Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Những lá chắn sống nơi biên cương

Bám trụ từng tấc đất, từng bìa rừng..., bảo vệ bình yên cho bờ cõi là nhiệm vụ của những chiến sỹ mang trên mình bộ quân phục màu xanh. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, các anh còn mang thêm một trọng trách nặng nề hơn: Kiểm soát dịch bệnh nơi biên cương của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Tổng Cọt kiểm tra sức khỏe, tuyên truyền và phát khẩu trang cho người dân

Xếp bút nghiên lên đường chống dịch

Từ đầu tháng 3, khi trận chiến chống dịch COVID-19 trở nên căng thẳng trong nước, hàng trăm sinh viên thuộc Học viện Biên phòng được điều động lên tuyến biên giới để chống dịch. “Những ngày đầu mới lên, chúng em chưa quen địa hình, khí hậu cũng như ngôn ngữ và phong tục của người dân trên đây nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được các anh, các chú ở Đồn chỉ bảo, giúp đỡ, chúng em dần dần bắt nhịp cuộc sống” - Trung sỹ Phạm Thái Sơn, học viên năm cuối Học viện Biên phòng chia sẻ.

Tranh thủ giờ hết ca, các chiến sỹ tại một lán của đồn biên phòng Cô Ba chuẩn bị cho bữa cơm chiều.

Theo Trung sỹ Sơn, khi được nhà trường thông báo sẽ có đợt tham gia chống dịch tại biên giới phía Bắc, ai cũng hào hứng và tràn đầy khí thế sẵn sáng lên đường tham gia nhiệm vụ. “Đây cũng là một trong những bài học thực tế rất bổ ích trước khi ra trường đối với chúng em” - Sơn cho hay.

Nhiệm vụ hàng ngày của Trung úy Sơn và các cán bộ, chiến sỹ tại đồn Cô Ba là thay nhau chốt trực 24/24. Cũng bởi địa hình, địa thế khá phức tạp, có nhiều lối mòn xuyên sang bên kia biên giới nên ngoài Đồn là trung tâm chỉ huy thì các chốt chặn khác cũng được lập nên để kiểm soát người ra, vào cũng như tuần tra địa bàn.

Châu Kum Sinl, người dân tộc Khơ me quê ở An Giang là học viên năm cuối cũng được tăng cường về đồn biên phòng Cốc Bàng từ ngày 6/3 chia sẻ : “Nơi em chốt không có điện, không có nước. Bởi vậy ngoài công việc tuần tra, kiểm soát thì anh em chia nhau chở nước từ nhà dân lên để dùng. Đường đi lại khó khăn nên toàn tổ ăn ở và sinh hoạt ngay tại chốt”.

Là một người con sinh ra và lớn lên tại miền sông nước của miền Nam nên khi nhận nhiệm vụ trên tuyến biên giới phía Bắc này, Sinl khá vất vả với việc thích nghi về món ăn, khẩu vị. Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của Chau Kum Sinl, ấy là những ngày đầu mới đến với đồn “chứ bây giờ thì em sắp trở thành dân thổ địa ở đây rồi” -  Sinl hài hước cho hay.

Trời mưa khiến cho việc nhóm lửa gặp rất nhiều khó khăn.

Nằm lán, phơi sương để căng mình chống dịch

Để đảm bảo không chỉ về an ninh, trật tự mà còn kiểm soát chặt chẽ về sự lây lan của dịch bệnh trên tuyến biên giới dài 333km ấy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bắc Kạn đã phải lập 104 chốt  trên các đường mòn và 25 đội tuần tra, kiểm soát cơ động để kiểm soát lượng người vượt biên ra vào.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cho biết, để kiểm soát chặt chẽ, mỗi điểm chốt chặn trên các tuyến đường mòn biên giới luôn được cắt cử 4-5 cán bộ, chiến sỹ ứng trực 24/24 để phát hiện ngăn chặn các trường hợp công dân nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Mọi khó khăn vất vả ấy không làm cho những người lính quân hàm xanh sờn lòng

Thiếu tá Trần Thanh Bình, Đồn trưởng đồn Biên phòng Cô Ba chia sẻ: Hơn 2 tháng nay, đồn huy động 100% lực lượng tham gia chống dịch; Lập 7 tổ và 1 trạm kiểm soát kiểm dịch. Mỗi tổ, trạm có từ 2 - 3 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, y tế ngày đêm thay nhau trực chốt.

“Một trong những khó khăn lớn nhất của đồn, địa hình đi lại cách đồn còn khó khăn phải đi xe máy 20km mất 2 tiếng, không có sóng điện thoại để có thể báo cáo tình hình sớm. Thế nhưng dù nằm lán, phơi sương, ăn uống tạm bợ thì anh em vẫn giữ tinh thần lạc quan, quyết tâm chung tay với Chính phủ ngăn chặn và khống chế dịch một cách sớm nhất . ” - Thiếu tá Bình tâm sự.

Theo chia sẻ của lãnh đạo đồn biên phòng Thị Hoa, trong thời gian qua, đồn đã ngăn chặn kịp thời 40 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, phát hiện 2 vụ buôn bán khẩu trang với 30.000 chiếc đang được tuồn ra biên giới để bán kiếm lời.

Được biết đến là “vùng đất khát”, Lục Khu là địa bàn của bốn bề là cánh đồng đá bao phủ thuộc 6 xã vùng cao của huyện Hà Quảng, Đại úy Vương Văn Hiền tại chốt chặn xóm Keo Sỹ xã Tổng Cọt chia sẻ “Nước sạch ở đây rất hiếm vì nhiều xóm không có mạch nước ngầm nên mỗi lần chở được can nước về là anh em quý lắm. Điện lưới ở đây thì chưa có, đêm thì anh em dùng đèn pin, đèn tích điện”.

Trong góc lán, bữa cơm chiều đang được các chiến sỹ tranh thủ giờ thay ca nấu vội dưới cơn mưa chiều mỗi lúc càng thêm nặng hạt!

Giang Vương

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5e9b8b5cf8ec6eaf1b354812)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY