Thai tuần 32 cũng đã bắt đầu quay đầu và mẹ có thể nhận biết ngôi thai thuận qua những dấu hiệu đặc trưng.
Thai nhi 32 tuần có kích thước tương đương như một trái bí ngô vừa. Ở tuần này, bé có sự thay đổi về cân nặng và chiều dài qua từng ngày. Cụ thể những đặc điểm về hình dáng thai nhi tuần 32 được tính như sau:
Ở tuần 32, thai nhi sẽ có cân nặng từ 1,6 - 1,8kg. Chiều dài đỉnh đầu - gót chân tiêu chuẩn sẽ vào khoảng 41 - 43cm.
Các chỉ số khác của thai nhi ở tuần 32+0 được đánh giá tiêu chuẩn như sau:
+ Đường kính lưỡng đỉnh - BPD: 75 - 87mm, trung bình khoảng 81mm
+ Chiều dài xương đùi - FL: 56 - 68mm, trung bình 61mm
+ Chu vi vòng bụng - AC: 256 - 310mm, trung bình 301mm
Ở tuần 32, các cơ quan trong cơ thể thai nhi đã hình thành đầy đủ và bước vào giai đoạn hoàn thiện. Những thay đổi của các hệ cơ quan có thể kể đến như:
+ Lớp lông măng: Đây là là lớp lông mềm, mịn như tơ bao bọc bảo vệ bé trên bề mặt da tiếp tục rụng đi
+ Lông mi, tóc: Mọc nhiều hơn, dài hơn và dày hơn
+ Làn da: Làn da của bé đã dày hơn nhờ lớp mỡ được tích tụ thêm mỗi ngày. Nhờ vậy mà làn da không còn trong suốt nữa.
+ Não bộ: Tăng trưởng kích thước liên tục và tiếp tục hoàn thiện các chức năng. Lúc này, não của thai nhi đã bằng ¼ trọng lượng não người trưởng thành.
+ Hệ thần kinh: Tiếp tục phát triển và hoàn thiện, dần đảm nhận việc chỉ huy, nhận biết các hoạt động, tác động lên cơ thể.
+ Móng tay, móng chân: Phát triển nhanh và cứng cáp hơn
Ở tuần thai 32, bé hoạt động mạnh mẽ và vẫn có những cú nhào lộn trong bụng mẹ do lúc này kích thước chưa quá lớn. Hằng ngày, bé sẽ có các hoạt động như nhắm mắt, mở mắt, nuốt nước ối, mút tay, nghịch dây rốn…
Thời điểm này, lượng nước ối của mẹ cũng ít hơn so với những tuần trước đó. Vì vậy mà các hoạt động đạp, xoay người, nghịch ngợm trong bụng mẹ cũng thường ở những vị trí cố định.
Thai nhi 32 tuần cũng đã bắt đầu có xu hướng quay đầu. Mặc dù vậy, số lượng thai nhi chưa xoay ngôi thuận ở tuần thai này cũng còn khá nhiều. Do đó nếu bé yêu của bạn chưa quay đầu thì bạn cũng không cần phải quá lo lắng nhé.
Bước sang tháng mang thai thứ 8, cơ thể của mẹ sẽ nặng nề hơn rất nhiều. Những thay đổi của mẹ bầu trong tuần thai thứ 32 của thai kỳ sẽ được kể đến gồm có những thay đổi về thể chất và thay đổi về tâm lý.
Bụng lớn, sinh hoạt khó khăn: Mang thai 32 tuần, bụng bầu của mẹ đã lớn gần mức to nhất của giai đoạn bầu bí. “Bụng vượt mặt" khiến cho việc đi lại, sinh hoạt, làm việc, di chuyển của mẹ bầu cũng trở nên khó khăn hơn.
Tê bì, chuột rút: Thai lớn cũng là lúc mà các dây thần kinh bị chèn ép bởi kích thước, sức nặng. Vì vậy các hiện tượng như tê các ngón tay, cổ tay, bàn tay, chân hay nhiều vị trí khác trên cơ thể xảy ra liên tục hơn
Khó nằm, khó ngủ: Thai lớn không chỉ khiến mẹ khó di chuyển mà việc nằm ngủ cũng như đi vào giấc ngủ sâu gặp nhiều khó khăn. Do đó mà mẹ có thể tận dụng các khoảng thời gian có thể ngủ trong ngày cũng như sử dụng thêm gối ngủ hỗ trợ.
Mẹ khó thở nhiều hơn: Thai nhi phát triển lớn đè lên dạ dày của mẹ làm cho cơ hoành và phổi bị o ép, gây ra cảm giác khó thở.
Dịch âm đạo: Khác với giai đoạn “khô thoáng" ở tam cá nguyệt thứ 2, bước vào những tháng cuối này, mẹ có xu hướng tiết dịch âm đạo nhiều hơn. Vì vậy mà mẹ bầu nên chú ý vệ sinh thường xuyên để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thai nhi.
Bước sang tuần 32, mẹ bầu có xu hướng căng thẳng, lo lắng nhiều hơn do sắp đến ngày dự sinh. Bên cạnh đó, cũng có không ít mẹ bầu cảm thấy căng thẳng khi tìm hiểu những vật dụng cần chuẩn bị cũng như cách chăm sóc thai nhi.
Tuy nhiên, mẹ hãy thả lỏng tâm lý bởi những điều trên hoàn toàn không có gì quá lo lắng. Mẹ có thể tham gia vào các lớp học tiền sản hoặc chia sẻ với bố hay những người đi trước để có thêm kinh nghiệm cho bản thân.
Ngoài ra ở tuần này, mẹ cũng có thể tăng cường các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, nghe nhac, đọc sách thư giãn… để luôn ổn định về tinh thần.
Tuần thứ 32 của thai kỳ là giai đoạn mà cả mẹ và bé đều cần nhiều dinh dưỡng. Vì vậy lúc này, mẹ cần đảm bảo nguồn dưỡng chất cung cấp cho cơ thể từ thực phẩm tự nhiên cũng như các loại thực phẩm tổng hợp.
Những vi chất dinh dưỡng mà mẹ bầu nên chú trọng khi mang thai 32 tuần gồm có:
Dưới đây là những loại thực phẩm cũng như những thành phần dinh dưỡng mà mẹ bầu cần bổ sung trong thời gian này.
+ Chất đạm: Chất đạm hay protein là một trong 3 thành phần dinh dưỡng cần thiết nhất. Việc bổ sung đạm đầy đủ có thể giúp bé tăng nhanh tới 200g mỗi tuần. Những loại thực phẩm giàu đạm có thể kể đến như như cá, trứng, bơ, sữa, đậu, quả hạch,...
Ở tuần 32, nhu cầu đạm cho sự phát triển của thai nhi là khoảng 75 - 100g mỗi ngày.
+ Chất béo: Cần thiết cho việc tích tụ mỡ dưới da, trong các cơ quan của cơ thể cũng như giúp trí não phát triển tốt hơn. Chất béo có nhiều trong cá hồi, cá thu, thịt, trứng, sữa…
+ Chất xơ: Chất xơ giúp cải thiện hệ tiêu hoá, ngăn ngừa tình trạng táo bón thai kỳ, nhất là ở những tháng cuối. Vì vậy, mẹ cần chú ý tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày. Chất xơ được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm như gạo lứt, bông cải xanh, các loại đậu, bánh mì, ngô, cần tây,...
+ Vitamin C: Nhu cầu Vitamin C khi mang thai 32 tuần vào khoảng 75mg mỗi ngày. Vitamin C sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn, tăng cường sức đề kháng cho mẹ bầu và thai nhi. Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh, trái cây như cam, chanh, bưởi quýt,...
+ Sắt: Sắt là vi chất cần thiết để tạo máu. Thiếu sắt gây thiếu máu sẽ khiến cơ thể mẹ mệt mỏi, uể oải, tăng nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân… Vì vậy, mẹ cần bổ sung đủ sắt từ thực phẩm và viên uống tổng hợp ở tuần mang thai 32.
Một số loại thực phẩm giàu sắt mà mẹ bầu nên có trong chế độ thực phẩm cho tuần thai 32 là trứng, rau muống, tim, gan, thịt nạc,...
+ Canxi: Canxi là vi chất quan trọng giúp thai nhi hoàn thiện xương, ngăn ngừa các bệnh về xương, khớp sau này. Canxi còn giúp hạn chế tình trạng đau lưng, đau mỏi xương khớp ở bà bầu trong suốt quá trình mang thai và sau sinh. Vì vậy mẹ cần tuân thủ việc bổ sung canxi theo chỉ dẫn từ bác sĩ.
Những loại thực phẩm giàu canxi có thể kể đến gồm hải sản, sữa chua, phô mai, sữa,...
+ Uống đủ nước (2 - 3l / ngày). Mẹ bầu 32 tuần cần uống đủ nước hằng ngày để đảm bảo sự ổn định của quá trình trao đổi chất, hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên trước khi đi ngủ, mẹ nên hạn chế uống nước để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Ở tuần thứ 32, thai nhi đã bắt đầu quay đầu, trở về ngôi thuận để sẵn sàng cho quá trình chào đời. Những dấu hiệu mà mẹ có thể tham khảo để biết thai nhi đã quay đầu hay chưa gồm:
+ Cử động thai: Nếu bé thường đạp ở phần bụng trên thì rất có thể bé đã quay đầu. Ngược lại, nếu bé đạp nhiều ở bụng dưới thì có thể em bé vẫn đang ở ngôi ngược.
+ Thông qua siêu âm: Đây là cách dễ nhất giúp mẹ xác định. Thông qua hình ảnh siêu âm, các bác sĩ sẽ cho mẹ biết bé đã về đúng vị trí chuẩn bị cho quá trình sinh hay chưa.
+ Cảm nhận bằng tay: Điều này có phần khó thực hiện hơn và đòi hỏi mẹ sẽ phải có sự tinh ý nhất định. Để xác định ngôi thuận bằng tay, mẹ thực hiện theo các bước sau:
Đặt hai bàn tay nhẹ nhàng và đáy tử cung và đẩy nhẹ vào bụng mẹ. Nếu thấy cứng cứng thì có thể đó chính là đầu thai nhi.
Đặt hai tay vào vị trí đầu của thai nhi để xác định xem độ tụt của thai nhi và xác định đầu hay mông sẽ ra trước.
32 tuần là mốc siêu âm quan trọng để đánh giá sự phát triển của thai nhi, sức khoẻ của mẹ, dự phòng những sự cố có thể xảy ra trong những tuần cuối của thai kỳ. Vì vậy, mẹ bầu cần tuân thủ đúng lịch khám ở tuần 32.
Khi siêu âm và khám thai 32 tuần, các bác sĩ sẽ chỉ định mẹ thực hiện các hoạt động gồm:
+ Khám thông thường: Đo cân nặng, huyết áp, nhịp tim, kiểm tra dấu hiệu phù, cao tử cung,...
+ Siêu âm thai: Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi mốc cuối cùng (Nếu mốc 28 tuần chưa được kiểm tra)
+ Xét nghiệm máu: Kiểm tra lượng đường huyết, điện giải, men gan…
+ Xét nghiệm nước tiểu, phân tích 10 thông số để đánh giá sức khỏe đầy đủ cho mẹ bầu và thai nhi
Ở tuần 32, thai nhi đã có sự phát triển đầy đủ về hệ cơ quan và bước vào giai đoạn tăng trưởng. Vì vậy mẹ bầu cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý để có sức khoẻ tốt, thai nhi phát triển toàn diện.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: