Sức khỏe hôm nay

Những loại lá có tác dụng kì diệu đối với làn da rôm sảy của bé

Các mẹ nên tham khảo công dụng của các loại lá dưới đây để sử dụng khi tắm cho bé, giúp bé hạn chế tình trạng rôm sảy.

Lá kinh giới

Nếu có sẵn lá tươi, mẹ chỉ cần rửa sạch rồi giã nát, chắt nước pha vào chậu nước tắm cho bé. Nếu không, mẹ có thể phơi khô lá kinh giới và dùng dần. Mỗi lần tắm cho bé mẹ lấy 1 nắm lá khô, cho vào nồi đun sôi 1 lúc rồi pha vào nước tắm cho bé. Nước lá kinh giới giúp rôm sảy “bay” nhanh chóng và da bé sẽ mịn màng trở lại.

Mướp đắng

Mướp đắng không chỉ là món ăn vừa lành vừa bổ, giúp mẹ giảm cân mà còn có tác dụng rất kì diệu với làn da rôm sảy của bé. Thế nên nếu mẹ đang định làm món mướp đắng cho bữa cơm ngày hè thêm mát lành. Mẹ hãy nhớ mua thêm vài quả dư ra để tắm cho bé nhé. Mỗi lần tắm cho bé chỉ cần 2 quả cỡ vừa là được. Mẹ hãy rửa thật sạch sau đó xay/giã nát, lọc lấy nước để tắm cho bé.

Tía tô

Là một loại rau gia vị rất quen thuộc với mỗi gia đình, chúng ta có thể mua tía tô ngoài chợ, đem rửa sạch rồi nấu với nước tắm cho trẻ. Tía tô được coi như một loại kháng sinh tự nhiên, sẽ diệt khuẩn làm sạch da, ngoài ra làm mát cho da. Hỗ trợ các chứng mẩn ngứa rôm sảy rất tốt.

Lá ngải cứu

Vào mùa đông tắm lá ngải cứu không những giúp trẻ trị mẩn ngứa, ghẻ lở, chống hăm, làm dịu các vết thương và viêm hiệu quả. Tắm lá ngải cứu còn giúp bé giải cảm, phòng tránh cảm cúm trong mùa lạnh hiệu quả và có cảm giác ấm áp hơn khi tắm.

Cách tắm: Lá ngải cứu rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi nước nấu sôi lên một lúc cho lá ngải tiết ra nước, sau đó pha với nước tắm cho bé, có thể thêm vài hạt muối hột trong chậu tắm.

Lá chè xanh

Lá chè xanh có rất nhiều công dụng như điều trị các bệnh viêm loét, hăm tã, da bị lở loét. Vào mùa đông việc đóng bỉm hàng ngày có thể khiến da trẻ bị hăm, lở loét, tắm lá chè xanh tuần 2 lần hoặc rửa bộ phận sinh dục cho bé bằng lá chè xanh hàng ngày sẽ phòng ngừa được hăm tã cho trẻ. Cách nấu nước lá chè xanh tương tự như hướng dẫn ở trên, khi tắm mẹ có thể thêm vào đó một vài hạt muối.

Lá trầu không

Theo đông y thì trầu không là loài thân leo, vị cay nồng, thơm hắc, tính ấm. Thích hợp khi tắm cho bé vào mùa đông. Trong lá trầu không có chứa chất kháng sinh, giúp trừ phong, tiêu viêm, sát trùng và kháng khuẩn. Trầu không dùng để chữa chàm cho bé rất hiệu quả, chủ yếu là sát khuẩn và giảm ngứa với những bé có cơ địa dị ứng.

Cách tắm: Trầu không tầm 10 lá đem rửa sạch, thái mỏng cho vào nồi nước đun sôi, để một lúc cho nước trầu tiết ra pha với nước ấm để tắm cho bé những ngày đông lạnh giá rất phù hợp, giúp cơ thể bé nóng ấm. Ngoài tác dụng kháng khuẩn nước trầu không còn chữa hăm cho bé rất hiệu quả, tuy nhiên để phòng tránh các trường hợp bé bị dị ứng mẹ có thể bôi một ít nước trầu không lên tay bé trước khi tắm trực tiếp.

Lá khế

Lá khế thường được các mẹ dùng để nấu nước tắm cho trẻ có tác dụng giúp trị phong ngứa mề đay, rôm sảy rất hay, chỉ cần hái 1 nắm lá khế, rồi đem rửa sạch, giã nát, cho thêm 1 chút muối hái, rồi lọc lấy nước lá khế, sau đó pha với nước ấm để tắm cho trẻ.

Sài đất

Sài đất là cây mọc hoang nên rất dễ tìm kiếm hoặc có thể mua ở ngoài chợ, chỉ cần lấy sài đất tươi, đem rửa sạch, rồi nấu với nước hằng ngày cho trẻ. Đặc biệt là khi trẻ bị nổi rôm sảy chỉ cần tắm với nước sài đất vài ngày liên tiếp sẽ giúp làm dịu mát cho da của trẻ và giúp giảm nhanh các nốt rôm sảy trên da của bé.

Dây kim ngân hoa

Tác dụng kháng sinh của dây kim ngân được các nhà nghiên cứu và chứng minh bằng thực nghiệm cụ thể, nghiên cứu cho thấy trong nước hoa kim ngân có tác dụng làm giảm mạnh đối với tụ cầu khuẩn, vi khuẩn chương hàn, trùng ly Shiga.

Đặc biệt nước sắc có tác dụng mạnh mẽ hơn các dạng tế bào khác. Nên được sử dụng rất nhiều giúp phòng và điều trị rôm sảy mẩn ngứa dị ứng ở trẻ rất tốt. Chỉ cần 1 nắm dây kim ngân cả hoa và dây đun lên pha nước tắm cho trẻ hằng ngày rất lành da và mát da cho trẻ.

Lá dâu tằm

Mùa của những trái dâu tằm chín mọng, tím đen ngon lành sắp hết rồi. Nhưng mẹ đừng vội quên loại cây này vì nó còn một công dụng tuyệt vời nữa là trị rôm sảy cho trẻ rất tốt. Đừng để bé phải bức bối, quấy khóc vì những mảng rôm dày đặc khiến con khó chịu.

Hãy lấy 1 nắm lá dâu tằm, rửa thật sạch rồi cho vào nồi nước, đun sôi. Chờ nước nguội bớt thì bỏ lá và tắm cho bé (mẹ nên nấu với nhiều nước 1 chút rồi dùng chính nước dâu tắm cho bé, không pha thêm nước lạnh nữa nhé!). Để trị rôm nhanh hơn, mẹ có thể dùng hạt đậu xanh còn nguyên vỏ, tán mịn rồi rắc lên vùng da nhiều rôm của bé sau khi tắm với nước dâu tằm. Làm như vậy liên tục trong vài ngày là rôm không mọc nữa và những nốt rôm cũ cũng dịu đi khiến bé dễ chịu hơn.

LƯU Ý:

  • Để đạt hiệu quả tốt nhất, mẹ nên tắm qua cho con bằng nước ấm trước để loại bỏ chất nhờn và bụi bẩn trên da, sau đó mới tắm nước lá và cuối cùng là "tắm tráng" lần nữa bằng nước sạch để loại bỏ lượng bột lá có thể bám trên da.
  • Không lạm dụng các loại lá tắm như đun nước quá đặc, tắm lá liên tục nhiều ngày, vắt nhiều chanh/muối vào nước tắm,... vì bột lá có thể đọng nhiều trên da gây viêm da, nhiễm khuẩn,... Hơn nữa, nước tắm pha nhiều chanh/muối có thể kích ứng da bé, khiến bé bị xót, rát da.
  • Mẹ cũng lưu ý, sau khi tắm xong nên lau khô người cho bé, mặc quần áo thoáng mát với chất liệu cotton, hạn chế cho con ra nắng và cố gắng giữ nhiệt độ phòng mát mẻ. Không cho trẻ ăn nhiều đồ nóng, không lạm dụng các loại kem dưỡng ẩm vì có thể gây bít lỗ chân lông khiến tình trạng viêm trầm trọng hơn. Trong trường hợp thấy da con có dấu hiệu sưng tấy, mưng mủ,... cần cho con đi khám bác sĩ để được tư vấn cách điều trị tốt nhất.

Quỳnh Hoa

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nhung-loai-la-co-tac-dung-ki-dieu-doi-voi-lan-da-rom-say-cua-be-27349/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY