12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Những sai lầm trong điều trị đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm nên cần được điều trị tích cực và theo dõi thường xuyên. Tuy nhiên có không ít bệnh nhân do thiếu hiểu biết hoặc không được hướng dẫn đầy đủ nên hay phạm phải một số sai lầm như:

1. Bắt đầu điều trị bệnh đái tháo đường bằng thuốc quá sớm hay còn gọi là bỏ qua giai đoạn điều trị không dùng thuốc.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Đái tháo đường quốc tế, các bệnh nhân tiểu đường có mức đường huyết lúc đói < 10mmo/l và HbA1C < 8%, nếu thực hiện tốt chế độ ăn kiêng và tập luyện thì hoàn toàn có thể kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu (HbA1C < 1%). Nếu dùng thuốc quá sớm thì những bệnh nhân này sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng bị hạ đường huyết quá thấp.

Ảnh minh họa

2. Điều trị bằng thuốc hạ đường huyết liều cao ngay sau khi được chẩn đoán bị tiểu đường.

Những bệnh nhân này thường là tự điều trị hoặc được điều trị bởi các bác sĩ không chuyên khoa nên có xu hướng được cho dùng thuốc ngay tức thì bằng “liều chuẩn”, ví dụ như dùng 2 viên Diamicron. Thực tế thì liều thuốc này dao động từ 1-4 viên/ngày và với bệnh nhận đái tháo đường mới phát hiện, đường huyết không quá cao thì có thể chỉ cần uống 1 viên/ngày là đủ.

3. Ăn quá gần hoặc quá xa sau khi tiêm insulin

Các loại insulin có thời gian tác dụng khác nhau, và khi thuốc bắt đầu có tác dụng thì bệnh nhân phải ăn để không bị tăng đường huyết quá cao và tránh bị hạ đường huyết quá thấp. Thời gian bắt đầu có tác dụng của insulin nhanh (Aspart, Lispro) là 5-10 phút, của insulin thường (Actrapid) là 30 phút, của insulin bán chận (Insulatard) là 60 phút. Các bệnh nhân cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ về thời gian ăn sau tiêm một cách chặt chẽ.

4. Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 từ chối tiêm insulin

Bện nhân từ chối tiêm vì cho rằng cần tiêm insulin nghĩa là bệnh đã nặng hơn và nếu đã tiêm thì họ sẽ phải tiêm insulin vĩnh viễn.

Thực chất, tiểu đường tuýp 2 là bệnh tiến triển liên tục nên thời gian đầu có thể chỉ cần điều trị bằng các thuốc uống liều thấp, nhưng theo thời gian sẽ phải tăng liều thuốc và phối hợp các loại thuốc uống khác nhau. Nhưng dù điều trị tốt đến đâu thì mỗi năm cũng có trung bình 5% số bệnh nhân sẽ không đáp ứng với thuốc uống nữa và phải chuyển sang điều trị bằng insulin.

Một số lý do khác khiến bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 cũng bắt buộc phải tiêm insulin để kiểm soát đường huyết nhanh và tốt hơn là khi bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, khi có các biến chứng mắt, thần kinh nặng hoặc khi có các chống chỉ định điều trị với thuốc uống như xơ gan, suy thận…

5. Chỉ điều trị thuốc đái tháo đường mà không dùng các thuốc khác

Những bệnh nhân này chỉ điều trị thuốc đái tháo đường mà không dùng các thuốc khác như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị rối loạn mỡ máu… vì cho rằng các thuốc này ít quan trọng.

Theo các nghiên cứu, 80-90% bệnh nhân đái tháo đường có kèm theo tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn đông máu… và có tới 70% các bệnh nhân tiểu đường sẽ bị tử vong do các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não).

Vì vậy, nếu chỉ kiểm soát tốt đường huyết đơn thuần sẽ không làm giảm được nhiều tỷ lệ biến chứng và tử vong.

6. Chỉ kiểm tra đường huyết trước khi ăn sáng

Ước tính có tới 90% số bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú không hề được đo đường huyết sau ăn để rồi phàn nàn rằng tại sao đường huyết của họ khá tốt mà vẫn bị nhiều biến chứng… Lý do là vì họ quên kiểm soát đường huyết sau ăn mà theo các nghiên cứu, những người bị tăng đường huyết sau ăn 2 giờ sẽ có nguy cơ gây biến chứng tim mạch nhiều hơn tăng đường huyết lúc đói.

7. Không thử đường huyết lúc bị đói

Theo phản xạ thì chỉ khi có cảm giác đói thì bệnh nhân mới nghĩ đến việc hạ đường huyết và sẽ ăn ngay để cứu vãn tình hình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cảm giác đói đó có thể là hiện tượng “đói giả”.

Hiện tượng này hay xảy ra ở những người có đường huyết cao trong thời gian dài, và khi được điều trị đưa đường huyết xuống gần mức bình thường thì họ có cảm giác như bị hạ đường huyết thực sự nhưng thường ở mức nhẹ (đói, cồn cào dạ dày). Vì thế người bệnh nên đo đường huyết trước khi quyết định có cần ăn thêm hay không.

8. Không nắm được mục tiêu điều trị

Nhiều bệnh nhân rất lo lắng khi đường huyết (trước ăn) lên đến 7mmol/l, một số khác lại cho rằng đường huyết ở mức 4mmol/l là rất tốt. Theo Hội Đái tháo đường Hoa kỳ thì mục tiêu đường huyết của các bệnh nhân đái tháo đường lúc đói là 3,9-7,2mmol/l, sau ăn 2h là < 10 mmol/l sẽ là chuẩn nhất.

9. Không chịu thay đổi lối sống

Không chịu thay đổi lối sống như vẫn ăn nhiều đồ ngọt, vẫn uống rượu và hút thuốc lá... Nếu vậy thì gần như chắc chắn mọi phương pháp điều trị đái tháo đường của những bệnh nhân này sẽ thất bại. Người bệnh tiểu đường cần biết rằng thực hiện chế độ ăn lành mạnh và tích cực tập luyện là cực kỳ quan trọng. Đó là những yếu tố cần và đủ để người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, phòng ngừa biến chứng đái tháo đường.

Ths. BS. Nguyễn Quang Bảy

Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/nhung-sai-lam-trong-dieu-tri-dai-thao-duong-18319/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY