Sức khỏe hôm nay

Những thay đổi bất ngờ về hình dáng, hoạt động của thai nhi 23 tuần tuổi

Ở tuần thai 23, cả mẹ và bé đã bước vào những tuần cuối của tam cá nguyệt thứ hai. Trong tuần thai này, các cơ quan của thai nhi sẽ tiếp tục hoàn thiện chức năng. Cơ thể mẹ bầu cũng sẽ có sự thay đổi rõ ràng về kích thước.

Vậy những thay đổi cụ thể của thai nhi 23 tuần tuổi là gì? Mẹ bầu nên chú ý những vấn đề gì khi mang thai 23 tuần? Tất cả những thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Sự phát triển của thai nhi tuần 23

Những thay đổi về kích thước, hình dáng

Chiều dài, cân nặng: Bước sang tuần 23, thai nhi đã có sự tăng trưởng đáng kể. Lúc này, em bé của bạn sẽ có chiều dài chân - đỉnh khoảng từ 30 - 36cm, cân nặng khoảng 500 gram. Hình dáng của thai nhi tuần 23 tương đương với một trái xoài lớn.

Hình dáng: 23 tuần tuổi, thai nhi gần như đã hoàn thiện về hình dáng, trông gần giống với một em bé sơ sinh. Các bộ phận trên cơ thể đã về đúng vị trí và đang hoàn hiện chức năng.

Qua siêu âm, mẹ có thể dễ dàng quan sát hình ảnh thai nhi 23 tuần tuổi

Mắt: Đã phát triển hoàn chỉnh, màu mắt chưa rõ ràng. Tuần 23, mắt của bé vẫn nhắm nhưng đã có thể phân biệt được sáng - tối rõ ràng

Làn da: Đã dày hơn, có lớp mỡ giữ ấm bên trong và lớp lông tơ phát triển mạnh ở hầu khắp cơ thể.

Các cơ quan trong cơ thể dần hoàn thiện

Mũi: Tuần 23, lỗ mũi của thai nhi bắt đầu thông, hoạt động hô hấp diễn ra mạnh mẽ hơn trước.

Phổi: Chất hoạt dịch bao phủ các túi phổi bắt đầu hình thành, giúp chúng mở và giữ khí oxi sau khi sinh sinh; Các mạch máu trong phổi phát triển mạnh mẽ.

Não bộ: Phát triển mạnh mẽ, nhất là các dây thần kinh cần thiết cho hoạt động suy nghĩ và giao tiếp trong tương lai

Hoạt động của bé trong bụng mẹ

Ở tuần thứ 23, thai nhi có các cử động giống như đang hô hấp để tập luyện, di chuyển nước ối vào và ra khỏi phổi.

Cũng ở tuần này, vì kích thước thai chưa lớn nên thai nhi có thể dễ dàng di chuyển, lộn nhào trong tử cung của mẹ. Bé cũng có nhiều hoạt động như mút tay, mỉm cười, đạp vào bụng mẹ…

Về ngôi thai, thai nhi 23 tuần tuổi phần đa vẫn là ngôi mông, tức là phần mông quay xuống dưới xương chậu của mẹ. Ngoài ra, một vài em bé cũng dẫn có xu hướng chuyển quay ngang. Tuy nhiên lúc này, tử cung của mẹ còn rất rộng để bé thoải mái xoay người.

2. Mang thai tuần 23, cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?

Ở tuần thai thứ 23, tức là tháng thứ 6, cơ thể của mẹ đã nặng nề hơn rất nhiều. Cùng với sự lớn lên của bụng là những thay đổi đáng kể như:

Hay quên hơn: Đây là một biểu hiện mà các mẹ hay nói vui là “não cá vàng" khi mang thai. Thậm chí, điều này còn kéo dài suốt những năm tháng về sau do sự thay đổi hormone trong cơ thể mẹ. Tuy nhiên, mẹ cũng đừng quá lo lắng bởi đây không phải là hiện tượng quá bất bình thường.

Sự thay đổi về làn da trên cơ thể: Điều này thấy rõ ràng ở cả vùng mặt, vùng bụng, thậm chí là toàn thân.

Dễ thấy nhất là sọc nâu dọc bụng ngày một rõ hơn. Sọc nâu này có tên khoa học là “linea nigra”, được sinh ra bởi hormone thai kỳ. Sọc nâu này sẽ ngày càng đậm, rõ khi thai lớn. Sau khi mẹ sinh em bé, sọc nâu này sẽ dần biến mất.

Với da mặt, mẹ có thể nhận thấy da xấu đi nhanh, nhiều mụn, thâm, tàn nhang, nám da hơn. Ở ngực, quầng vú cũng sẽ thâm đen lại. Mặc dù vậy, mẹ cũng đừng quá lo lắng với những điều này sẽ nhanh chóng mất đi sau khi mẹ sinh con đấy ạ.

Cũng bước vào tuần 23, với những mẹ bầu bị rạn da thì tình trạng này có thể sẽ nghiêm trọng hơn khi các vết rạn sẽ lan nhanh, rộng hơn. Vì vậy, mẹ bầu tuần 23 có thể sử dụng tới các loại kem chống rạn để cải thiện nhé.

Hoạt động khó khăn hơn: Bụng bầu lớn, những cú đạp của thai nhi ở giai đoạn này sẽ khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy nhanh mệt hơn. Cùng với đó, các hoạt động như đi, đứng, ngồi, nằm cũng sẽ khó khăn, bất tiện hơn nhiều so với những tháng trước đó.

Mẹ ăn nhiều hơn, nhanh đói và thường xuyên đầy hơi: Khi bước sang tuần 23, mẹ cần bổ sung nguồn dưỡng chất nhiều hơn để đảm bảo sự phát triển ổn định của thai nhi cũng như sức khoẻ của mẹ. Điều này có thể khiến mẹ nhanh bị mất năng lượng hơn, nhanh đói hơn.

Tuy nhiên, dù ăn nhiều song do ảnh hưởng của hormone thai kỳ là progesterone, đường tiêu hoá của mẹ lại làm việc khá chậm chạp dẫn tới sự khó tiêu, dễ đầy hơi hơn. Để cải thiện tình trạng này, mẹ nên ăn các loại thức ăn mềm, uống đủ nước.

Mẹ có thể ngủ ngáy: Điều này xảy ra ở cả các chị em trước đây chưa từng ngáy ngủ. Điều này có thể do nguyên nhân khi mang thai, mẹ tăng cân nhiều dẫn tới ảnh hưởng tới niêm mạc mũi, niêm mạc bị khô, sưng…

Nếu tiếng ngáy làm ảnh hưởng tới giấc ngủ, mẹ có thể đeo khẩu trang, dùng bình phun sương giữ ẩm hoặc tinh dầu xông.

Chân phù, xuống máu: Đây là hiện tượng bình thường khi mẹ tăng cân, lưu lượng máu lưu thông nhiều hơn. Tuy nhiên, mẹ cũng cần theo dõi thật kỹ bởi hiện tượng phù nề có thể dẫn tới nguy cơ tiền sản giật hoặc các biến chứng thai kỳ khác.

3. Mẹ bầu nên làm gì khi mang thai 23 tuần?

Mang thai tháng thứ 6, mẹ bầu vẫn ở trong giai đoạn ổn định. Tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe cho mẹ, sự phát triển của thai nhi thì mẹ bầu sẽ cần thực hiện rất nhiều điều.

Lựa chọn các thực phẩm giàu sắt

Sắt là vi chất cần thiết trong suốt cả thai kỳ. Ở tuần 23, mẹ cần bổ sung thêm nhiều sắt hơn để vừa chăm sóc thai nhi, vừa dự phòng cho quãng thời gian sinh con và sau sinh.

Theo các bác sĩ, mẹ bầu mang thai 23 tuần cần tối thiểu 30 miligam sắt mỗi ngày để sản xuất đủ hồng cầu và giảm nguy cơ thiếu máu.

Mẹ bầu có thể bổ sung nguồn sắt từ các loại thực phẩm như gan động vật, các loại động vật có vỏ, các loại đậu, rau bina… và viên uống sắt.

Trường hợp sử dụng sắt tổng hợp, thai phụ nên sử dụng nguồn sắt hữu cơ, dạng nước để hạn chế tình trạng táo bón cũng như dễ hấp thu hơn.

Bên cạnh đó, mẹ cũng cần bổ sung nguồn vitamin từ rau xanh, trái cây để giúp quá trình hấp thu sắt được tốt hơn.

Tăng cường tắm nắng, hoạt động ngoài trời

Điều này giúp cơ thể mẹ được bổ sung nguồn vitamin D từ ánh nắng mặt trời dồi dào hơn. Việc tắm nắng, hoạt động ngoài trời nhiều sẽ giúp hấp thu canxi tốt hơn, hạn chế tình trạng thiếu hụt canxi ở mẹ bầu.

Bên cạnh đó, việc tăng cường các trải nghiệm từ bên ngoài cũng sẽ giúp tâm trạng của các mẹ bầu thoải mái, tích cực hơn.

Vận động tích cực, cải thiện tình trạng đau lưng

Ở tuần thứ 23, nhiều mẹ bầu sẽ cảm thấy mình bị đau lưng, đau mỏi cơ khớp nhiều hơn. Đây là một hiện tượng bình thường của cơ thể khi thai nhi đang lớn dần lên mỗi ngày. Để cải thiện tình trạng này, mẹ hãy tăng cường hoạt động thể chất phù hợp, lựa chọn trang phục rộng rãi thoải mái.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể thực hiện các bài massage, chườm ấm, chườm nóng để cải thiện tình trạng đau mỏi.

Một số bài tập, phương pháp tập luyện mà mẹ bầu có thể áp dụng trong tuần mang thai 23 này đó là: yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội…

Cố gắng ngủ khi có thể

Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều rất dễ bị mất ngủ. Bước sang tuần 23, tình trạng này sẽ tăng lên nhiều hơn. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, mẹ bầu nên ngủ khi có thể. Đó có thể là những giấc ngủ ngắn, giấc ngủ trưa.

Bên cạnh đó, mẹ có thể sử dụng gối ngủ, lựa chọn tư thế phù hợp… để đạt chất lượng giấc ngủ tốt nhất.

Nằm nghiêng khi ngủ

Mang thai 23 tuần, bụng của mẹ bầu đã lớn hơn rất nhiều. Vì thế nếu nằm ngửa ở quãng thời gian này, mẹ sẽ cảm thấy vô cùng áp lực, khó thở, khó xoay người, thậm chí là khó để ngồi dậy.

Lời khuyên của các bác sĩ khi thai nhi đã lớn đó là mẹ hãy lựa chọn tư thế nằm nghiêng khi ngủ, đặc biệt là nằm nghiêng về bên trái. Việc nằm nghiêng về bên trái khi ngủ sẽ mang tới những lợi ích cho mẹ bầu mang thai 23 tuần như sau.

- Giúp thai phụ 23 tuần thở tốt hơn, tử cung không phải chịu áp lực lớn.

- Tăng cường dưỡng chất và máu đến nhau thai, nuôi dưỡng thai nhi tốt hơn.

- Giúp gan không bị đè bởi tử cung, không ảnh hưởng tới chức năng lọc máu của gan

- Giảm áp lực cho vùng dưới lưng, chân; giảm nguy cơ mẹ bị chuột rút ở chân, phù chân

- Giảm nguy cơ tử cung chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới làm giảm lượng máu về tim, gây giảm lưu lượng tim.

Uống đủ nước

Nước là thức uống đặc biệt cần thiết khi mang thai 23 tuần. Nước giúp máu lưu thông dễ dàng, làm sạch nước ối và tăng cường sản xuất sữa.

Bên cạnh nước lọc, các mẹ bầu có thể uống sữa, nước ép hoa quả, rau củ… Tuy nhiên, lượng nước này cần đảm bảo nhu cầu, tránh uống quá ít hoặc quá nhiều.

Cũng ở tuần này, mẹ chưa cần uống quá nhiều nước dừa để làm trong ối hay tăng ối, trừ trường hợp có chỉ dẫn của bác sĩ.

Thai nhi 23 tuần tuổi đã bước vào giai đoạn hoàn thiện các cơ quan, chức năng, sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng kích thước về sau. Lúc này, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, chưa cần tăng cân quá nhiều. Ngoài ra, những dưỡng chất quan trọng như sắt, canxi, vitamin D cũng cần được chú trọng bổ sung ở tuần mang thai này.

Chúc mẹ bầu và thai nhi luôn khỏe mạnh, cán đích thành công.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nhung-thay-doi-bat-ngo-ve-hinh-dang-hoat-dong-cua-thai-nhi-23-tuan-tuoi-33227/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY