Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Những sa mạc vaccine Covid-19

Tại bệnh viện nhỏ ở thủ đô của Chad, nơi bác sĩ Oumaima Djarma làm việc, mọi người không tranh luận vaccine Covid-19 nào tốt nhất, vì ở đây không có vaccine.

Chad là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới, nơi một phần ba lãnh thổ là sa mạc Sahara. Ngay cả nhân viên y tế tuyến đầu như cô cũng không có vaccine.

"Tôi thấy điều này thật bất công, nó khiến tôi đau lòng. Tôi thậm chí không được lựa chọn. Vaccine đầu tiên chuyển đến, tôi sẽ tiêm luôn", nữ y tá 33 tuổi nói.

Trong khi các quốc gia giàu mua gom vaccine, nhiều nước nghèo vẫn đang giành giật để có đủ số liều tiêm cần thiết. Số ít, như Chad, chưa có bất kỳ liều nào.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết gần 10 quốc gia, phần nhiều ở châu Phi, vẫn mòn mỏi chờ đợi vaccine. Bên cạnh Chad, các khu vực xếp cuối trên bản đồ tiêm chủng là Burkina Faso, Burundi, Eritrea và Tanzania.

Hôm 8/5, WHO cảnh báo: "Sự chậm trễ và thiếu nguồn cung khiến các nước châu Phi tụt lại phía sau trong chiến dịch tiêm chủng. Lục địa chỉ có 1% lượng vaccine toàn thế giới".

Gian Gandhi, điều phối viên chương trình tiêm chủng công bằng Covax, cho biết biến thể dễ xuất hiện hơn tại những nơi không có vaccine. "Vì vậy, chúng ta nên lo lắng về tình trạng khan hiếm vaccine ở bất cứ nơi nào trên thế giới", ông nói, đồng thời kêu gọi các nước thu nhập cao tặng vaccine cho những quốc gia thu nhập thấp.

Nhân viên y tế tại bệnh viện tỉnh Farcha, Chad, vận chuyển thiết bị điều trị người mắc Covid-19, ngày 30/4. Ảnh: AP

Số người mắc Covid-19 ở châu Phi thấp hơn so với những điểm nóng dịch bệnh, song dữ liệu thống kê có thể thiếu sót. Đây là một trong những khu vực thiếu hụt trang thiết bị y tế để xét nghiệm, truy vết.

Chad chỉ xác nhận 170 ca Tu vong kể từ khi dịch khởi phát. Song nỗ lực ngăn chặn hoàn toàn virus tại đây còn mơ hồ. Dù đã đóng cửa biên giới, đất nước vẫn có các ca nhập cảnh trái phép. Bệnh viện tỉnh Farcha nằm ở khu dân cư xa xôi, nơi lạc đà được thả rông gặm cỏ. Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã hỗ trợ cung cấp oxy và 13 máy thở. Bác sĩ có nhiều khẩu trang N95 và nước rửa tay từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa ai được tiêm phòng, không rõ khi nào đất nước mới triển khai chương trình vaccine.

Oumaima Djarma cho rằng điều này dễ chấp nhận trong thời kỳ đầu dịch, vì cả thế giới đều thiếu vaccine. Song đến nay, nguồn cung đến phương Tây dồi dào hơn nhiều.

"Khi nghe nói các nước đã tiêm hết cho nhân viên y tế và người cao tuổi, bắt đầu mở rộng sang những nhóm khác, tôi rất buồn. Tôi hỏi liệu họ có thể cung cấp cho cho y bác sĩ tại đây hay không. Tất cả mọi người đều ch*t vì căn bệnh này, dù giàu hay nghèo. Ai cũng cần có cơ hội tiêm chủng, đặc biệt những người dễ nhiễm virus nhất", cô nói.

Covax được Liên Hợp Quốc sáng lập nhằm giúp các nước thu nhập thấp, trung bình được tiêm chủng. Tuy nhiên, một số quốc gia, trong đó có Chad, lo ngại vaccine của chương trình không đủ hiệu quả trên biến thể Nam Phi.

Chad dự kiến nhận các liều Pfizer đầu tiên vào tháng tới nếu đủ tủ đông y tế. Vaccine Pfizer cần bảo quản ở nhiệt độ -80 độ C, trong khi nước này có nền nhiệt ban ngày là 43,5 độ C.

Ấn Độ đã giảm nguồn cung vaccine toàn cầu vì làn sóng Covid-19 thảm khốc. Ông Donald Brooks, giám đốc điều hành nhóm viện trợ Initiative Eau của Mỹ, cho biết: "Hiện nay, với tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và động thái hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ, các nước như Burkina Faso thậm chí phải chờ đợi lâu hơn nữa".

Bác sĩ tại bệnh viện tỉnh Farcha, Chad, đo nhiệt độ một bệnh nhân Covid-19, ngày 30/4. Ảnh: AP

Nhân viên y tế ở Burkina Faso không rõ vì sao chính phủ chưa mua được vaccine. Chivanot Afavi, y tá tuyến đầu, cho biết: "Chúng tôi muốn tiêm phòng giống các đồng nghiệp trên thế giới. Chẳng ai biết căn bệnh này sẽ thế nào trong tương lai".

Ở Haiti, quốc gia nghèo nhất bán cầu Tây, chưa ai trong số 11 triệu dân được tiêm chủng. Đất nước dự kiến nhận 756.000 liều vaccine AstraZeneca thông qua Covax. Song chính phủ cho biết họ không đủ cơ sở hạ tầng để bảo quản, lo ngại sẽ bỏ phí vaccine. Giới chức cũng e dè đối với tác dụng phụ tiềm ẩn, cho biết họ muốn dùng vaccine một liều hơn.

Một số quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương cũng chưa nhận được bất kỳ loại vaccine nào. Vanuatu, với 300.000 dân, đang chờ những liều AstraZeneca đầu tiên vào cuối tháng này. Đến nay, quốc gia chỉ ghi nhận 3 ca nhiễm nCoV, chương trình tiêm chủng đối với người dân chưa thực sự cấp thiết.

Tại bệnh viện Farcha ở Chad, 9 nhân viên y tế đã nhiễm nCoV, trong đó có Mahamat Yaya Kichine, một bác sĩ tim mạch. Ông nói: "Gần 14 ngày tôi mới được chữa khỏi. Có rất nhiều y bác sĩ nhiễm bệnh. Nếu có vaccine, công việc của chúng tôi dễ dàng hơn".

Thục Linh (Theo AP)

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/nhung-sa-mac-vaccine-covid-19-4276359.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY