Sức khỏe hôm nay

Những sai lầm nghiêm trọng mẹ hay mắc phải khi cho trẻ ăn

Chăm sóc dinh dưỡng cho con là một điều không hề dễ dàng, vì vậy rất nhiều các bậc phụ huynh mắc phải những sai lầm trong cách cho con ăn và cần thay đổi ngay những thói quen này.

1. Bữa sáng không đầy đủ

Dù là người lớn hay trẻ em thì bữa sáng luôn là bữa ăn quan trọng nhất, bữa sáng giúp cung cấp năng lượng để bắt đầu ngày mới tràn đầy phấn khởi. Vì vậy, trẻ em cần có một bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng trước khi đến trường.

Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại quá đỗi bận rộn, nhiều lúc khiến các bậc cha mẹ đơn giản hóa bữa ăn sáng của trẻ. Nhiều người chỉ cho con uống sữa, ăn ngũ cốc hoặc bánh ngọt. Điều này càng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lẫn kết quả học tập của trẻ em.

Trẻ em nên ăn một bữa sáng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu năng lượng của chúng. Bữa sáng của bé cần phải chứa đủ chất xơ, chất béo, đạm và tinh bột. Một bữa ăn sáng thích hợp, đầy đủ năng lượng sẽ giúp trẻ em tăng sự tập trung, trí nhớ và cải thiện khả năng học hỏi, cũng sẽ ngăn ngừa béo phì.

2. Thiếu số bữa ăn

Việc chú trọng vào khẩu phần ăn, số lượng bữa ăn trong ngày là cực kì quan trọng để trẻ có thể phát triển khoẻ mạnh, thông minh toàn diện.

Mỗi ngày bé cần ăn đủ 3 bữa ăn chính, có thể bổ sung thêm 1-2 bữa phụ với các loại thực phẩm như sữa chua, váng sữa, bánh flan, trái cây... Điều này sẽ giúp bé đồng hóa tốt hơn các chất dinh dưỡng và ngăn ngừa béo phì.

3. Trẻ em ăn phần ăn của người lớn

Ở mỗi độ tuổi khác nhau thì nhu cầu về khẩu phần ăn cũng khác nhau, vì vậy không phải cứ muốn trẻ em phát triển khỏe mạnh là cho bé ăn nhiều hơn nhu cầu, bằng cả phần ăn của người lớn.

Đây là một sai lầm mà nhiều bố mẹ thường hay mắc phải. Trẻ em không có dạ dày và nhu cầu dinh dưỡng giống như người lớn.

Vì vậy, chỉ cho bé ăn khẩu phần phù hợp với lứa tuổi, cân nặng của mình. Tránh tình trạng cung cấp quá nhiều năng lượng làm cho bé bị thừa cân.

4. Ăn đồ vặt trước bữa chính

Nếu bé ăn 1 gói bim bim, 1 chiếc kẹo, que kem hay uống một lon nước ngọt... trước bữa ăn chính 1 giờ đồng hồ, sẽ khiến trẻ cảm thấy chán cơm, bỏ bữa. Bởi vì trong đồ ăn vặt, nhất là đồ ngọt, lượng đường huyết sẽ tăng cao trong máu dẫn tới tình trạng bé không muốn ăn cơm dù bụng chưa no lắm.

5. Thực phẩm chế biến sẵn

Hầu hết, nhiều trẻ em đều có sở thích đối với các sản phẩm chế biến công nghiệp. Các loại thực phẩm này rất giàu chất béo và phụ gia hóa học dễ gây nghiện.

Bố mẹ nên ngăn cản trẻ em ăn những thực phẩm chế biến sẵn này, thay vào đó có thể cho bé ăn bằng nhiều loại rau và trái cây khác nhau.

Để trẻ em có thể phát triển một cách khỏe mạnh, hãy đảm bảo cho bé một chế độ ăn uống cân bằng giàu đạm, tinh bột, vitamin, chất béo và khoáng chất.

6. Không cho bé ăn theo khẩu vị

Đối với những trẻ đã lớn từ 3 tuổi trở lên, bố mẹ nên tôn trọng sở thích khẩu vị của trẻ bằng cách hỏi xem trẻ thích ăn gì để thường xuyên đổi bữa cho con.

Nhiều bố mẹ thường có thói quen sai lầm là áp đặt dinh dưỡng cho con mà ít quan tâm tới khẩu vị của trẻ. Đơn giản một điều, trẻ cũng là một sinh vật, một con người nên cũng như người lớn, trẻ sẽ có khẩu vị riêng. Nếu hợp khẩu vị, trẻ sẽ hứng khởi với bữa ăn hơn.

Nên kích thích ăn uống cho trẻ bằng cách tự nhiên, không nên tạo tâm lý sợ hãi, ép buộc. Nếu trẻ không thích ăn cơm thì có thể thay bằng mỳ, bún, cháo, phở vào bữa chính. Nếu trẻ không thích ăn bằng thìa thì cứ để trẻ thỏa mái ăn bốc. Nếu trẻ không thích uống sữa thì thay bằng sữa chua, váng sữa bởi những thực phẩm đó cũng làm từ sữa, có hàm lượng dinh dưỡng không kém gì sữa, nhưng sẽ giúp bé không nhàm chán.

Trong bữa ăn có thể cho thêm cà rốt hay dưa chuột vào chén ăn của trẻ để tăng thêm màu sắc, không chỉ khiến bữa ăn trở nên hấp dân hơn mà còn là 1 cách hữu hiệu giúp trẻ bổ sung thêm rau củ.

Khi trẻ em bị ép ăn, hoặc ăn thức ăn không hợp khẩu vị sẽ tạo tâm lý ức chế, khiến dịch vị của trẻ cũng không tiết ra để kích thích tiêu hóa nhanh hơn, khiến trẻ không hứng khởi khi ăn uống.

7. Không cho bé vào bếp

Trẻ em sẽ rất vui và phấn khích khi được thưởng thức bữa ăn có những món bé đã góp công thực hiện. Bạn có thể cho bé làm những việc rất nhỏ, nhưng lấy sốt ra đĩa hoặc thêm cho món này một chút muối, rắc chút tiêu cho món kia, để kích thích trẻ.

Hoặc có những công thức nấu ăn đơn giản, bạn và bé có thể cùng nhau thực hiện.

Tuy nhiên, những vật dụng sắc nhọn trong bếp luôn là mối nguy hiểm với trẻ em vì vậy bạn cần có biện pháp bảo vệ an toàn khi bé vào bếp. Và đặc biết, nếu bé đủ tuổi thì bạn dạy bé cách sử dụng chúng một cách an toàn thay vì cấm sử dụng.

Đây còn là một phương pháp hữu hiệu để dạy trẻ biết chia sẻ công việc trong gia đình.

8. Chỉ chú trọng cân nặng mà ít kiểm tra chiều cao

Đa phần các bậc phụ huynh thường hay cho con ăn theo chế độ dinh dưỡng với mục đích tăng cân nặng, muốn con mình bụ bẫm, nhưng lại không để ý tới chiều cao của trẻ.

Thế nhưng, tiêu chí để đánh giá thể lực của con người phải dựa trên cả chiều cao và cân nặng. Chiều cao là rất quan trọng quyết định vóc dáng sau này của trẻ.

Khi ăn theo chế độ dinh dưỡng chỉ tăng cân nặng dễ khiến trẻ có nguy cơ béo phì kéo theo nhiều bệnh tật như: gan nhiễm mỡ, mỡ máu, tim mạch, tiểu đường, chậm chạp phát triển trí tuệ. Đã có không ít những trường hợp "dở khác dở cười" vì khổ sở ép con ăn sau đó lại khổ sở giảm béo phì cho con.

Không chỉ có chế độ ăn uống hợp lý, mà trẻ em còn nên luyện tập thể dục thể thao để có một cơ thể phát triển khỏe mạnh, cân đối.

Hà Thanh

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nhung-sai-lam-nghiem-trong-me-hay-mac-phai-khi-cho-tre-an-27266/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY