Sức khỏe hôm nay

Những bí quyết giúp cha mẹ dễ dàng làm bạn với con trẻ

Cha mẹ chỉ có thể đem lại cho con một tương lai tốt đẹp khi mà họ trông nom, dạy dỗ con một cách thân ái và tôn trọng chứ không phải theo kiểu diễn đạt uy quyền hay bao bọc thái quá.

Tại sao bố mẹ cần làm bạn với con?

Trong quan hệ bạn hữu, sự bình đẳng chính là chìa khóa quan trọng nhất, nhưng giữa bố mẹ và con cái, điều này rất hi hữu khi có được. Thông thường, chỉ cho đến khi trẻ khá lớn, cha mẹ mới bắt đầu tôn trọng và cho con một chút quyền đồng đẳng với mình. Tuy nhiên, tình bạn nên cần được xây dựng ngay khi con còn nhỏ, cha mẹ chỉ có thể đem lại cho con một tương lai tốt đẹp khi mà họ trông nom, dạy dỗ con một cách thân ái và tôn trọng chứ không phải theo kiểu diễn đạt uy quyền hay bao bọc thái quá.

Chỉ khi có được mối quan hệ thân ái như những người bạn, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mới được vun đắp bền chặt hơn mà thôi. Ngoài việc bảo ban con, bố mẹ còn cần học được cách làm bạn với con, bởi khi đã lớn khôn, trẻ không cần đến sự “o bế” hay những biểu thị quyền lực của phụ huynh nữa. Vì vậy, việc học cách làm bạn với con ngay từ nhỏ để giữa bố mẹ và con cái là quan hệ bình đẳng, thân ái, cởi mở là hết sức quan trọng

Những bí quyết giúp cha mẹ dễ dàng làm bạn với con trẻ:

Dành thời gian chơi với con

Nhiều bà mẹ bận rộn tự hào khoe rằng họ bỏ ra 3-4 tiếng đồng hồ mỗi ngày để chơi với con, và trong 3-4 tiếng đó sẽ đút cho con ăn, tắm rửa cho con, dạy con học bài hay đọc sách cho con. Tuy nhiên, đấy chỉ là những công việc chăm sóc. Nếu một ngày không có ít nhất 45 phút chơi với con thuần túy, ở đó không có áp lực học hành hay ăn uống… thì cha mẹ sẽ không thể trở thành người bạn của con.

Khi đi làm, ai cũng có nghìn lẻ áp lực đè lên người, nào là doanh số, kế hoạch, chỉ tiêu, tăng trưởng… khiến quỹ thời gian dành cho con ngày càng eo hẹp. Người lớn cho rằng họp hành, mở rộng quan hệ là thứ bắt buộc nhưng lại nghĩ chơi với con là điều có thể du di, không chơi hôm nay có thể ngày mai, con không chơi với bố mẹ sẽ còn có ông bà. Vô tình chúng ta đã đã tước mất thời gian được chơi cùng bố mẹ của bé, và bạn dần tách mình ra khỏi cuộc sống của bé.

Ôm hôn con cái mỗi ngày

Chúng ta tìm mua sữa tốt cho con mà quên việc thể hiện tình cảm. Điều này giống như ngôi nhà to đẹp nhưng thiếu hơi ấm. Khi còn nhỏ, ngoài việc ăn, chơi, ngủ, học… con còn cần một thứ cực kỳ quan trọng, đó là được ôm ấp và vuốt ve. Đây là nhu cầu mãnh liệt của bất cứ trẻ em nào.

Chúng ta hay suy nghĩ về những điều to tát mà quên đi những thứ bình thường. Những cái vô hình thực ra lớn hơn những cái có thể nắm bắt được rất nhiều. Đi tìm những cái vĩ đại không thể giúp con cái trở thành những người vĩ đại, bé có thể thành công, thành đạt nhưng chưa chắc đã thành nhân. Thành nhân chỉ có thể nhờ tình yêu thương của cha mẹ.

Lắng nghe con giải bày cảm xúc

Một trong những bài học quan trọng khi còn nhỏ là trẻ phải biết diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ của mình, đôi lúc những suy nghĩ ấy rất trẻ con, nhưng đó là điều cần thiết cho tài năng nói sau này của chúng. Thế nào là buồn, vui, mất mát,… chúng phải học qua thực tế, hãy giúp chúng diễn đạt bằng cách lắng nghe.

Tạo những kỉ niệm đẹp

Bố mẹ có thể tạo cho con những tình cảm, những kỉ niệm đẹp để con luôn nhớ về khi nó ở xa bố mẹ, rằng nó đã có một gia đình hạnh phúc biết bao, bố mẹ nó yêu nó biết bao, nó cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc khi nghĩ về gia đình của nó điều này sẽ khiến con cái luôn gần bố mẹ, nó như sợi dây tình cảm gắn kết bố mẹ với con cái. Để những lúc vấp ngã trên đường đời nó sẽ không quá khó khăn để vượt qua.

Bố mẹ hãy dành cho con những ngày nghỉ có thể đưa con đi chơi công viên, đi đến một địa điểm du lịch nào đó, hoặc tham gia chơi các trò chơi ngoài trời để gắn kết tình cảm, qua đó để lại những kỉ niệm đẹp.

Tôn trọng ý kiến của con

Cha mẹ đừng nghĩ việc tôn trọng ý kiến của con chỉ khi con đã trưởng thành chúng ta mới làm điều này. “Tôn trọng” ở đây nghĩa là việc bố mẹ chịu lắng nghe những suy nghĩ của con và cân nhắc nó một cách chính xác nhất. Cha mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, chúng ta chỉ có trách nhiệm định hướng cho con. Điều này sẽ khiến con cảm thấy mình được tôn trọng nhiều hơn và từ đó sẽ tự tin nói ra suy nghĩ của mình.

Đã từng có rất nhiều trường hợp cha mẹ vì quá bảo thủ, áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái khiến cho chúng không không dám nói lên suy nghĩ của mình. Từ đó dẫn đến stress, áp lực thậm chí là những hành động đáp trả lại cha mẹ.

Không dùng vũ lực hoặc cằn nhằn quá nhiều

Nhiều cha mẹ nghĩ “đánh cho nó chừa” nhưng thực tế đòn roi chỉ khiến con đau thể xác, có thể lần một lần hai con sợ nhưng đến lần thứ ba thì sẽ không còn sợ nữa. Chỉ đánh thì không thể giải quyết được vấn đề thậm chí còn hình thành ở con thái độ chai lì, bất cần.

Ở tuổi này, con đã biết suy nghĩ nên việc dùng vũ lực là hoàn toàn không nên và không có tác dụng. Nếu cần dạy dỗ, hãy ngồi xuống và chỉ bảo con một cách ngắn gọn nhất. Hãy đưa ra quan điểm của bạn một cách rõ ràng và không cằn nhằn quá nhiều. Điều đó khiến con sẽ cảm thấy được sự nghiêm túc từ bạn và hiểu rõ trọng tâm vấn đề.

Quỳnh Hoa

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nhung-bi-quyet-giup-cha-me-de-dang-lam-ban-voi-con-tre-27150/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY