay vã mồ hôi, nhiều khi hoạt động mạnh dễ bị chuột rút kiểu này.
Ra mồ hôi nhiều khiến cơ thể mất nước và muối, hàm lượng muối thấp trong cơ khiến cơ co rút đau đớn. Chuột rút do nóng cũng có thể là biểu hiện của kiệt sức do nóng.
Khi trẻ có các dấu hiệu chuột rút nên ngừng hoạt động thể lực và ngồi yên ở nơi râm mát, uống nhiều nước, tiếp tục ngừng hoạt động thể lực mạnh trong vòng vài giờ sau khi hết bị chuột rút để tránh rơi vào kiệt sức hay say nắng.
Phong Vũ
Theo tạp chí Sống khỏe
Chủ đề liên quan: