Lợi ích không ngờ của việc súc miệng bằng nước muối
Từ xa xưa, nước muối đã được sử dụng như phương thức để vệ sinh răng miệng. Muối là nguyên liệu dễ mua và ai cũng có thể làm dung dịch nước muối súc miệng đơn giản ngay tại nhà với vài bước đơn giản không tốn quá nhiều công sức và thời gian.
Các nghiên cứu cho thấy, muối thô với thành phần chủ yếu là natri clorua có thể hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trong nhiều loại thực phẩm vì muối hấp thụ các phân tử nước. Trong khi đó, vi khuẩn cần độ ẩm để phát triển nên chúng không thể sinh sôi nếu không có đủ nước.
Theo một bài báo công bố trên Tạp chí Nha khoa Anh năm 2003, thói quen súc miệng nước muối rất tốt nhờ tác dụng kiềm hóa. Điều này có nghĩa là nước muối làm tăng độ pH trong miệng, giúp ngăn chặn sự tăng sinh của vi khuẩn, do hầu hết các vi khuẩn đều thích môi trường axit.
Thói quen súc miệng nước muối cũng sẽ giúp chữa lành các vết loét trong miệng, loại bỏ mùi hơi thở, mang lại cho bạn hơi thở thơm mát tự nhiên. Súc miệng với nước muối sau bữa ăn trưa hoặc giờ nghỉ giải lao có thể giúp loại bỏ các vi khuẩn trong khoang miệng có thể gây viêm nướu và hôi miệng.
Súc miệng bằng nước muối cũng giúp loại bỏ chất nhầy tích tụ trong đường hô hấp và khoang mũi, giúp giảm viêm và giảm đau họng. Ngoài ra, nước muối loại bỏ vi khuẩn và vi rút gây nghẹt mũi.
Ngoài ra, dung dịch nước muối sẽ làm tăng lưu lượng máu đến miệng của bạn, do đó có thể giúp các vết xước hay loét hay trong miệng bạn mau lành hơn. Súc miệng nước muối cũng có thể giúp bạn mau hồi phục hơn sau phẫu thuật khu vực miệng.
Súc miệng nước muối đúng cách sẽ giúp hạn chế sự phát triển một số tình trạng răng miệng phổ biến. Chẳng hạn như bạn sẽ ít có khả năng bị viêm nướu hơn bởi nướu không bị sưng, viêm. Ngoài ra, bạn cũng hạn chế được nguy cơ sâu răng và đau họng và giảm các triệu chứng viêm amidan.
Đặc biệt, ngoài tác dụng ngăn ngừa bệnh nha khoa, thói quen súc miệng bằng nước muối ấm sẽ là một phương thuốc đơn giản mà hữu hiệu khi bạn bị đau họng. Nước muối giúp tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời mang thêm nhiều tế bào bạch cầu đến khu vực bị nhiễm trùng. Nếu bạn có công việc phải nói nhiều mà lại bị đau họng, cách súc miệng nước muối sẽ làm dịu dây thanh âm để bạn nhanh chóng lấy lại giọng.
Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản, súc miệng bằng nước muối ấm ba lần một ngày còn có thể làm giảm 40% nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Việc súc miệng bằng nước muối cũng giúp bạn chống lại không chỉ vi khuẩn Candida mà còn nhiều loại vi khuẩn nhiễm trùng miệng khác.
Những sai lầm khi súc họng bằng nước muối
Lợi ích của súc miệng bằng nước muối sinh lý là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong thực tế, việc dùng nước muối thế nào cho đúng không phải ai cũng biết.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Danh Đức – Chuyên khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Medlatec) cho biết, có không ít người bệnh, thậm chí cả người lớn phải nhập viện vì lý do súc miệng nước muối. Đa số các bệnh nhân khi nhập viện đều đã bị tổn thương niêm mạc miệng, thậm chí là loét họng.
Thạc sĩ Đức cho rằng, có không ít bệnh nhân giữ thói quen ngậm muối, súc miệng nước muối tự pha thật mặn vì nghĩ càng mặn càng có tác dụng tốt. Đây là cách làm thực sự nguy hiểm. Bởi tác hại ngay trước mắt chính là khi muối mặn vào miệng, họng sẽ bị tổn thương, trợt loét các tế bào niêm mạc họng, gây viêm họng, gặp vi khuẩn sẽ dễ dàng sinh ra nhiễm khuẩn. Ngoài ra, muối mặn tích tụ làm thừa muối cho cơ thể, từ đó gây ra các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, hạn chế hấp thụ canxi.
Theo các chuyên gia, nước muối sinh lý 0,9 % (với nồng độ 0.9 % -9 g muối trên 1.000 ml nước) là phù hợp nhất với cơ thể người. Khi pha tại nhà rất khó để ước lượng chính xác. Để súc miệng, bạn chỉ nên dùng lượng muối nhỏ pha loãng vào nước, tuyệt đối không ngậm trực tiếp muối hạt trong miệng. Bên cạnh đó, muối phải được diệt khuẩn làm sạch trước khi pha với nước để đảm bảo vô trùng, nên nước muối pha tại nhà thường không đạt đúng tiêu chuẩn. Do đó, tốt nhất bạn nên mua một chai nước muối sinh lý để súc miệng có bán tại các nhà thuốc. Còn nếu vẫn muốn dùng nước muối tự pha, bạn có thể áp dụng cách pha với tỷ lệ như sau: 1 lít nước đun sôi để nguội pha với 9 gam muối để có nồng độ 0,9%.
Cũng theo các chuyên gia, khi súc miệng ta nên chú ý đến thời gian súc miệng và súc miệng trước khi súc họng. Đó là ta súc miệng lâu khoảng 5 phút chứ không phải súc rồi nhả ra luôn.
Cụ thể, khi làm sạch họng, trước tiên cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối trong khoảng 30 giây để loại bỏ vi khuẩn ở miệng. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới nên súc họng.
Khi súc họng nên ngửa cổ ra sau. Khi nước muối chạm thành sau họng, dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu "khò khò" đều đặn kéo dài 3 – 4 phút, nhổ nước cũ đi có thể lặp lại động tác trên 3 - 4 lần với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa.
Đối với người bị viêm họng, nên cứ 3 giờ súc họng một lần, hoặc khoảng cách giữa hai lần súc họng có thể gần hơn. Điều quan trọng nhất là phải nhớ súc họng trước và sau khi ngủ. Với người hay đi tiểu đêm, cần phải súc họng cả trong những lần thức giấc này.
Đặc biệt, nhiều người có thói quen súc miệng bằng nước muối sau đó giữ nguyên vì nghĩ rằng như vậy có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế thì trong quá trình súc miệng nước muối đã làm sạch mảng bám và vi khuẩn trong khoang miệng rồi. Cần phải rửa trôi hết lượng nước muối cũng như mảng bám đã bong ra lúc súc miệng. Tối nhất là dùng nước lọc, đảo đều xung quanh khoang miệng để làm sạch các kẽ và chân răng.
Bên cạnh đó, nhiều người thường lười đi lấy nước ấm và lấy luôn nước lạnh để pha với muối súc miệng. Nhưng bạn có biết, súc miệng bằng nước ấm sẽ tốt hơn. Vì nước ấm sẽ hoàn toàn tốt hơn cho họng, răng và nướu của bạn
Quỳnh Hoa
Theo Tạp chí Sống khỏe
Chủ đề liên quan: