Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Những chiến sĩ áo trắng thầm lặng truy vết COVID-19 bằng đẩy mạnh xét nghiệm ngày đêm

Gần 2 tuần qua, 11 “chiến sĩ áo trắng” khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, BV Nhi TW đã làm việc với cường độ gấp nhiều lần bình thường để thực hiện nhanh xét nghiệm 10 nghìn mẫu bằng kỹ thuật rRT-PCR hỗ trợ Hà Nội truy vết những người dân trở về từ Đà Nẵng, đồng thời đảm đương công việc xét nghiệm phục vụ khám chữa bệnh thường kỳ của BV

Bật móng tay, tứa máu vì những ống bệnh phẩm... để hoàn thành “cuộc đua”

Chia sẻ với chúng tôi sáng ngày 24/8 tại chương trình “Tôn vinh những chiến sĩ áo trắng thầm lặng truy tìm COVID-19” của BV Nhi TW, TS Phùng Thị Bích Thủy- Trưởng Khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm kể lại, chiều thứ 7 - ngày 8/8, chị nhận nhiệm vụ từ Ban Giám đốc BV Nhi TW về việc hỗ trợ Hà Nội triển khai xét nghiệm 10 nghìn test rRT-PCR trong hai tuần.

“Ngay lập tức tôi gửi tin nhắn được gửi đến nhóm làm việc của Khoa, ai nấy đều tâm tư. Đồng loạt các nhân viên của Khoa nhắn tin xin phép nghỉ một buổi chiều để về làm tâm lý với con cho hai tuần “đóng đô” tại bệnh viện. Sáng 9/8, chúng tôi chính thức bước vào cuộc chạy đua tốc độ hai tuần”- TS Bích Thuỷ kể

TS Bích Thuỷ, ThS Rềnh Hoa cùng điều dưỡng Hồ Thị Bích chia sẻ về công việc thầm lặng của những chiến sĩ áo trăng thầm lặng truy vết COVID-19

Những ngày đầu, mẫu gửi đến dưới một nghìn, ai nấy đều hào hứng với công việc. Những ngày đó, muộn nhất tầm chín giờ, họ có thể nghỉ ngơi tái tạo sức cho ngày hôm sau. Nhưng những ngày tiếp theo, khi số mẫu vượt một nghìn, lên tới hai nghìn mẫu/ngày, tinh thần các chị em bắt đầu nao núng. Có những ngày cả 11 con ngườu phải làm việc đến 12 giờ đêm.

“Chúng tôi không biết đâu là ngày hay đêm vì số mẫu về nhiều, công việc không thể ùn sang hôm sau. Chúng tôi tranh thủ ăn bữa trưa vào khoảng 1-2 giờ chiều và bữa tối khoảng 7-8 giờ. Ngoài thực hiện sàng lọc COVID-19, khoa còn phải đáp ứng xét nghiệm thường quy 300-400 mẫu/ngày và làm sàng lọc cấp cứu tại các khoa phòng. Đó là những ngày đặc biệt căng thẳng”- TS Phùng Thị Bích Thủy chia sẻ.

Trong hai tuần, cả máy móc và con người đều làm việc hết công suất. Khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm có ba hệ thống tách máy, công suất sau 1,5 giờ sẽ tách 88 được mẫu. Tuy nhiên, càng về sau, hóa chất thiếu, máy móc chạy không kịp so với số mẫu nhận về.

“Chúng tôi quyết định triển khai một kíp nhân viên thực hiện “bắt tay” tách mẫu với khối lượng 50% số mẫu. Công suất làm một lần một mẻ trong thời gian 1,5 giờ được 96 mẫu, nhanh hơn cả máy”- TS Thủy nói.

Dù có sự dự trù ban đầu, nhưng khối lượng mẫu lớn tăng nhanh từng ngày, các bác sĩ phải “giành giật” hóa chất với các đơn vị cung cấp. Có thời gian, khoa chỉ có thể vận hành được hai máy, một máy còn lại do không có hóa chất nên toàn bộ phải dùng kỹ thuật bắt tay là chính.

Theo TS Thủy, một chu trình xét nghiệm khép kín gồm các công đoạn xử lý mẫu ban đầu, tách chiếu và chạy máy. Nhân viên thực hiện mẫu sẽ đảm nhận mọi công đoạn cho tới khi ra kết quả cuối cùng để không bị nhầm lẫn. Các nhân viên tại khoa đều là nữ, phải thao tác trên các ống rất nhỏ nên để bẻ đầu các ống bệnh phẩm được gửi về, các chị em người thì phồng rộp các đầu ngón tay, người bật móng, tứa máu đầu ngón tay. Đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm, nhưng các y, bác sĩ tại khoa không hề nao núng....

ThS Khúc Thị Rềnh Hoa - Khoa Sinh học Phân tử các bệnh truyền nhiễm chia sẻ thêm: Những ngày số mẫu lên tới đỉnh điểm, sếp bảo “Anh em nghỉ mai làm tiếp không quỵ mất?”. Nhưng chúng tôi đều quyết tâm cố gắng mỗi ngày, để bảo đảm trả kết quả đúng thời hạn cho Hà Nội truy vết. Điều đáng mừng là với hơn 10 nghìn mẫu, tất cả đều âm tính hết. Đó là một hạnh phúc vì nếu phát hiện ca dương tính thực tế sẽ không thể kiểm soát số lượng mẫu sẽ tăng lên như thế nào...

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TW: Năng lực xét nghiệm của BV Nhi TW là khoảng 500 mẫu/ngày. Khi Bộ Y tế giao cho bệnh viện nhiệm vụ hỗ trợ Hà Nội, chúng tôi cũng mạnh dạn nhận 10 nghìn mẫu.

 

Đây là khối lượng công việc lớn vượt quá 150% công suất nhân lực, máy móc, vật tư của chúng tôi. Chúng tôi đã họp nhóm, bảo đảm huy động thời gian làm việc 24/7 để kịp tiến độ cho việc trả kết quả xét nghiệm, truy vết cộng đồng.

“Hết dịch mẹ sẽ về đón con đi học”

Ban Giám đốc, các anh, chị, em trong bệnh viện thường xuyên gọi điện, động viên cả khoa cố gắng hoàn thành kế hoạch. Các khoa Công nghệ thông tin, dọn vệ sinh cũng thức đêm đồng hành cùng để hoàn thành các khâu phía sau nhập dữ liệu, dọn dẹp.

Khối lượng công việc ngày càng lớn, cuộc gọi về gia đình và con cái càng ít dần. “Con trai tôi năm nay vào lớp 1, từ tết đến giờ cháu về quê ở với ông bà ở Hưng Yên nhiều hơn ở với bố mẹ. Nhiều lần con nhớ bố mẹ khóc, nhưng chúng tôi động viên cháu cố gắng nhé vì mẹ còn chống dịch. Trong đợt cao điểm này, có hôm 12h đêm tôi vừa nghỉ tay làm, cháu gọi điện cho tôi bảo con chờ mãi để gọi cho mẹ, nghe mẹ nói rồi con mới ngủ. Rồi con hỏi bao giờ mẹ về đón con?Tôi  đành phải động viên cháu là bao giờ hết dịch COVID-19 thì mẹ về đón con đi học. Những lúc đó thương và nhớ con lắm nhưng lại phải kìm lòng vì mình đang làm nhiệm vụ”- ThS Khúc Thị Rềnh Hoa nói

Thế nhưng, chị Hoa bảo, nỗi niềm của chị chưa thể bằng nhiều bạn đồng nghiệp trẻ tại đây khi con chỉ mới chưa được một tuổi đã phải xa mẹ. Có hai nhân viên của Khoa quê ở Hải Dương, phải gửi con chưa đầy năm tuổi về ông bà chăm sóc giúp. Đến hôm nay, khi công việc đã hoàn thành 2 ngày rồi, muốn về thăm con cũng khó vì Hải Dương đang nằm trong vùng cách ly.

Trong cuộc chiến đấu hai tuần qua, khoa cũng có bà bầu chuẩn bị đến giai đoạn sinh nở nhưng cũng vẫn miệt mài cùng anh em làm việc hết công suất. “Mỗi ngày cố một chút” – đó là lời động viên lẫn nhau của 11 chị em trong khoa.

Còn điều dưỡng Hồ Thị Bích- Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TW cho biết, ở giai đoạn 1, chị chính là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhi 3 tháng tuổi bị COVID-19 ở Vĩnh Phúc chuyển lên, sau đó giai đoạn 2 và 3 thì chị tham gia vào nhóm sàng lọc bệnh nhân tại các chốt quan trọng của bệnh viện, đặc biệt là chị tham gia lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ.

Các chiến sĩ của Khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm đã làm việc với công suất gấp nhiều lần thường ngày để cán đích xét nghiệm hơn 10.000 mẫu cho Hà Nội

"Không phải có những lúc tôi không lo lắng nhưng tôi nghĩ mình luôn tuân thủ mọi quy trình về an toàn phòng hộ và chống nhiễm khuẩn, cùng với sự động viên của đồng nghiệp, của gia đình nên tôi luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần nhỏ bé vào công cuộc chống dịch chung của cả nước"- điều dưỡng Ngọc chia sẻ

“Mẻ kết quả nào chúng tôi cũng có tâm trạng hồi hộp như nhau”

Bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải tiết kiệm hóa chất, theo đúng mã code bệnh nhân để không xảy ra sai sót là một chu trình làm việc vô cùng căng thẳng. Để xóa tan sự mệt mỏi, có những ngày, khoa phải lấy âm hạc át tiếng máy chạy liên tục 24/24 để sốc lại tinh thần vào những đêm muộn.

ThS Rềnh Hoa chia sẻ, để nói lúc nào cũng hăng say là không có. Khi lên tới một nghìn mẫu/ngày, chúng tôi vẫn cố gắng. Nhưng khi lên tới hai nghìn mẫu, chỉ đếm thôi đã thấy thấm mệt. Có lúc chúng tôi không thể nói cười được. Có bữa cơm Ban Giám đốc chuẩn bị rất ngon mà mệt quá cũng không ai ăn nổi. Có buổi đêm, chúng tôi phải mở nhạc tưng bừng như “tiếng hát át tiếng máy chạy””.

Những ngày số mẫu lên tới đỉnh điểm, sếp bảo “Anh em nghỉ mai làm tiếp không quỵ mất?”. Nhưng chúng tôi đều quyết tâm cố gắng mỗi ngày, để bảo đảm trả kết quả đúng thời hạn cho Hà Nội truy vết.

Chị Hoa tâm sự: “Mẻ kết quả nào chúng tôi cũng có tâm trạng hồi hộp như nhau. Ai cũng hỏi có ca nào dương tính không. Vì nếu có ca dương tính, không biết đường về nhà còn xa bao nhiêu nữa?”. Đến nay, sau hai tuần nhận nhiệm vụ (từ ngày 8/8- 22/8), những chiến sĩ áo trắng tại đây đã tiếp nhận hơn 10 nghìn mẫu và đã triển khai hoàn thành đúng kế hoạch trả kết quả hơn 10 nghìn mẫu này cho TP Hà Nội.

Thái Bình

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5f438c24f8ec6e708719e192)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY