12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Những điều cần biết về ung thư tuyến giáp- Căn bệnh ngày càng gia tăng ở nữ giới

Ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam và thường gặp ở nữ nhiều hơn nam giới. Nhưng may mắn thay, đây là loại ung thư có tỉ lệ chữa khỏi cao nếu phát hiện sớm. Hãy tham khảo các thông tin hữu ích trong bài biết dưới đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh ung thư tuyến giáp nhé!


1. Ung thư tuyến giáp là gì?

Bạn biết không, tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, có chức năng bài tiết hormon tuyến giáp như thyroxin, triiod-thyroxin và các tế bào cạnh nang giáp bài tiết calcitonin. Tuyến giáp nằm ở phía trước khí quản cổ, gồm 2 thùy trái và thùy phải, nối với nhau bởi một eo giáp. Tuyến giáp có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển.

Tuyến giáp có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển - (Ảnh: Internet).

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong số các ung thư tuyến nội tiết. Bệnh xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể. Khi các tế bào bất thường đạt đến số lượng đủ, chúng sẽ hình thành một khối u, đó là u tuyến giáp.

2. Các loại ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp có nhiều loại và thường được phân loại dựa theo loại tế bào:

- Ung thư tuyến giáp dạng nhú

- Ung thư tuyến giáp dạng nang

- Ung thư tuyến giáp dạng tủy

- Ung thư tuyến giáp không biệt hóa

- U lympho tuyến giáp

Trong số các loại ung thư tuyến giáp kể trên, thì ung thư tuyến giáp dạng nhú, dạng tủy, thể không biệt hóa là thường gặp nhất. Đặc biệt, thể không biệt hóa có tiên lượng xấu hơn, do tốc độ phát triển của bệnh rất nhanh và phức tạp.

Theo tiên lượng, tỷ lệ sống sót trên 5 năm của các dạng ung thư tuyến giáp là 100% nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn 1-2. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thì tỷ lệ sống sót trên 5 năm là 7% vì đa phần các bệnh nhân được phát hiện muộn ở giai đoạn 4.

3. Thực trạng ung thư tuyến giáp ở Việt Nam

Theo thống kê, ung thư tuyến giáp là bệnh thường gặp nhất trong các loại ung thư tuyến nội tiết (chiếm khoảng 92%-95%) và chiếm 3,6% các bệnh ung thư nói chung. Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu vào năm 2018 cũng cho biết, ung thư tuyến giáp đứng thứ 11 trong tổng số các ca ung thư ở cả nam và nữ. Căn bệnh này có khoảng 567.000 ca mới mắc hàng năm, đứng thứ 5 trong số các loại ung thư ở nữ giới, đứng thứ 15 trong số các loại ung thư ở nam giới và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Tại Việt Nam chúng ta, ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất với 5.418 ca mắc mới. Nhưng may mắn thay, đây là loại ung thư có tỉ lệ chữa khỏi cao nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

4. Nguyên nhân ung thư tuyến giáp

Được biết, tình trạng đột biến ở một số gen là nguyên nhân gây nên ung thư tuyến giáp dạng nhú và dạng nang. Mặc dù, đến nay vẫn chưa xác định được đâu là nguyên nhân chính gây nên đột biến gen này, tuy nhiên một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp, điển hình như:

Yếu tố di truyền, giới tính, nhiễm phóng xạ là những nguyên nhân là tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp - (Ảnh: news-medical.net)

- Yếu tố di truyền: Người có tiền sử gia đình (bố mẹ hoặc người thân) mắc bệnh, thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Cụ thể, có khoảng 70% bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh.

- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-4 lần so với nam giới. Được biết, sự thay đổi hormone ở phụ nữ sau quá trình mang thai và sinh con là yếu tố dẫn đến tình trạng hình thành bướu giáp và hạch tuyến giáp.

- Bệnh tuyến giáp: Theo thống kê, những người bị bệnh bướu nhân tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bệnh basedow, suy giáp có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn so với người bình thường.

- Nhiễm phóng xạ: Nhiễm phóng xạ qua đường tiêu hóa, đường hô hấp cũng có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp.

- Một số yếu tố nguy cơ khác: Ngoài những nguyên nhân vừa kể trên, còn có một số nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp như: thường xuyên uống rượu, hút thuốc lá, thiếu i-ốt, thừa cân béo phì...

Nhìn chung, đối tượng dễ mắc bệnh ung thu tuyến giáp nhất chính là: phụ nữ tuổi từ 40-60, người có tiền sử bướu giáp hoặc có tiền sử gia đình, người thân mắc bệnh….

5. Dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là một bệnh ác tính, bệnh thường ít triệu chứng nên rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì thế, các chuyên gia luôn khuyến khích nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh.

Khi ung thư tuyến giáp có triệu chứng, bệnh sẽ biểu hiện thông qua một số dấu hiệu sau:

- Khàn tiếng: Khi bệnh ngày càng tiến triển, các dây thần kinh thanh quản nằm ở phía sau tuyến giáp sẽ bị chèn ép, từ đó dẫn đến tình trạng khàn tiếng. Nếu không chữa trị kịp thời, các khối u tuyến giáp có thể lan rộng và làm tổn thương đến hộp âm thanh.

- Nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản.

- Khó thở khi u xâm lấn vào khí quản.

- Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương...

- Da ở vùng cổ bị sậm màu, thậm chí là loét, chảy máu ở giai đoạn muộn.

Lưu ý, những dấu hiệu trên có thể liên quan đến nhiều bệnh khác, không hẳn là ung thư tuyến giáp. Vì thế, khi phát hiện bất kỳ triệu chứng ung thư tuyến giáp, dấu hiệu bất thường nào, bạn nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa, cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nhé!

6. Cách tự kiểm tra tuyến giáp

Như đã chia sẻ, một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư tuyến giáp chính là xuất hiện khối u khi nuốt xuống hoặc sự to lên bất thường ở cổ. Bên cạnh việc thăm khám sức khỏe định kỳ, bạn có thể tự kiểm tra cổ để phát hiện sớm các bệnh liên quan đến tuyến giáp.

Dành ít thời gian tự kiểm tra cổ cũng giúp phát hiện sớm các bệnh liên quan đến tuyến giáp - (Ảnh: Verywell)

Dưới đây là 6 bước tự kiểm tra tuyến giáp đơn giản, bạn có thể làm ngay tại nhà:

Bước 1: Mặc áo hở cổ và đứng trước gương. Lưu ý, bạn không nên mặc áo cao cổ, choàng khăn vì sẽ cản tầm nhìn.

Bước 2: Ngẩng cổ, nâng cằm lên phía trần nhà để dễ dàng quan sát.

Bước 3: Uống một ngụm nước. Khi uống nước ở tư thế này, thanh quản sẽ di chuyển về phía trước, giúp bạn dễ dàng phát hiện những bất thường ở tuyến giáp.

Bước 4: Quan sát sự phát triển bất thường ở phần dưới cổ. Khi nuốt nước, bạn hãy để ý xem có sự bất thường như khối u hay vật lồi lên ở cổ hay không. Để đảm bảo hiệu quả tốt hơn, hãy lặp lại hành động uống nước và quan sát nhiều lần nhé!

Bước 5: Tiếp đến, hãy dùng tay để chạm, xoa nắn nhẹ nhàng xung quanh tuyến giáp. Cách này sẽ giúp bạn cảm nhận được các dấu hiệu bất thường ở cổ, tuyến giáp.

Bước 6: Nếu phát hiện khối u hoặc sự tăng trưởng bất thường của tuyến giáp, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

7. Cách chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp tiến triển chậm, nên việc tầm soát và phát hiện sớm đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, nếu là những khối u nhỏ, chưa di căn hạch thì kết quả điều trị rất khả quan. Ngược lại, những bệnh nhân có khối u lớn, tiến triển nhanh, di căn thì việc điều trị sẽ khó khăn và thường để lại nhiều biến chứng sau phẫu thuật hơn như khàn tiếng, hạ canxi, nuốt sặc, rò bạch huyết…

Chẩn đoán sớm sẽ giúp việc điều trị ung thư tuyến giáp dễ dàng và tỷ lệ thành công cao - (Ảnh: health.ifeng.com)

Để chẩn đoán bệnh chính xác, hiện nay các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp như siêu âm, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA), chụp CT...

- Siêu âm: Đây là phương pháp có chi phí hợp lý, an toàn và dễ thực hiện. Siêu âm cho phép bác sĩ đo lường chính xác kích thước của hạch, vị trí của nhân giáp và phát hiện các nhân giáp không sờ thấy trên lâm sàng… Đặc biệt, siêu âm có thể giúp phân biệt giữa hạch lành tính (không ung thư) và hạch ung thư. Trong đó, một nhân giáp ác tính thường có những dấu hiệu như: tăng sinh mạch máu ở trung tâm, u giáp giảm hồi âm, bờ không đều, vôi hoá bên trong.

- Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA): Đây là phương pháp được lựa chọn hàng đầu để đánh giá nhân giáp. Phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trên 90%. Các bác sĩ sẽ dùng một kim nhỏ chọc vào khối u ở tuyến giáp lấy ra một ít bệnh phẩm, sau đó sẽ quan sát chúng qua kính hiển vi để chẩn đoán khối u lành tính hay ác tính.

- Các phương pháp khác như: Chụp cắt lớp điện toán (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến giáp giúp đánh giá sự lan rộng, di căn của các tế bào ung thư tuyến giáp. Ngoài ra, các phương pháp chẩn đoán như xạ hình tuyến giáp, định lượng hormone giáp cũng có thể được chỉ định để chẩn đoán.

8. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp phổ biến nhất hiện nay

Thông thường, tùy vào tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc nhiều phương pháp điều trị. Dưới đây là các phương pháp điều trị chính của bệnh ung thư tuyến giáp:

- Phẫu thuật: Bao gồm các kỹ thuật như cắt một thùy và eo giáp trạng, cắt toàn bộ tuyến giáp. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bao gồm cả các hạch bạch huyết xung quanh ở cổ, là phương pháp được ưu tiên vì mang đến cơ hội chữa khỏi bệnh cao nhất, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh ở giai đoạn sớm.

- I-ốt phóng xạ: Bệnh nhân có ung thư tuyến giáp dạng nhú hoặc dạng nang lớn hơn 1cm thường được điều trị bằng i-ốt phóng xạ tại thời điểm khoảng 4 tuần sau phẫu thuật. Với phương pháp này, bệnh nhân cần uống một lượng nhỏ dung dịch chứa i-ốt phóng xạ. I-ốt phóng xạ sẽ loại bỏ bất kỳ mô tuyến giáp nào có thể còn sót lại sau phẫu thuật. Vì chỉ có các tế bào tuyến giáp mới hấp thụ i-ốt nên cách điều trị này sẽ không gây hại cho các hệ cơ quan khác trong cơ thể.

- Điều trị hormone: Sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc sau khi điều trị i-ốt phóng xạ, bạn sẽ phải bổ sung hằng ngày lượng hormone thiếu hụt do tuyến giáp tiết ra.

- Xạ trị từ bên ngoài: Đây là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị từ bên ngoài là nguồn xạ được đặt ngoài cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt.

- Hóa chất: Là phương pháp dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này ít có hiệu quả hơn trong điều trị ung thư tuyến giáp

- Điều trị đích: Phương pháp này thường được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

9. Cần phải làm gì sau khi kết thúc điều trị để ung thư tuyến giáp không tái phát?

Mặc dù các trường hợp bệnh ung thư tuyến giáp đều có thể chữa trị thành công khi phát hiện ở giai đoạn sớm, nhưng theo một số thống kê, có đến 30% số ca tái phát sau điều trị và phải theo dõi suốt đời. Vì thế, bạn cần lưu ý

- Nên thăm khám định kỳ 3 tháng/lần trong hai năm đầu, 1 năm/lần trong những năm kế tiếp. Thông qua việc khám lâm sàng hay làm các xét nghiệm như: siêu âm tuyến giáp, chụp x quang ngực, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu… bác sĩ sẽ kiểm tra xem bệnh có tái phát hay không và có chỉ định phù hợp.

- Trong trường hợp phát hiện những bất thường nghi ngờ là ung thư tuyến giáp, bạn cần đi khám sớm nhất có thể nhé!

10. Cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là căn bệnh phổ biến, ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa bằng nhiều cách khác nhau như: chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh, tầm soát ung thư định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín. Cụ thể:

- Tránh tiếp xúc bức xạ: Để phòng ngừa ung thư tuyến giáp, bạn nên hạn chế sống và làm việc trong môi trường có tia bức xạ như: nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng hạt nhân... Bạn cần sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động đạt chuẩn khi làm việc trong những môi trường nhiều bức xạ.

- Có chế độ ăn uống khoa học: Thực tế, việc thiếu i-ốt là một trong những nguyên nhân chính làm nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. I-ốt là một vi chất cơ thể chúng ta không tổng hợp được, nên cần phải bổ sung thường xuyên, lâu dài qua đường ăn uống. Các loại thực phẩm giàu i-ốt bạn nên bổ sung như: rong biển, tảo bẹ, cá biển và các động vật vỏ cứng ở biển, nước mắm, rau dền, rau cải xoong, cá thu,, nấm mỡ, súp lơ, khoai tây, muối biển… Tuy nhiên, không phải nạp càng nhiều i-ốt càng tốt. Quá nhiều iốt sẽ làm biến đổi chức năng tuyến giáp, hoặc tăng gánh nặng cho chức năng tuyến giáp.

Bên cạnh đó, bạn cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý bằng cách: ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây, chất xơ, giúp cung cấp nhiều loại vitamin tốt cho sức khỏe.

Rong biển là một trong những nguồn giàu i-ốt nhất - (Ảnh: health.ifeng)

- Hạn chế ăn những thực phẩm chế biến sẵn: Vì chúng chứa rất nhiều chất bảo quản có hại cho sức khỏe.

- Không sử dụng chất kích thích: Rượu bia, chất kích thích là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ung thư, trong đó có ung thư tuyến giáp.

- Lối sống lành lạnh: Hãy thiết lập cho mình một chế độ luyện tập thể thao phù hợp, ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ, ăn uống khoa học...

- Tầm soát ung thư định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, để phòng ngừa và điều trị bệnh kịp thời.

Tóm lại, ung thư tuyến giáp phát triển khá chậm, có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và kịp thời. Vì thế, bạn nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, cũng như bảo vệ sức khỏe một cách tối ưu nhất nhé!

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/nhung-dieu-can-biet-ve-ung-thu-tuyen-giap-can-benh-ngay-cang-gia-tang-o-nu-gioi-32308/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY