Sức khỏe hôm nay

Những lý do cha mẹ không nên cù lét trẻ em để chọc cười

Nhiều bố mẹ rất thích cù lét vào cơ thể của trẻ để kích thích trẻ vui cười, tuy nhiên người lớn nên biết giới hạn của những lần cù, tránh việc cù thái quá làm trẻ khó chịu, bực mình.

Sự tiếp xúc giữa cha mẹ và em bé qua những cử chỉ âu yếm, ôm ấp, vuốt ve là một điều vô cùng cần thiết để thắt chặt sợi dây tình cảm gia đình. Trong đó, nhiều bố mẹ rất thích cù lét vào cơ thể của trẻ để kích thích trẻ vui cười, tuy nhiên người lớn nên biết giới hạn của những lần cù, tránh việc cù thái quá làm trẻ khó chịu, bực mình.

Cù lét hay thọc lét là việc chạm vào một bộ phận cơ thể nhạy cảm (như nách, eo, gan bàn chân) để làm nhột hoặc gây cười. Phản ứng của hầu hết người bị cù đó là co rúm mình lại và cười. Tuy nhiên phản ứng cười này không đồng nghĩ với việc người bị cù lét sẽ thấy vui vẻ, thoải mái. Một khảo sát cho thấy chỉ 32% người tham gia khảo sát cho biết thích bị cù lét, 32% tỏ thái độ trung lập, và 36% nói họ không thích bị cù lét.

Hành động này tưởng chừng như vô hại, khiến các bé cảm thấy vui vẻ, nhưng thực chất là không hề. Bởi lẽ theo các nhà khoa học, cù nách có thể gây hậu quả xấu cho trẻ em. Dưới đây là lý do vì sao bạn không nên cù lét trẻ em:

Trẻ cười khúc khích không có nghĩa là chúng thích được cù lét

Trẻ em, đặc biệt là những bé có "máu buồn" - chỉ cần hơi chạm vào cổ, nách… là đủ làm cho bé cười lăn lộn. Thường thì bé không thể dừng cười khi bị ai đó cù lét cho dù không hề thích. Tiếng cười phản xạ này khiến cha mẹ cứ tưởng rằng trẻ thực sự thích thú, nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học California (Mỹ) vào năm 1997, cù lét không tạo ra cảm giác vui vẻ giống như khi ta nghe những câu chuyện hài hước, dí dỏm. Cù lét chỉ tạo ra ảo tưởng ở người đối diện rằng người bị cù đang cười vui sảng khoái.

Trẻ có thể không đủ sức nói với bạn: Hãy dừng tay

Cù lét có thể gây ra những tràng cười liên tiếp không thể kiểm soát. Nếu hành động cù lét tiếp diễn, có thể dẫn tới chỗ người bị cù không thể thở nổi, cũng như không thể thốt lên rằng họ đang trong tình huống nguy hiểm. Hành động bình thường khởi đầu với ý định "cho vui" rốt cuộc có thể đem lại biến chứng y khoa nghiêm trọng. Và tại sao lại cứ phải là cù lét mới vui trong khi có nhiều cách khác tốt hơn nhiều?

Trong quá khứ, cù lét từng được dùng để tra tấn

Trong lịch sử loài người, có không ít nền văn hóa sử dụng việc "cù" như một hình thức tra tấn. Như trong thời nhà Hán của Trung Quốc, đây là cách tra tấn dành cho quý tộc, vì nó không để lại dấu vết, trong khi nạn nhân có thể hồi phục nhanh chóng. Còn người Nhật, họ thậm chí còn có thuật ngữ riêng là "kusuguri-zeme" - có nghĩa "cù không khoan nhượng".

Nhà khoa học Vernon R. Wiehe từ ĐH Kentucky từng thực hiện một nghiên cứu trên 150 người trưởng thành có tuổi thơ bị bắt nạt bởi anh chị em trong nhà. Trong đó, rất nhiều người đề cập đến việc bị cù lét, và cho rằng việc này để lại ký ức xấu trong họ.

Nhiên nghiên cứu cho thấy cù lét có thể coi là một hình thức bạo hành thể xác, gây phản ứng sinh lý thái quá khiến nạn nhân có thể nôn, thậm chí mất nhận thức do không thể thở được.

Cù lét có thể gây ra vấn đề niềm tin suốt đời

Theo bác sĩ Alexander, việc cù lét dai dẳng với ai đó sẽ thực sự gây ra nỗi đau tinh thần rất lớn. Đôi khi nỗi đau này có thể kéo dài suốt đời.

Patty Wipfler, một chuyên gia nuôi dạy con cái và là người sáng lập, giám đốc của Tổ chức Hand in Hand nói rằng từ kinh nghiệm của cô, cù lét trong thời thơ ấu là nguyên nhân phổ biến cho những tổn thương cảm xúc ngay cả với người lớn. Cô ấy viết, trong nhiều năm cô nghe nhiều người lớn nói về những tổn thương cảm xúc trong cuộc sống của họ khi còn nhỏ, việc bị cù lét xuất hiện hết lần này đến lần khác như một trải nghiệm gây tổn thương.

Tình huống bị cù lét quá nhiều có thể khiến người đó cảm thấy bất an, không an toàn ngay cả khi ngủ hay khi những người không hề cù lét đến gần họ. Họ sẽ cảnh giác những đụng chạm thậm chí với cả người thương.

Làm sai lệch quyền tự chủ của trẻ

Việc cù lét trẻ cũng đồng nghĩa cha mẹ đã gửi một thông điệp sai lệch về quyền tự chủ cơ thể của trẻ. Nhiều người cho rằng đây là một suy nghĩ "làm quá" nhưng thực chất lại rất hợp lý.

Cha mẹ có trách nhiệm dạy con từ khi còn rất nhỏ rằng đứa trẻ và chỉ có đứa trẻ là người có quyền điều khiển cơ thể chúng, không ai khác có quyền chạm vào con, có quyền điều khiển cơ thể con cười hay khóc mà không có sự cho phép của con.

Hãy tôn trọng con ngay từ những động chạm ở mức độ đơn giản nhất để nếu bé có ở trong một tình huống bị lạm dụng, con cũng có thể nhận ra rằng những gì người lớn đang làm là rất sai.

Một số nguy hại khác từ trò cù lét trẻ em:

Ám ảnh, hãi và ảnh hưởng đến tinh thần như kiểu bị tra tấn.
Tim đập nhanh, khó thở và trẻ mệt nếu cha mẹ chơi trò này.
Những nguy cơ ngạt thở nếu vừa trùm mềm vừa cù lét.
Chưa kể những rủi ro như té ngã, nôn ói hoặc chấn thương phần mềm.

Ánh Dương

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nhung-ly-do-cha-me-khong-nen-cu-let-tre-em-de-choc-cuoi-27567/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY