12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Những điều cần biết về sỏi thận - Căn bệnh thường gặp ở người Việt

Sỏi thận là bệnh phổ biến về đường tiết niệu, không những gây đau đớn, căn bệnh này còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời. Vì thế, việc nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa sẽ giúp bạn hạn chế mắc bệnh, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

1. Sỏi thận là gì?

Bệnh sỏi thận (sỏi tiết niệu) là hiện tượng muối và khoáng chất bị lắng cặn bên trong thận và đường tiết niệu. Nếu không cải thiện kịp thời, lâu dần các chất lắng cặn sẽ kết tinh lại với nhau và tạo thành các tinh thể muối khoáng được gọi là sỏi (hay sạn).

Sỏi thận nếu không điều trị kịp thời sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân - (Ảnh: Pinterest).

Sỏi có nhiều kích thước và hình dáng khác nhau. Với sỏi nhỏ, thường được bài tiết ra ngoài theo nước tiểu và không gây đau đớn. Riêng với sỏi to, chúng có thể di chuyển từ bể thận xuống niệu quản, bàng quang, gây tổn thương đường tiết niệu và đau đớn cho bệnh nhân.

2. Các loại sỏi thường gặp

Theo một thống kê y học, có khoảng 2-12% người Việt mắc sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm đến 40%. Điều này khiến Việt Nam nằm trong vùng có tỉ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu cao, gọi là “Vùng sỏi thế giới”.

Dưới đây là những loại sỏi thận thường gặp:

- Sỏi canxi: Loại sỏi này chiếm phần lớn trường hợp, thường ở dạng canxi oxalat. Thông thường, do chế độ ăn uống không hợp lý, bổ sung vitamin D liều cao, phẫu thuật cắt bỏ ruột và một số rối loạn chuyển hóa sẽ làm tăng nồng độ canxi hoặc oxalat trong nước tiểu và gây nên sỏi canxi.

- Sỏi axit uric: Thường gặp ở những người uống quá ít nước, đổ nhiều mồ hôi, những người có chế độ ăn giàu đạm và người bị bệnh gout.

- Sỏi cystin: Loại sỏi này thường được hình thành ở những người bị rối loạn di truyền, khiến thận bài tiết quá nhiều axit amin nhất định (hay còn gọi là cystin niệu).

- Sỏi struvite: Thường gặp ở phụ nữ, là kết quả của sự nhiễm trùng đường tiết niệu. Sỏi struvite phát triển nhanh chóng và dễ gây tắc đường tiết niệu.

- Sỏi phosphat: Chủ yếu là sỏi Amoni magie photphat có kích thước lớn, do nhiễm khuẩn proteus tiết niệu.

3. Nguyên nhân gây nên sỏi thận

Biết rõ nguyên nhân gây nên tình trạng sỏi thận sẽ giúp bạn biết cách ngăn ngừa, cũng như kiểm soát bệnh một cách dễ dàng hơn. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng sỏi thận, tuy nhiên nguyên nhân chính là do thói quen sinh hoạt không hợp lý và yếu tố nghề nghiệp. Điển hình như:

Về thói quen sinh hoạt

- Không bổ sung đủ nước cho cơ thể: Nước không những duy trì hoạt động sống của cơ thể, mà còn góp phần vào quá trình thanh lọc, đào thải chất bẩn. Nếu cơ thể thiếu nước, nước tiểu cũng sẽ ít và trở nên đặc, từ đó làm hạn chế khả năng hòa tan và đào thải các chất cặn bã. Đồng thời, khiến cho chất khoáng như canxi, oxalat kết tụ nhiều ở thận, lâu dần hình thành sỏi.

- Ăn quá mặn: Thói quen ăn quá mặn làm tăng đào thải natri (muối) và tăng nồng độ canxi. Khi nồng độ canxi quá cao sẽ tạo điều kiện hình thành các loại sỏi, điển hình như sỏi canxi oxalat, canxi photphat... Ngoài ra, việc ăn quá nhiều các thức ăn chứa nhiều oxalat trong cải, cần tây, rau muống, trà đặc, cà phê, socola… cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Chế độ ăn quá nhiều muối, dầu mỡ là yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận - (Ảnh: verywellhealth).

- Ăn quá nhiều đạm động vật: Một chế độ ăn quá nhiều đạm từ thịt có thể làm giảm độ pH nước tiểu, tăng bài tiết canxi và giảm hấp thu citrate gây nên tình trạng sỏi thận.

- Nhịn tiểu: Thói quen nhịn tiểu khiến nước tiểu tích tụ và lâu dần rất dễ hình thành sỏi.

Về yếu tố nghề nghiệp:

- Người lao động làm việc trong môi trường quá nóng: Làm việc trong môi trường quá nóng sẽ khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi, giảm lượng nước tiểu bài tiết qua thận, từ đó tăng nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận.

- Người lao động tiếp xúc nhiều với cadmium: Những công nhân chế biến kim loại, sản xuất sơn, pin ắc quy… tiếp xúc nhiều với cadmium và các chất độc hại khác sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận.

Các yếu tố khác:

- Di truyền: Khoảng 40% người bị sỏi thận có tiền sử gia đình bị sỏi thận. Ngoài ra, nếu bạn từng bị sỏi thận, bạn sẽ có nhiều nguy cơ hình thành sỏi khác.

- Bệnh nhân ít vận động do mắc các chấn thương cột sống, gãy xương, bại liệt...

- Bệnh nhân mắc các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy lâu ngày, viêm loét đại tràng hay phẫu thuật dạ dày, ruột có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

- Người mắc các dị tật đường tiết niệu bẩm sinh làm cản trở sự bài tiết nước tiểu, cơ chế tương tự như nhịn tiểu.

4. Triệu chứng của bệnh sỏi thận

Ở giai đoạn đầu sỏi thận hầu như không có triệu chứng, chỉ đến khi sỏi lớn, “mắc kẹt” trong niệu quản, chặn dòng nước tiểu và cọ xát làm tổn thương đường tiết niệu thì bệnh nhân mới cảm thấy đau đớn và khó chịu. Cụ thể, lúc này sẽ có các triệu chứng của bệnh sỏi thận điển hình như:

Sỏi thận thường gây đau đớn ở vùng lưng và vùng mạn sườn - (Ảnh: creakyjoints.org).

- Đau dữ dội, xuất phát từ lưng và vùng mạn sườn. Sau đó lan xuống vùng chậu, vùng bụng dưới.

- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu

- Tiểu ra máu, nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu

- Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi bất thường

- Đi tiểu thường xuyên và với lượng tiểu ít.

- Buồn nôn và ói mửa, do ảnh hưởng của sỏi đến thần kinh vùng bụng và hệ tiêu hóa.

- Sốt và ớn lạnh nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

5. Biến chứng thường gặp nếu không chữa trị sỏi thận kịp thời

Sỏi thận nếu không chữa trị sớm sẽ làm tăng nguy cơ phát triển thành bệnh thận mạn tính và tăng nguy cơ hình thành những viên sỏi khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng 50% những người bệnh sỏi thận sẽ có khả năng xuất hiện thêm viên sỏi khác trong vòng 5–7 năm.

Nếu không chữa trị kịp thời, sỏi thận có thể gây nên tình trạng suy thận mạn tính, hình thành nhiều viên sỏi khác - (Ảnh: cazin.net).

Vì thế, hãy đến gặp bác sĩ và cấp cứu ngay nếu thấy bản thân xuất hiện các triệu chứng như: Đau đến mức không thể chịu được, đau kèm theo buồn nôn và nôn, đau kèm theo sốt và ớn lạnh, có lẫn máu trong nước tiểu… Điều này không những giúp việc điều trị kịp thời, hiệu quả, mà còn giảm biến chứng nguy hiểm khác.

6. Cách chẩn đoán bệnh sỏi thận

Bên cạnh việc hỏi về các triệu chứng, khám lâm sàng, các bác sĩ còn chẩn đoán bệnh thông qua các phương pháp hiện đại như

- Xét nghiệm máu: Nhằm xác định nồng độ canxi và axit uric trong máu, cũng như sức khỏe của thận.

- Xét nghiệm nước tiểu trong 24 giờ: Giúp bác sĩ xác định xem trong cơ thể bạn có chứa quá nhiều chất kích thích hình thành sỏi hay quá ít chất ngăn ngừa sỏi hình thành hay không.

- Xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm này giúp bác sĩ nhìn thấy sỏi thận trong đường tiết niệu. Một số loại xét nghiệm thường chỉ định như X-quang bụng (không thể phát hiện sỏi thận nhỏ), chụp CT năng lượng cao hoặc kép (có thể phát hiện những viên sỏi nhỏ), siêu âm, xét nghiệm không xâm lấn, chụp niệu quản tĩnh mạch...

Xét nghiệm thông qua hình ảnh giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh sỏi thận chính xác hơn - (Ảnh: health.harvard.edu).

7. Cách điều trị bệnh sỏi thận

Tùy vào sỏi đang ở mức độ nào, kích thước bao nhiêu, nằm ở đâu, chức năng của thận ra sao… mà các bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định các phương pháp điều trị sỏi thận phù hợp.

Nếu sỏi nhỏ: Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách uống nhiều nước và áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa như: dùng thuốc tan sỏi hoặc thuốc làm tăng cường bài tiết sỏi ra ngoài. Vì sỏi nhỏ được phát hiện sớm nên việc áp dụng các phương pháp này khá an toàn và đạt hiệu quả cao.

Nếu sỏi có kích thước lớn: Lúc này việc điều trị bằng phương pháp nội khoa là không thể. Vì thế, các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp ngoại khoa như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi hay mổ mở.

Trong đó, phương pháp tán sỏi thận qua da là phương pháp được ưu tiên vì có nhiều ưu điểm vượt trội so với mổ mở thông thường. Nếu điều trị bằng phương pháp tán sỏi thận qua da, bệnh nhân sẽ hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn, chảy máu, tổn thương cơ quan lân cận, thậm chí tử vong...

8. Bí quyết phòng ngừa bệnh sỏi thận

Để phòng ngừa sỏi thận và có một hệ bài tiết khỏe mạnh, bạn cần chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày.

Về chế độ dinh dưỡng:

- Nên uống đủ 2 - 3 lít nước mỗi ngày để giúp hòa loãng và làm tăng dòng nước tiểu để có hệ tiết niệu khỏe mạnh.Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung thêm một số nước thảo dược có tác dụng ngăn tạo sỏi và làm mòn sỏi như nước lá kim tiền thảo, nước lá vối...

- Tăng cường ăn các hoa quả họ cam chanh vì có nhiều acid citric có tác dụng ngăn tạo sỏi.

- Sử dụng caffeine 1 cách hợp lý.

- Hạn chế các sản phẩm làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận như soda, trà đá, dâu tây, các loại hạt...

- Thực hiện ăn nhạt, cắt giảm lượng muối.

- Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol.

- Hạn chế ăn hoặc uống những thực phẩm hoặc đồ uống khiến bạn mất nước, như rượu bia.

- Không tự ý bổ sung canxi, không sử dụng quá nhiều các loại sữa, ngũ cốc có hàm lượng canxi cao, các loại ngũ cốc có bổ sung canxi… vì dễ dẫn đến tình trạng thừa canxi gây bệnh sỏi thận, cặn thận, cốt hóa xương sớm...

Về lối sống

- Duy trì khối lượng cơ thể luôn ở mức hợp lý.

- Không nhịn tiểu, khi có nhu cầu cần giải quyết ngay.

- Có thói quen khám sức khỏe định kỳ

9. Kết luận

Bệnh sỏi thận là căn bệnh diễn biến âm thầm, nếu không được phát hiện sớm bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, thậm chí còn có thể sẽ dẫn tới biến chứng suy thận. Vì thế, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, tìm đến bác sĩ chuyên khoa nếu phát hiện dấu hiệu bất thường và tập cho mình những thói quen sống khoa học để có sức khỏe tốt nhất bạn nhé!

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/nhung-dieu-can-biet-ve-soi-than--can-benh-thuong-gap-o-nguoi-viet-31305/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY