Sức khỏe hôm nay

Những loại thực phẩm gây hại mà bố mẹ thường cho trẻ ăn

Bên cạnh các món ăn bổ dưỡng, có những loại thực phẩm không tốt nhưng thường được người lớn thêm vào khẩu phần ăn của trẻ…

Nước ngọt có ga và ép trái cây đóng chai/lon

Các loại nước ngọt có ga và nước ép trái cây đóng chai/hộp là thức uống được nhiều trẻ nhỏ ưa chuộng. Sản phẩm này sử dụng thuận tiện và có bao bì bắt mắt. Tuy nhiên, trên thực tế thì những loại nước uống này không đem lại lợi ích gì cho trẻ. Một ly nước ép có chứa 5-6 muỗng cà phê đường. Đường hòa tan ngay lập tức được hấp thụ vào máu, điều này ảnh hưởng xấu đến sự trao đổi chất của carbohydrate.

Nước ngọt cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra béo phì, tiểu đường type 2 và hành vi hung hãn ở trẻ. Theo các chuyên gia, trung bình một lon nước ngọt có thể chứa 60g đường, gấp bốn lần nhu cầu đường mỗi ngày của trẻ. Chất ngọt hóa học có thể còn nhiều hơn. Trẻ uống nước ngọt không nhận được chất dinh dưỡng mà chỉ toàn calo rỗng.

Do đó, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, thay vì sử dụng các loại nước ngọt, nước ép đóng chai, bố mẹ nên cho con ăn các loại trái cây tươi hoặc cũng có thể cho con uống nước ép vắt tươi hoặc sinh tố để giảm lượng đường có hại và tăng cường chất xơ cho cơ thể.

Vitamin tổng hợp

Hiện nay, Vitamin là một chủ đề khá gây tranh cãi giữa các bậc phụ huynh. Vấn đề ở đây là cha mẹ thường dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của họ thay vì tư vấn từ một chuyên gia dinh dưỡng hay bác sĩ chuyên khoa. Trên thực tế, nên bổ sung vitamin cho trẻ bằng cách tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin sẽ tốt hơn nhiều so với việc cố bổ sung qua các loại thực phẩm chức năng.

Theo các bác sỹ, việc tự ý bổ sung thuốc cho trẻ là một điều sai lầm và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho con của bạn. Trẻ em nên nhận được các vitamin cần thiết từ thực phẩm, không cần phải cho trẻ uống bất kỳ chất bổ sung nào khi không cần thiết.

Mì ăn liền

Nếu cho trẻ ăn mì ăn liền thường xuyên thì hàm lượng muối giới hạn mỗi ngày của trẻ cũng vượt quá mức cho phép. Vì không chỉ gây hại cho sức khỏe của bé bởi hàm lượng muối cao, mà mì ăn liền còn không thể cung cấp đủ lượng chất xơ thiết yếu cho trẻ.

Nho

Mặc dù nho chứa các vitamin và khoáng chất mà trẻ em cần, tuy nhiên lý do trẻ em không nên ăn vì chúng to và trơn và trẻ có thể nuốt chửng gây nghẹt thở. Do đó hãy thật cẩn thận khi cho trẻ ăn nho. Ngoài ra, nho có chứa loại đường khó tiêu, không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bố mẹ có thể lựa chọn chuối như một loại hoa quả thay thế tuyệt vời cho các bé dưới 2 tuổi.

Ngũ cốc

Mặc dù, các loại bánh và ngũ cốc được quảng cáo là chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, tuy nhiên những thực phẩm này cũng chứa rất nhiều đường. Các khoáng chất tốt của ngô, lúa mì và yến mạch thường bị loại bỏ trong quá trình sản xuất và chỉ còn lại là carbohydrate. Do đó, tất khó để thỏa mãn cơn đói với thức ăn này, nên chỉ vài giờ sau đứa trẻ sẽ lại đói.

Một giải pháp mà bố mẹ có thể lựa chọn trong trường hợp này để thay thế các loại ngũ cốc đóng gói là cho trẻ ăn bột ngũ cốc nguyên chất và bổ sung thêm các loại trái cây, rau củ để hấp dẫn trẻ hơn.

Thực phẩm đóng hộp

Theo các chuyên gia, thịt đóng hộp có chất dinh dưỡng rất hạn chế, kim loại của vỏ đồ hộp còn có thể ngấm vào thực phẩm gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, những thực phẩm này chứa rất nhiều muối và phụ gia nên không tốt cho trẻ nhỏ.

Đặc biệt, tuyệt đối không cho trẻ ăn cá ngừ đóng hộp, vì loại thực phẩm này có thể chứa nhiều thủy ngân. Thủy ngân có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh của trẻ nhỏ.

Mật ong

Các bác sỹ nhi khoa cảnh báo, cha mẹ không nên cho trẻ dưới 2 tuổi ăn mật ong. Bởi vì việc cho trẻ ăn mật ong quá sớm sẽ dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc, dị ứng, gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bé. Ngoài ra, đôi khi trong mật ong còn có chứa vi khuẩn có thể dẫn đến một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng gọi là ngộ độc botulism.

Các loại hạt

Không nên cho trẻ nhỏ ăn những món ăn còn nguyên hạt như đậu phộng vì có thể gây ngạt. Một loại hạt khác mẹ cũng không nên cho bé ăn là hạt hạnh nhân. Ngay cả khi đã cắt nhỏ thì hạnh nhân cũng có thể gây nghẹt đường thở của trẻ và thực phẩm này cũng có thể gây dị ứng.

Trà sữa

Trà sữa là thức uống ưa thích của nhiều trẻ nhỏ bởi hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, loại thức uống này chứa nhiều đường, nên có thể khiến trẻ bị béo phì hay đái tháo đường. Đặc biệt với món trà sữa trân châu, các hạt trân châu có thể gây hóc cho trẻ mà có khi dùng kỹ thuật Heimlich cũng không thể xử lý được. Do đó, bạn cần hạn chế cho trẻ dùng loại thức uống này.

Sữa chua

Đừng vội hiểu lầm rằng sữa chua không tốt cho trẻ. Nhưng để chọn một loại sữa chua tốt nhất cho sức khỏe của con, bạn cần phải đọc kỹ các thành phần. Không mua các loại sữa chua không được cất giữ trong tủ lạnh. Đồng thời, nên mua sữa chua tự nhiên thay vì sữa chua có đường. Các loại sữa chua có trái cây chứa nhiều đường, chất béo và calo khiến trẻ bị béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Sữa khuấy

Nếu phân vân giữa một loại soda và một sữa khuấy thì hầu như các bậc phụ huynh sẽ chọn sữa khuấy vì tin rằng chúng tốt. Nhưng thực ra là chúng cũng nguy hiểm như soda và chứa rất nhiều chất béo và đường.

Theo các nhà khoa học, nếu uống một loại thức uống giàu chất béo thường xuyên thì có thể gây ra bệnh tim mạch. Loại đồ uống này thậm chí không tốt cho sức khỏe ngay cả đối với người lớn chứ không chỉ riêng trẻ em.

Các loại bánh kẹo đóng gói

Dù được quảng cáo làm từ trái cây tươi, nhưng những loại kẹo mùi trái cây, bánh ngọt vị trái cây, kẹo dẻo… chỉ chứa đường và hương liệu. Bạn không nên dùng chúng thay cho trái cây thực sự hay là món ăn vặt, ăn xế thường xuyên của trẻ. Thay vì dùng chúng, bố mẹ nên mua trái cây khô cho bé ăn.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nhung-loai-thuc-pham-gay-hai-ma-bo-me-thuong-cho-tre-an-27534/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY