Sau 3 năm vừa xây dựng vừa tìm nguồn vốn, đến năm 2018, xã hưng phúc (h.hưng nguyên) khai trương chợ đồng vàng ở trung tâm xã, sát tỉnh lộ 547.
Đây là chợ quy hoạch xã nông thôn mới, kinh phí hơn 5 tỉ đồng. Những tưởng chợ sẽ đông đúc, nào ngờ chỉ sau 4 ngày khai trương, chợ đã tan rã. Đình chợ và 18 ki ốt cùng không gian rộng hơn 2.000 m2 phải bỏ không.
Năm 2019, UBND xã Hưng Phúc vận động các tiểu thương đến khai trương chợ lần 2 với tuyên bố không thu phí chợ mà còn hỗ trợ mỗi tiểu thương từ 200.000 - 1 triệu đồng. Thế nhưng, chợ duy trì được 3 ngày thì tan. Năm 2020, chợ lại được tái họp và dự tính duy trì vào buổi chiều, nhưng cũng chỉ được vài ngày rồi lại phải đóng cửa.
“Chúng tôi đã làm hết cách, người bán thì có nhưng không có người mua nên tiểu thương phải bỏ đi”, ông Hồ Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc, nói.
Mặc dù được xây dựng thoáng đãng, rộng rãi và vị trí rất thuận lợi nhưng chợ đồng vàng vẫn không cạnh tranh được với chợ cóc tự phát cách đó chưa đầy 1 km thuộc xã hưng thịnh. ubnd h.hưng nguyên đã yêu cầu xã hưng thịnh dẹp bỏ chợ cóc để dồn về chợ đồng vàng, nhưng vẫn chưa dẹp được.
Ông hồ văn đề cũng thừa nhận, ngoài thói quen thích chợ cóc, nhu cầu buôn bán của người dân trong xã không nhiều, trong khi xã châu nhân kề bên đã có chợ. hiện nay, một số ki ốt đã được thuê làm nơi chế biến vật liệu, đình chợ đồng vàng vẫn bỏ không, còn xã đang nợ nhà thầu hơn 1 tỉ đồng vốn đối ứng. “hiện xã hy vọng sẽ dẹp được chợ cóc ở xã hưng thịnh để người dân vào chợ mới, nếu không cũng phải tính đến phương án chuyển mục đích chợ”, ông đề cho biết.
Xây xong từ 3 năm qua, chợ Hưng Đông (xã Hưng Đông, TP.Vinh) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chợ có diện tích 3.600 m2, gồm 1 đình chính, 2 dãy ki ốt và các công trình phụ trợ, kinh phí 5,7 tỉ đồng. Năm 2018, chợ xây xong, nhưng sau lễ khai trương thì đóng cửa vì không ai đến. Hiện khu đình chính vẫn cửa đóng then cài. Một số ki ốt bên ngoài chợ hoạt động nhưng rất vắng vẻ.
Ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, cho biết xã đã làm nhiều cách, kể cả tổ chức các hội chợ, giao cho mỗi tổ chức, đoàn thể xã 1 gian hàng để duy trì hoạt động của chợ, nhưng chỉ sau 2 - 3 ngày hết hội thì chợ lại tan. Nguyên nhân, do giáp ranh xã có nhiều chợ, người dân đã quen với các chợ này, không muốn vào chợ mới. “Chúng tôi đang chờ sau khi khu đô thị mới ở phía sau chợ hình thành, dân cư đông đúc lên, chợ sẽ hoạt động được”, ông Tấn nói.
Tại xã miền núi Châu Bình (H.Quỳ Châu), chợ Cô Ba được xây dựng hơn 2 tỉ đồng và đã hoàn thành từ vài năm trước. Thế nhưng, chợ vẫn đang bỏ hoang do nhu cầu mua bán còn ít, người dân thích chợ cóc hơn chợ mới.
Chợ Hưng Đông sau 3 năm khai trương vẫn cửa đóng then cài |
Nằm trong quy hoạch xây chợ nông thôn mới, năm 2013, xã Nam Thái (H.Nam Đàn) cũng xây chợ. Chợ được xây bên con đường liên xã với kinh phí 4 tỉ đồng. Sau khi xây xong đình chính và 2 dãy ki ốt, nhà thầu đã ứng 1,9 tỉ đồng và công trình bị bỏ dở cho đến nay.
Ông Văn Bá Hòa, Chủ tịch UBND xã Nam Thái, cho biết xã chỉ có 4.200 người, ở rải rác trong khi 3 xã giáp ranh đều đã có chợ, nên nếu xây chợ cũng sẽ khó thu hút người đến buôn bán. “Xã đã đề nghị huyện bỏ chợ này. 1,9 tỉ đồng nhà thầu đã ứng vẫn chưa thể quyết toán. Chúng tôi đang đề nghị huyện hướng dẫn để quyết toán vì hiện không biết chủ thầu đang ở đâu”, ông Hòa nói.
Theo đề án quy hoạch chợ được ubnd tỉnh nghệ an phê duyệt năm 2015, đến năm 2020, nghệ an có 477 chợ, trong đó dự kiến xây mới 169 chợ (xây trên nền chợ tạm là 97 chợ, phát triển thêm 72 chợ vị trí mới); đến năm 2025 sẽ có 535 chợ, trong đó xây mới 58 chợ. theo tìm hiểu của pv, sau khi bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới được điều chỉnh không nhất thiết phải có chợ, một số huyện đã phải điều chỉnh lại quy hoạch chợ nông thôn mới, trong đó một số chợ đã phải bỏ để tránh lãng phí.