12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Những lợi ích tuyệt vời của khiêu vũ

(SKGĐ) Đến với khiêu vũ không chỉ là giao lưu giải trí, khiêu vũ còn giúp bạn cải thiện sức khỏe cả về thể chất và tinh thần.

 

Niềm vui lớn nhất là không phải tới bệnh viện

Điều đặc biệt, tiên phong đến với khiêu vũ không phải là những người trẻ tuổi mà là những cụ U60, U70, mặc dù hội viên chiếm 2/3 có độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng xem ra vẫn rất phong độ, rất đam mê say sưa với môn nghệ thuật này.

“Từ ngày vào hội khiêu vũ tới nay, tôi thấy khỏe khoắn, bệnh vặt người già như đau lưng mỏi gối thấy giảm nhiều... niềm vui lớn nhất của khiêu vũ đem lại chính là không phải tới bệnh viện” bà Xuân Mai (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) người đã nhiều năm theo sinh hoạt trong một câu lạc bộ khiêu vũ của phường Yên Hòa chia sẻ.

Chị Nguyễn Thúy Hằng một người tham gia khiêu vũ nhiều năm cho biết: “Sau khi sinh em bé, tôi đã tham gia khiêu vũ, từ đó vóc dáng được lấy lại rất nhanh, thân hình không còn sồ sề như trước nữa. Bên cạnh đó, áp lực của một công ty luật mình làm, những tranh cãi hàng ngày thật rất nhiều. Tìm đến câu lạc bộ khiêu vũ để xả stress rất hiệu quả. Từ đó đến nay tôi cứ đều đều tuần 3 buổi đi khiêu vũ”.

Còn chị Đinh Khánh Chi, Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ cổ điển và Thẩm mỹ Lady (Nhà văn hóa xóm mới Đình làng Hậu, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thực ra ở nước ta nhiều người còn e ngại khiêu vũ bởi vì định kiến cũ. Khiêu vũ cổ điển vốn là một môn thể thao. Nó giúp giải phóng một số năng lượng đáng kể, nhưng lại không gây cảm giác áp lực lên người khiêu vũ. Hơn nữa còn giúp cho người nhảy có thân hình thon gọn, mềm dẻo và linh hoạt hơn”.

Chị chị cho biết thêm, những người mới bắt đầu bước vào học khiêu vũ thường học ở ngoài trời như công viên, vườn hoa... còn những người đã biết nhảy thường đến sàn. Khi đã biết nhảy rồi thì rất mê, thậm chí có cụ cứ nghe thấy tiếng nhạc là nhảy. Chỉ cần học 7-8 buổi người học đã nhảy được một vài điệu đơn giản như Rumba, Chachacha...

Lợi ích của khiêu vũ dưới góc độ y học

Những người thường xuyên khiêu vũ, cơ thể được vận động, máu huyết lưu thông là nền tảng để duy trì một cơ thể khoẻ mạnh, cảm thụ cái đẹp của âm nhạc, trong lúc khiêu vũ sẽ giúp hệ thống thần kinh được thư thái. Tác dụng của khiêu vũ trong lãnh vực dưỡng sinh sẽ duy trì sức khỏe phòng chống nhiều loại bệnh tật. Quan trọng nhất là tạo ra một nơi sinh hoạt lành mạnh, hữu ích cho người cao tuổi thay vì nằm cô đơn ở nhà. Đi khiêu vũ có điều kiện gặp bạn bè, được thư giãn tinh thần bằng âm nhạc, được tập những động tác có lợi cho sức khỏe.

Trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng của khiêu vũ đối với sức khỏe con người:

Theo BS. Rita Beckford (Giám đốc Trung tâm Cấp Cứu Twinsburg tại tiểu bang Ohio, Mỹ): Vận động chỉ hữu ích khi thực hiện đều đặn và chỉ đều đặn khi ta cảm thấy thích thú. Do đó, dù với bất cứ thể điệu nào, khiêu vũ cũng giúp con người thu lượm được nhiều ích lợi như sự dẻo dai, cường tráng, tiêu hao mỡ, giảm rủi ro bệnh động mạch vành, giảm huyết áp, giữ sức nặng cơ thể trung bình và tăng sức mạnh của xương chân, xương hông...

- Khiêu vũ giúp nâng cao sức khỏe, giảm căng thẳng, tăng sự phối hợp và sức chịu đựng của cơ thể. Trong một nghiên cứu, GS.BS Romualdo Belardinelli và đồng nghiệp tại ĐH Y Politecnica delle Marche, Italy đã nhận thấy rằng, khiêu vũ, đặc biệt là vũ điệu valse chậm và nhanh, đều an toàn và nâng cao khả năng cũng như phẩm chất đời sống của người đang có bệnh tim hoặc bị suy tim.

Các bệnh nhân được tham gia các khóa học khiêu vũ cho biết, họ ngủ ngon hơn, yêu đời hơn, yêu thích các hoạt động cộng đồng, những việc nhẹ trong nhà cũng như có quan hệ tình dục tốt hơn. Khiêu vũ cũng có lợi ích tuyệt vời đối với hệ miễn nhiễm. Khi khiêu vũ cơ thể dễ tương thích với các yếu tố ngoại môi, kể cả các yếu tố bất lợi, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn dị ứng, ung thư.

- Đối với trí tuệ con người, khiêu vũ có một sự bổ trợ tuyệt vời. BS. Joe Verghese (giáo sư Thần kinh tại ĐH Y Albert Einstein ở New York, Mỹ) đã theo dõi sinh hoạt trong đó có khiêu vũ của 469 cụ trên 75 tuổi không có vấn đề về trí nhớ. Sau 5 năm, 124 cụ có dấu hiệu sa sút trí tuệ mà đa số là những cụ không bao giờ khiêu vũ. Theo ông, khiêu vũ là một hoạt động đa hiệu chứ không chỉ thuần túy thể xác. Khiêu vũ tăng lượng máu lưu thông lên não bộ, giảm căng thẳng, cô đơn và luôn luôn động viên trí não nhớ ađiệu nhạc, bước đi để hòa nhịp với bạn vũ…

BS. Joe Verghese cũng cho biết thêm, khiêu vũ là một hoạt động đa hiệu chứ không chỉ thuần túy thể xác. Khiêu vũ tăng lượng máu lưu thông lên não, giảm căng thẳng, cô đơn và luôn luôn động viên trí não nhớ điệu nhạc, bước đi để hòa nhịp với đi ệu nhạc. Những người thường xuyên khiêu vũ sẽ luôn sở hữu một trí nhớ tốt, có hiệu năng làm việc cao hơn so với những người ít khiêu vũ hoặc không bao giờ khiêu vũ.

Một số lưu ý:

+ Với người có huyết áp cao và rối loạn tiền đình: tránh quay tròn nhiều trong điệu valse châu Âu hoặc các loại te thấp đầu.

+ Người yếu chân (do viêm, thấp khớp, teo cơ, cứng khớp): tránh các vũ điệu có bước nhảy đảo, chéo, te thấp, các điệu nhảy có bước nhanh và phức tạp như Chachacha, Bebop, bước trụ xoay có góc lớn.

+ Người bị bệnh tim, rối loạn nhịp tim: tránh các bước nhanh và tốn sức, nên chọn các vũ điệu có tiết tấu chậm và đều như Rumba, Boston hay Pasodoble..

+ Người bị suy thở, viêm xoang: tránh nơi đông người và thiếu không khí.

+ Người có bệnh về cột sống và loãng xương: tránh vặn mình nhiều hoặc xoay tròn, te thấp, gây di động lớn tới đốt sống hoặc làm đè nặng các khớp và xương, nhất là chi dưới…

Trần Nguyễn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/nhung-loi-ich-tuyet-voi-cua-khieu-vu-13602/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY