Từ độ tuổi mẫu giáo bước sang tiểu học, đối với trẻ sẽ có những thay đổi rất lớn. Cha mẹ cần đặc biệt quan tâm tới những lưu ý về dinh dưỡng cho lứa tuổi tiểu học để hỗ trợ trẻ phát triển tốt nhất.
Vai trò của dinh dưỡng hợp lý ở học sinh tiểu học
Lứa tuổi tiểu học cả cơ thể và tâm lý trẻ đều có nhiều biến đổi |
Đối với mỗi con người, một vấn đề rất quan trọng đó là vấn đề về dinh dưỡng. Đặc biệt đối với học sinh tiểu học lại là những đối tượng mà những người làm công tác dinh dưỡng đặc biệt quan tâm. Đây là một giai đoạn mà cơ thể và tâm lý trẻ bắt đầu thay đổi cả về thể chất và tinh thần.
* Về mặt thể chất: đây là giai đoạn mà bộ não đã khá hoàn thiện, lúc này trẻ đã có thể học hỏi được rất nhiều điều, nên nhu cầu về năng lượng cung cấp cho việc học tập cũng phải tăng lên.
Tuy cân nặng và chiều cao của cơ thể trẻ lúc này phát triển chậm lại so với những năm đầu đời, nhưng đây lại là giai đoạn mà cơ thể trẻ đang tích lũy dần những chất dinh dưỡng cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh chóng thứ hai trong cuộc đời, đó chính là lứa tuổi dậy thì, nên cha mẹ cần đặc biệt chú ý tới việc cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
* Về mặt tâm lý: giai đoạn này trẻ đã bắt đầu xâm nhập vào cuộc sống xã hội dưới mọi hình thức khác nhau như học hỏi, xem ti vi, sách báo…lúc này, gia đình và xã hội cũng nhìn trẻ đã trưởng thành hơn, vì vậy trẻ phải tự lập hơn.
Đồng thời, đây cũng là tuổi thường có thêm em nhỏ, nên tâm lý của trẻ sẽ có những chuyển biến quan trọng, phát sinh những nhận thức và hành động có thể gây ảnh hưởng quan trọng đến các hành vi dinh dưỡng sau này.
Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Cần cho trẻ ăn vào những giờ nhất định trong ngày, kể cả là bữa phụ |
- Các bậc phụ huynh nên đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến con của mình, cho trẻ ăn vào những giờ nhất định trong ngày, vừa dịu dàng nhưng cũng phải thật kiên quyết không nên nuông chiều những thói quen không hay trong bữa ăn của trẻ như vừa ăn vừa chơi điện tử, xem sách, ăn trễ giờ quy định hoặc thay bữa chính bằng các món ăn phụ.
Các mẹ nên cho trẻ tham gia vào công việc chuẩn bị bữa ăn, lựa chọn thực đơn nếu có thể. Đồng thời nên nhớ đánh giá cao những cố gắng của trẻ, cho dù đôi khi hình thức hoặc kết quả lại đi hoàn toàn ngược lại với ý muốn của cha mẹ.
- Trong bữa ăn chính, cần tránh các loại đồ ngọt, các thức ăn vặt. Cần phải phân biệt rõ ràng rằng các bữa ăn phụ không có nghĩa là có thể ăn vặt.
Cần đảm bảo bữa ăn của trẻ đủ các chất đạm, bột, đường, béo và rau, trái cây |
- Cần đảm bảo đầy đủ các nhóm thức ăn cơ bản trong bữa ăn của trẻ bao gồm: chất đạm, chất bột, đường, béo (dầu ăn, vừng lạc) kết hợp cùng các loại rau, trái cây.
- Sữa với giá trị dinh dưỡng cao được coi là một thức ăn phụ rất tốt cho trẻ ở mọi lứa tuổi. Theo khuyến cáo, 500ml sữa là con số mà tất cả mọi người không phân biệt trẻ em hay người lớn cần phải cung cấp cho cơ thể. Tuy nhiên, sữa không thể là thức ăn chính có thể thay thế các thức ăn cơ bản đã kể ở trên.
- Ở tuổi này, trẻ sẽ rất dễ bị các chứng bệnh có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống như viêm phế quản, viêm đường hô hấp, tiêu chảy… Để phòng ngừa các bệnh này, cha mẹ cần lưu ý giữ gìn cơ thể cho trẻ như giữ ấm, giữ vệ sinh cơ thể và răng miệng thật tốt.
Khi trẻ mắc bệnh, phải đưa trẻ đến bác sỹ khám bệnh và tuân thủ các chỉ định của bác sỹ. Lúc này, hệ tiêu hóa làm việc sẽ kém hơn nên trẻ có thể biếng ăn hơn so với ngày thường. Bạn nên chia các bữa ăn ra thành nhiều bữa nhỏ, hoặc bổ sung các món ăn nhẹ nhàng như cháo, súp. Sau mỗi đợt bị bệnh, cha mẹ nên bù lại năng lượng đã mất đi bằng cách tăng thêm bữa phụ cho trẻ.
Với những lưu ý về dinh dưỡng cho lứa tuổi tiểu học được chia sẻ ở trên, chắc chắn các bậc cha mẹ đã có cho mình cách bổ sung dinh dưỡng, cũng như cách chăm sóc cho trẻ nhà mình được tốt nhất.
Khuyên Vũ
Theo Tạp chí Sống Khoẻ
Chủ đề liên quan: