Kinh tế xã hội hôm nay

Những que diêm sưởi ấm lòng người giữa mùa COVID-19

(MangYTe) Giữa những ngày giãn cách xã hội, trên mỗi con đường, góc phố đã vắng hơn những người qua lại nhưng dường như vẫn không hề thiếu đi sự tử tế, tốt bụng.

Bnews Giữa những ngày giãn cách xã hội, trên mỗi con đường, góc phố đã vắng hơn những người qua lại nhưng dường như vẫn không hề thiếu đi sự tử tế, tốt bụng.

Dịch COVID-19 xuất hiện đã tác động đến hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, kéo theo đó là nhiều lao động bị giảm thu nhập, thậm chí là mất việc, nhiều người vốn đã khó nay lại càng khó hơn.
Giữa muôn vàn khó khăn ấy, tinh thần "tương thân tương ái", truyền thống "lá lành đùm lá rách" đã được phát huy với nhiều sáng kiến thiết thực, hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, người già neo đơn, người vô gia cư, không có thu nhập trên khắp cả nước.

* Sáng kiến "cây ATM" gạo

Người dân xếp hàng nhận gạo miễn phí từ "ATM gạo" đầu tiên tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN

Đặc biệt ấn tượng và khiến truyền thông trong nước cũng như quốc tế không khỏi ngỡ ngàng và không ngớt lời khen ngợi phải kể tới sáng kiến về chiếc "ATM gạo".
Xuất hiện lần đầu tiên tại Tp. Hồ Chí Minh và đang tiếp tục lan rộng tới nhiều tỉnh, thành phố trên dải đất chữ S, "ATM gạo" là thiết bị phát gạo tự động. Tại đó, người dân chỉ cần bấm nút hoặc giơ tay trước thiết bị cảm ứng, gạo sẽ tự động chảy ra. Tùy từng điểm mà lượng gạo được "rút" mỗi lần từ 1-3kg.

"ATM gạo" tại Hà Nội với mỗi lần "rút" lên đến 3 kg gạo. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Đánh giá về sáng kiến này, đài truyền hình CNN của Mỹ ngày 13/4 chạy dòng tin “một chiếc máy cho ra gạo miễn phí - một điều khó tin - nhưng những chiếc ATM gạo như thế đã được lắp đặt tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam để hỗ trợ cho người gặp khó khăn trong dịch bệnh”.
Trên mạng Twitter, nhà văn Mỹ Marianne Williamson của Mỹ dẫn bài báo ca ngợi sáng kiến "ATM gạo" tại Việt Nam trên CNN và khẳng định: “Đây là ý tưởng mà chúng ta nên thực hiện. Hàng triệu người Mỹ đang thiếu ăn và đang tuyệt vọng mỗi ngày”.

Người dân nhận gạo tại “ATM gạo nghĩa tình” tại Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Hãng tin Reuters của Anh ngày 13/4 dẫn lời bà Nguyễn Thị Ly, 34 tuổi có chồng bị mất việc làm do ảnh hưởng của mùa dịch trong khi phải nuôi 3 đứa con nhỏ, nói: “Chiếc ATM gạo này rất hữu ích. Với một túi gạo này, gia đình có thể đủ ăn cho một ngày”.
Cho đến nay, "ATM gạo" đã có mặt tại Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Bình Thuận, Cần Thơ, Long An, Cà Mau, Đắk Lắk... Nhiều nhà hảo tâm đã liên tục chở gạo đến hỗ trợ, cùng chung tay đóng góp vào "ngân hàng" đặc biệt này để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều cá nhân chở gạo đến "ATM gạo" để ủng hộ cho người dân nghèo. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

* "Nếu khó khăn xin hãy lấy một phần"

Không chỉ có gạo, những phần thức ăn đơn giản như mì tôm, bánh mỳ, trứng hay nước mắm, dầu ăn... đang xuất hiện ngày một nhiều trên từng con phố, ngõ hẻm, kèm lời nhắn: "Nếu khó khăn xin hãy lấy một phần".

Người dân nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn đến lấy hàng miễn phí. Ảnh: Quang Đán - TTXVN

Những phần thực phẩm này được phát miễn phí chủ yếu cho người già, người vô gia cư, người bán vé số.... Hầu hết trong số họ lâu nay vẫn sống nhờ vào tiền vé số bán được mỗi ngày. Giờ thực hiện giãn cách xã hội, dịch vụ xổ số tạm dừng, chưa tính đến việc dành dụm gửi tiền về quê cho gia đình thì việc kiếm ăn từng bữa cũng trở nên rất khó khăn.

Điểm phát lương thực gạo, mỳ tôm trứng tại số nhà 31 Lương Khánh Thiện, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Gần đây nhất, một nhóm nghệ sĩ tình nguyện nấu cháo, gói quà để phát cho những người vô gia cư trong 15 ngày cách ly xã hội phòng dịch COVID-19. Cứ mỗi buổi chiều, nhóm này lại mang nồi cháo cùng quà bánh ra góc đường để phát cho người nghèo khi đi ngang qua.
Chi phí để chuẩn bị những suất cháo và quà này đều do những người trong nhóm góp lại. Sau đó, nhiều người cũng góp thêm gạo hoặc tiền để nhóm duy trì hoạt động.

Một điểm phát tặng nhu yếu phẩm của Ngân hàng SeABank

* Siêu thị hạnh phúc 0 đồng

Cũng nhằm mục đích hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn những nhu yếu phẩm thiết yếu, chuỗi “Siêu thị hạnh phúc 0 đồng” đã được mở tại 8 điểm trên 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Huế, Phú Yên).

Người nghèo nhận hàng hóa và khẩu trang miễn phí tại "Siêu thị hạnh phúc" ở Phú Yên. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Tại đây, gạo, trứng gà, dầu ăn, đường và một vài nhu yếu phẩm thiết yếu khác được bày như trong một siêu thị bình thường nhưng lại tặng miễn phí cho người nghèo. Nhân viên siêu thị sẽ hỗ trợ chọn những nhu yếu phẩm tùy theo nhu cầu của từng người, miễn sao đảm bảo tổng hàng hóa trị giá 100.000 đồng/người.
Công ty Apec Group, đơn vị chủ quản của chuỗi siêu thị đặc biệt này cho biết, sẽ duy trì siêu thị cho đến khi hết dịch COVID-19.

Khách hàng nhận hàng tại siêu thị 0 đồng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

* Tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

Bên cạnh những hoàn cảnh khó khăn, còn có biết bao "anh hùng" đang ngày đêm thầm lặng chiến đấu không biết mệt mỏi với đại dịch COVID-19 vì một chiến thắng không xa của Việt Nam. Họ chính là các y, bác sĩ, các cán bộ y tế, các tình nguyện viên, chiến sĩ đang có mặt tại những điểm nóng, những nơi được coi là tâm dịch, ổ dịch.

Với trăn trở cần phải làm gì đó để góp phần cùng xã hội phòng chống dịch, cô giáo Phạm Thị Hồng Vân (giáo viên Trường Trung học cơ sở Trần Mai Ninh, thành phố Thanh Hóa) đã mua nguyên liệu và tự tay làm hơn 400 tấm chắn ngăn giọt bắn gửi tặng các đơn vị, những người đang ở tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Sản phẩm tấm ngăn giọt do cô Vân làm ra được gửi đến Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 (Bỉm Sơn- Thanh Hóa), nơi tiếp nhận công dân cách ly tập trung. Ảnh: Khiếu Tư -TTXVN

Đây thực sự là việc làm ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội.

Cùng tinh thần trên, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ủng hộ các sản phẩm dinh dưỡng cho các đơn vị tuyến đầu của Trung ương đang trực tiếp chống dịch COVID-19. Tính đến nay, Vinamilk đã ủng hộ gần 15 tỷ đồng thông qua nhiều hoạt động tiếp sức cho hơn 4.000 cán bộ, y bác sỹ, chiến sỹ tuyến đầu chống dịch của Trung ương và các tỉnh, thành trên cả nước.

Ngày 16/4 Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đã trao tặng 70.000 khẩu trang y tế 3 lớp và 9.000 kính chống giọt bắn cho hai bệnh viện tuyến đầu ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Cùng chung tay "Lan tỏa yêu thương", Công ty Gemini ngày 17/4 đã chuyển hơn 500 ly nước yêu thương trong tổng số 10.000 ly nước tiếp sức tới y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hoạt động này sẽ được Gemini thực hiện đều đặn 3 lần/tuần trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch.

Đại diện Công ty Gemini Coffee trao tặng đồ uống cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Giữa những ngày giãn cách xã hội, trên mỗi con đường, góc phố đã vắng hơn những người qua lại nhưng dường như vẫn không hề thiếu đi sự tử tế, tốt bụng.
Mỗi hành động dù nhỏ hay lớn, dù là cá nhân tự phát hay có sự tổ chức chuyên nghiệp đều đang trở thành những que diêm, bật lên mơ ước, bật lên lạc quan, sưởi ấm lòng người vượt qua những khó khăn giữa những ngày dịch bệnh này.

>>>Hà Nội tổ chức 6 điểm phát thực phẩm miễn phí cho người khó khăn

Mạng Y Tế
Nguồn: BNews (https://bnews.vn/nhung-que-diem-suoi-am-long-nguoi-giua-mua-covid-19/154283.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY