Sức khỏe hôm nay

Những biểu hiện dậy thì ở nam bố mẹ cần biết sớm

Quá trình dậy thì ở nam bắt đầu từ 9 - 14 tuổi. Tuy nhiên hiện nay, không ít bé trai trước 9 tuổi đã bắt đầu có những dấu hiệu dậy thì. Đây được coi là tình trạng dậy thì sớm ở nam. Vậy dậy thì ở nam có thể được nhận biết qua những dấu hiệu nào

Để ngăn ngừa dậy thì sớm cũng như chăm sóc các con khi ở tuổi dậy thì, cha mẹ cần làm gì?

Nhận biết bé trai dậy thì qua những biểu hiện nào?

Dậy thì sớm ở bé trai là khi bé nhà bạn bắt đầu có những dấu hiệu dậy thì khi chưa đến 9 tuổi. Những dấu hiệu có thể dễ dàng nhận thấy nhất đó là:

Sự thay đổi của cơ quan sinh dục

Tinh hoàn: Khi dậy thì, tinh hoàn của bé trai sẽ có xu hướng to ra. Điều này nhằm chuẩn bị cho quá trình sản xuất tinh dịch và testosterone.

Da bìu mỏng đi: Tinh hoàn to lên, phát triển cũng là lúc da bìu mỏng đi để tạo thành “khoang chứa" của tinh hoàn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể nhận thấy màu của bìu thẫm hơn, đỏ hơn.

Dương vật to ra: Cùng với sự thay đổi của tinh hoàn và da bìu, dương vật của bé trai khi bắt đầu dậy thì cũng sẽ to ra, dài hơn.

Những “giấc mơ kỳ lạ": Đây còn được gọi là hiện tượng “mộng tinh”. Mặc dù “mộng tinh" là hiện tượng bình thường, tuy nhiên với những bé trai dậy thì sớm và hiện tượng này lặp lại thường xuyên, bạn nên đưa bé tới gặp bác sĩ.

Lông ở vùng kín: Bước vào giai đoạn dậy thì, những sợi lông ở vùng kín sẽ bắt đầu phát triển. Những sợi lông này được gọi là lông mu. Lông sẽ mọc xung quanh bên dưới dương vật và gần bìu.

Sự thay đổi của cơ thể

Lông nách, râu sẽ bắt đầu xuất hiện: Điều này được giải thích do sự gia tăng của testosterone

Sự thay đổi về giọng nói: Hiện tượng này còn gọi là hiện tượng vỡ giọng tuổi dậy thì. Nguyên nhân của hiện tượng vỡ giọng đó là dây thanh đới của các bé dài ra và dày hơn, khiến cho giọng nói trầm hơn.

Xuất hiện mụn trứng cá: Do khi bước vào tuổi dậy thì, da sản xuất nhiều dầu hơn, có thể gây tắc lỗ chân lông và dẫn đến mụn trứng cá.

Thân hình thay đổi: Bé trai khi dậy thì sớm có thể ăn uống nhiều hơn so với tuổi. Cùng với đó, kích thước cơ thể, trọng lượng cơ thể sẽ có sự tăng lên đáng kể.

Dậy thì sớm ở nam giới có được coi là bệnh?

Đây là câu hỏi được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Vậy thực tế, dậy thì sớm ở trẻ em nam có phải là một biểu hiện của bệnh lý?

Theo các chuyên gia y tế, dậy thì sớm được chia làm hai nhóm là dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên.

Dậy thì sớm trung ương tức là có sự trưởng thành của trục bao gồm ba bộ phận là trung tâm chỉ huy dậy thì ở não – tuyến yên (nơi sản xuất hormon kích thích hoàng thể tố (LH) để chỉ huy buồng trứng và tinh hoàn sản xuất hormon sinh dục) – tuyến sinh dục là tinh hoàn ở trẻ trai và buồng trứng ở trẻ gái.

Dậy thì sớm ngoại biên tức là các biểu hiện dậy thì không phải do kết quả chỉ huy của trung tâm dậy thì ở não, mà do nguyên nhân tại buồng trứng như u nang buồng trứng ở trẻ gái, các nguyên nhân tại thượng thận ở trẻ trai như u vỏ thượng thận ở trẻ trai, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh gây sản xuất thừa hormon nam của thượng thận ở trẻ trai, u tinh hoàn.

Bên cạnh hai nhóm trên thì còn có nhóm phát triển sớm tuyến vú, hoặc mọc lông sinh dục sớm. Tuy nhiên, dậy thì sớm là những sự phát triển khác biệt của cơ thể, không phải bệnh lý.

Dậy thì sớm ở nam có thể dẫn tới những hậu quả gì?

Mặc dù việc dậy thì sớm ở nam không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng song những hậu quả để lại thì không hề nhỏ. Trẻ em nam dậy thì sớm có thể đối mặt với những nguy cơ, biểu hiện sau:

Chiều cao thấp: Bé trai có thể cao hơn hẳn so với các bạn cùng trang lứa do nguyên nhân dậy thì sớm. Tuy nhiên khi đến tuổi trưởng thành, nam giới sẽ có xu hướng thấp bé.

Điều này được giải thích đó là do chiều cao ở tuổi dậy thì chỉ phát triển và kết thúc trong một khoảng thời gian nhất định.

Vấn đề hành vi: Một vài nghiên cứu có đưa ra nhận định rằng, ở những trẻ chậm phát triển thường có nguy cơ dậy thì sớm. Tuy nhiên, điều này mới chỉ trên quan điểm và chưa có bằng chứng xác thực.

Căng thẳng, stress: Dậy thì sớm có thể dẫn tới những hoang mang, bất ổn tâm lý ở trẻ. Một vài trẻ sẽ không thể hiểu vì sao cơ thể chúng là thay đổi như vậy và lo lắng về nguy cơ mắc bệnh.

Lúc này, cha mẹ cần giải thích và cùng đồng hành với con để tìm ra phương án thích nghi, cải thiện một cách phù hợp nhất.

Dậy thì sớm ở nam sẽ được điều trị như thế nào?

Khi nhận thấy con bạn có các dấu hiệu của dậy thì sớm, bạn cũng đừng quá hốt hoảng lo lắng. Lúc này, hãy bình tĩnh để xác định tình trạng của con. Sau đó, bạn có thể cùng con tới gặp bác sĩ để lên phương án điều trị.

Hiện nay, mục tiêu của việc điều trị dậy thì sớm ở bé nam thường sẽ là:

  • Ngăn chặn hoặc thậm chí đảo ngược sự phát triển tình dục

  • Ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng và trưởng thành xương có thể dẫn đến tầm vóc trưởng thành ngắn hoặc bắt đầu giai đoạn sớm

Sau khi thăm khám, tùy theo tình trạng mà bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau như:

  • Điều trị nguyên nhân cơ bản hoặc bệnh

  • Hạ thấp nồng độ hormone giới tính cao bằng thuốc để ngăn chặn sự phát triển giới tính

Cha mẹ cần làm gì khi con trai đến tuổi dậy thì?

Tuổi dậy thì là một mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Khi bước vào tuổi dậy thì, các bé vẫn chưa hoàn thiện về thể trạng cũng như suy nghĩ. Vì vậy, đây là khoảng thời gian cần bố mẹ phải đồng hành chặt chẽ.

Cùng con nhận biết và học cách chăm sóc bản thân: Bước vào tuổi dậy thì, các con sẽ có sự thay đổi cả về tâm lý, sinh lý. Vì vậy, cha mẹ cần giải thích rõ sự phát triển này và cùng con lựa chọn những biện pháp tiếp nhận thay đổi và chăm sóc cơ thể theo cách khoa học nhất.

Tôn trọng và đồng hành cùng con: Tuổi dậy thì sẽ có rất nhiều thay đổi về mặt cảm xúc của trẻ mà đôi khi cha mẹ không thể hiểu, nắm bắt. Đừng quá lo lắng hay tỏ ra cưỡng ép con cái phải nghe theo ý mình.

Lúc này, cha mẹ hãy lắng nghe con nhiều hơn để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó cùng con đón nhận những điều mới mẻ trong mốc phát triển của cuộc đời.

Cùng con xây dựng lối sống khoa học: Dậy thì là giai đoạn thể chất thay đổi rất nhiều. Vì vậy, cha mẹ hãy cùng con lên kế hoạch sinh hoạt khoa học để tận dụng thật tốt giai đoạn phát triển vàng này.

Hướng dẫn con xử lý những vấn đề trong cuộc sống: Bước vào tuổi dậy thì, các bé trai có sự thay đổi rõ rệt về cảm xúc và những mối quan hệ. Vì vậy ở giai đoạn này, cha mẹ cần giúp con hiểu và đồng hành cùng con trong việc xử lý các vấn đề phát sinh của cuộc sống.

Dậy thì ở nam giới là một mốc phát triển quan trọng, ảnh hưởng lâu dài tới cả quá trình phát triển sau này. Giai đoạn dậy thì ở nam, các bé rất cần có sự đồng hành chặt chẽ của bố mẹ, người thân. Vì vậy mà bố mẹ hãy luôn theo sát và định hướng để con không có bỡ ngỡ, phát triển đúng định hướng nhé.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nhung-bieu-hien-day-thi-o-nam-bo-me-can-biet-som-33118/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY