Trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, khoảng 230mg/kg măng củ.
Khi người ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide ngay lập tức biến thành acid cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể và gây ngộ độc.
Mỗi cân măng củ có khoảng 230mg cyanide, có thể gây tử vong ngay tức thì cho hai đứa trẻ hơn một tuổi. Khi luộc sôi khoảng 12 giờ, hàm lượng cyanide vẫn còn khoảng 160mg trong mỗi cân.
Nhưng nếu luộc và ngâm nước lâu ngày, khi măng đã ngả màu vàng và mùi chua, thì hàm lượng Cyanide chỉ còn chưa đầy 9mg trong mỗi kg.
Để tránh ngộ độc khi ăn măng, cách tốt nhất là phải luộc măng thật kỹ, khi luộc thay nước nhiều lần, ngâm măng đủ thời gian trước khi sử dụng.
Những người "cấm kỵ" không được ăn măng:
Phụ nữ đang mang thai
Trong măng có chứa khá nhiều độc tố, nguy hiểm nhất là glucozit, thành phần này sẽ sinh ra acid xyanhydric.
Khi vào dạ dày, glucozit bị phân hủy với tác dục của men tiêu hóa, chất chua trong dạ dày; sau đó acid xyanhydric sẽ bị đẩy ra ngoài dưới dạng dịch nôn. Nếu acid bị đẩy ra ngoài tức là cơ thể không chịu nổi chất độc.
Đã có không ít mẹ bầu bị ngộ độc măng nhiều mức độ. Các dạng ngộ độc măng là: nôn, đau bụng, đau đầu gần giống hiện tượng ngộ độc sắn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp với thai nhi.
Trẻ em
Axit oxalic trong măng tươi ảnh hưởng đến việc hấp thu và tận dụng canxi, kẽm của cơ thể. Do đó, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển không nên ăn loại thực phẩm này để tránh bị thiếu canxi, kẽm dẫn đến chậm phát triển.
Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng
Măng tươi rất giàu chất xơ. Theo Đông y, loại thực phẩm này có tính hàn, khó tiêu hóa nên những người mắc bệnh loét dạ dày và tráng tràng, viêm dạ dày, xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản, không nên ăn nhiều để tránh làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
Người bị bệnh thận
Bệnh thận đôi khi là do vi khuẩn streptocoques gây nên. Nhưng thông thường là do những bệnh khác ảnh hưởng đến thành mạch máu làm tổn hại đến thận, như bệnh cao huyết áp và bệnh đái tháo đường.
Khi bị bệnh thận, chế độ ăn uống cần được chú ý đặc biệt. Măng tây, măng tre là thực phẩm giàu canxi không có lợi cho bệnh thận mãn tính và suy thận.
Người bị bệnh gút
Người bị bệnh gút không nên ăn măng. Khi bị bệnh gút, bạn cần phải cẩn trọng với chế độ ăn vì có thể làm tăng lượng acid uric trong máu, làm bệnh gout trở nên trầm trọng hơn.
Các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như: măng tre, măng trúc, măng tây sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể, vì thế bệnh nhân gút cần tránh.
Trên đây là những người tuyệt đối không được ăn măng tươi dù món ăn này rất ngon. Hãy thận trọng để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Chuyên gia nhấn mạnh, khi ăn măng cần hết sức chú ý phân biệt đúng măng sạch và măng ngâm hóa chất, tránh rước họa vào thân. Bạn có thể nhận biết thông qua một số mẹo hay sau:
Màu sắc: Đây là cách nhận biết tương đối đơn giản và dễ dàng nhất, măng ngâm hóa chất thường có màu trắng toát hoặc ngả vàng do màu thực phẩm. Còn măng ngâm muối thông thường màu thường xỉn và hơi thâm.
Độ giòn: Bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng ngón tay để nhấn vào 1 búp măng nhỏ. Măng ngâm muối thường dai, dẻo hơn, còn măng hóa chất sẽ giòn và dễ gãy.
Độ bóng: Măng không ngâm hóa chất thường nhìn sẽ xơ hơn, còn măng ngâm hóa chất có độ bóng bắt mắt và không bị các đốm thâm, mốc.
Mùi hương: Măng không ngâm hóa chất sẽ còn giữ được mùi thơm đặc trưng, trong khi đó măng ngâm hóa chất thường có mùi khen khét do được ngâm trong lưu huỳnh.
Chế biến măng tươi theo những cách sau đây:
- Ngâm nước sạch qua đêm: Khi mua măng tươi về, bạn nên bóc hết bẹ lá măng. Sau đó rửa sạch và có thể cắt lát hay xé nhỏ thành sợi và đem ngâm vào nước sạch qua đêm.
Làm như vậy, bạn sẽ tống khứ được bớt độc tố. Sau đó, chỉ cần rửa lại và vắt kiệt nước trước khi chế biến.
- Luộc nhiều lần: Sau khi mua măng tươi về, bạn bóc lớp lá bên ngoài rồi bỏ vào nồi nước luộc nhiều lần.
Khi luộc xong, bạn mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được. Mỗi ngày, bạn thay nước vo gại 2 lần.
Nếu không có nước vo gạo, bạn có thể luộc nhiều lần và tráng ra nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Khi thấy măng mềm nghĩa là chất đắng cũng đi hết, lúc đó mới đem chế biến món ăn.
- Luộc cùng với rau ngót: Đây là một mẹo mà nhiều bà nội trợ chưa biết. Măng hái về bóc vỏ, cắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần.
Khi măng chín, chắt hết nước nóng đi, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể chế biến.
- Luộc măng tươi cùng với nước gạo và ớt bỏ hạt: Sau khi mua về, trút bỏ vỏ măng và cho vào nồi nước gạo để luộc. Cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt.
Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Khi măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch, bạn có thể đem chế biến món ăn.
- Ngâm với nước vôi trong: Với các loại măng độc, măng đắng nên ngâm bằng nước vôi trong; luộc bỏ vài lượt để bỏ bớt những nước đầu cho tới khi thấy nước trong rồi mới đem chế biến.
Trong khi luộc hoặc chế biến thức ăn nên mở vung cho chất độc bay hơi hết.
Phong Vũ
Theo tạp chí Sống khỏe
Chủ đề liên quan: