Con đường vào Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Hà Nam (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) gập ghềnh, thanh vắng. Nếu cơ sở cũ của vốn đã cách xa khu dân cư thì cơ sở mới đưa vào đầu năm 2019 càng xa hơn, thậm chí, chưa có biển tên.
Ông Đỗ Văn Kính là một trong 60 bệnh nhân phong điều trị tại đây. Như nhiều người khác, cụ ông 85 tuổi này phát hiện bệnh từ khi còn trẻ, ban đầu chỉ với những dấu hiệu như tê cánh tay, đỏ bừng mặt mũi.
Không vợ con, trong khi họ hàng, người thân sợ lây bệnh, hàng xóm kỳ thị, "không còn cách nào khác", người đàn ông ấy đã gắn bó cả đời với bệnh viện dưới chân núi này từ khi viện mới thành lập (giai đoạn 1968-1972).
"Không được giao lưu tình cảm gì với ai. Bệnh đau thể xác thì ít mà đau tinh thần thì nhiều" - ông Kính trầm ngâm.
Vào Bệnh viện Phong và Da liễu Hà Nam, ông Kính và nhiều bệnh nhân khác được chăm sóc, có nơi ăn, chốn ở, nhất là từ khi sang cơ sở mới sạch sẽ, gọn gàng hơn. Từ chỗ mấy trăm nghìn, giờ mỗi năm ông được trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng.
"Chỉ thế là đủ, chúng tôi có ra ngoài, có mua sắm gì nhiều nhặn đâu. Các bác sĩ đã nuôi hết, chăm sóc hết rồi" - ông lão mất gần hết răng, phải đeo răng giả, run rẩy quay sang nói với bà Trần Thị Lan, cũng là một bệnh nhân trong khu điều trị này.
Nhờ được chăm sóc, điều trị và có cuộc sống thoải mái, vui vẻ nên các bệnh nhân phong như bà Lan có tuổi thọ cao và cuộc sống chất lượng
Bà Lan 70 tuổi, vào đây từ hơn 20 năm trước. Được điều trị, bệnh phong của bà đã khỏi nhưng những bệnh mãn tính tuổi già lại tấn công. Bà thường xuyên viêm khớp, nhức mỏi.
"Nhưng điều động viên nhất là vào đây, mỗi người một nơi sinh nhưng ai cũng đồng cảnh ngộ" - bà Lan nói.
Bà kể, người ở quê Bình Lục của bà khi biết bà bị bệnh, sợ đến nỗi không ai dám đi qua ngõ nhà bà. Ngôi nhà bà từng ở khi xưa giờ cũng không còn ai ở đấy. Từ ngày vào viện đến nay, bà Lan, ông Kính hay nhiều người khác, hoạ hoằn lắm mới có người đến thăm nom.
BS Trần Văn Tuyển, Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Hà Nam chia sẻ, trong số hơn 60 bệnh nhân ở đây, người nhiều tuổi nhất hơn 100 tuổi, người ít tuổi cũng đã ngoài 60. Có người chân tay đã cụt vì di chứng bệnh phong.
GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc Bệnh viện bắt tay, thăm hỏi, động viên các bệnh nhân tại Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Hà Nam.
Nhiều người coi đây là nhà, sống rồi về với tổ tiên cũng ở đây. Thậm chí, không ít người đến điều trị, nên duyên vợ chồng vì đồng cảnh ngộ.
Ngày Tết, ông Kính, bà Lan và nhiều người đã thôi mong ngóng người thân, người quen đến thăm nom. "Khó lắm" - ông Kính nói. Vậy nên khi có đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu Trung ương do GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc Bệnh viện tới thăm, tặng quà Bệnh viện và bệnh nhân dịp Tết Canh Tý 2020, ai nấy đều vui.
"Chúng tôi mong mãi đấy! Cứ lấy một đợt có các bác sĩ Trung ương về thăm là biết một năm đã qua đi, Tết sắp đến rồi", bà Lan chia sẻ.
Trong góc căn nhà nhỏ ở Trại phong Văn Môn - Bệnh viện Da liễu Thái Bình (xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), cụ Nguyễn Đỗ Ích lại dùng chính ngôi bàn tay co quắp, mất đi nhiều ngón vì di chứng bệnh phong, cần mẫn chăm bẵm cho cụ bà Nguyễn Thị Lỉnh - vợ ông.
Cụ Ích đã 91 tuổi, còn cụ Lỉnh tàn tật nằm một chỗ. Hai mảnh đời ấy đã nương tựa, bấu víu vào nhau trong những tháng ngày ở trại phong này.
Ở một gian nhà khác, ông Trần Hữu Hoà cùng vợ - cũng là một bệnh nhân phong - mong mỏi một cái Tết ấm áp.
Họ đã cùng nhau trải qua 60 cái Tết trong trại phong. Tết đến, mọi người đến tặng quà, ủng hộ, chia sẻ, có người trò chuyện, những cụ ông, cụ bà nơi đây lại hi vọng về một cái Tết ấm áp hơn.
Đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu Trung ương trao quà cho bệnh nhân tại trại phong Văn Môn, Thái Bình
Nói chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương trong chuyến thăm của lãnh đạo bệnh viện tại Trại phong Văn Môn cuối tuần qua, ông Hoà ước giá mà đi chợ được, mua được hoa đào, giấy đỏ để trang trí trong phòng cho có không khí Tết. Nhưng chân tay đau, bệnh tuổi già, ước muốn ấy khó thành hiện thực.
Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay hiện cả nước có 2.000 bệnh nhân đang sống ở 36 khu điều tri phong và làng phong. Đây là những bệnh bị phong, điều trị khỏi nhưng cần chăm sóc tàn tật về y tế. Số bệnh nhân đã điều trị khỏi, trở về cộng đồng hơn 2 vạn người.
Những năm gần đây, nhờ công tác tuyên truyền, phát hiện sớm, tiến tới loại bỏ bệnh, số bệnh nhân phong mới phát hiện trên cả nước giảm dần từng năm. Nếu năm 2016 có 178 bệnh nhân mới thì năm 2019, chỉ còn dưới 100 người, tập trung nhiều ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
Bệnh phong là một bệnh lý nhiễm trùng tiến triển mạn tính do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất cũng như tinh thần của bệnh nhân, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây nên tình trạng tàn tật nặng nề cho người bệnh. Đây là bệnh khó lây, ít lây. Nếu điều trị sớm, bệnh có thể cắt nguồn lây, và tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao.