Sức khỏe hôm nay

Những thay đổi của thai nhi 13 tuần tuổi mẹ bầu nhất định phải biết

Thai nhi 13 tuần tuổi chính thức bước vào tam cá nguyệt thứ 2, giai đoạn của việc hoàn thiện các cơ quan, chức năng của cơ thể. Ở tuần 13, thai nhi sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ về chiều dài, cân nặng.

Trong bài viết này, hãy cùng xem những thay đổi nào của thai nhi ở tuần thai thứ 3 mà mẹ cần quan tâm nhé.

Thai nhi 13 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Tổng quan phát triển: So sánh kích thước, ở tuần thai thứ 13, thai nhi của bạn đã lớn tương đương với một trái mận.

Đây cũng là thời điểm mà các cơ quan, hệ thần kinh và các cơ của bé đã hình thành, bắt đầu làm việc với nhau. Lúc này, các cơ quan cũng như toàn bộ cơ thể sẽ phát triển nhanh chóng từng giờ.

Kích thước, hình dáng: thai nhi có chiều dài khoảng 3 inch (~ 7 - 8 cm), nặng khoảng 3⁄4 ounce (khoảng 21 - 22 g)

Tai, mắt: tai và mắt đã định hình rõ ràng. Đặc biệt lúc này, các mí mắt được nối với nhau để bảo vệ đôi mắt đang phát triển.

Hệ xương: Bạn đã có thể nhìn thấy những chiếc xương sườn bé xíu đang hình thành qua lớp da mỏng của bé.

Lúc này, các cử động của chân, tay, hệ xương khớp cũng linh hoạt, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn chưa thể cảm nhận được em bé đạp, em bé máy. Vì vậy, mẹ đừng quá sốt ruột mà hãy chờ thêm từ 2 - 3 tuần nữa nhé.

Hệ tuần hoàn: Hệ tuần hoàn đã hoạt động khá trơn tru. Thời điểm này cũng là lúc thai nhi bắt đầu uống nước ối và bài xuất nước tiểu, tạo thành chu kỳ. Phân su cũng bắt đầu được hình thành.

Hệ thần kinh: Ở tuần thai thứ 13, đầu của bé có thể bằng ½ kích thước thân mình. Cơ thể của thai nhi lúc này sẽ có khoảng 25.000 tế bào thần kinh được sản sinh ra mỗi phút.

Đặc biệt ở tuần 13, vân tay của thai nhi sẽ bắt đầu hình thành. Đây là điều sẽ theo em bé của bạn suốt cuộc đời.

Nhịp tim: Nhịp tim của thai nhi tuần 13 vẫn giữ ở mức ổn định như 2 tuần trước đó, tức là vào khoảng 120 - 160 nhịp/phút.

Mang thai tuần 13, cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?

Ở tuần thai thứ 13, cơ thể mẹ có sự thay đổi rõ ràng về hình dáng, kích thước vòng bụng, mông. Cụ thể những thay đổi về ngoại hình, tâm sinh lý, cảm xúc của mẹ bầu 13 tuần như sau:

Tim, hệ tuần hoàn: Mẹ bầu mang thai tuần 13 dễ gặp phải các tình trạng như tụt huyết áp, dễ ngất xỉu. Điều này được cho là bởi nguyên nhân thay đổi của hệ thống tuần hoàn khi mang thai.

Hô hấp: Mẹ bầu mang thai tuần 13 có xu hướng thở nhanh hơn, đôi khi cảm thấy khó thở. Điều này nhằm đảm bảo việc cung cấp oxy cho cả thai nhi.

Hệ tiêu hoá: Ợ nóng, táo bón vẫn còn khi mang thai tuần 13. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng sẽ đi tiểu nhiều hơn do áp lực của tử cung lên bàng quang.

Vùng ngực: Ngực của mẹ ở tuần 13 có thể bắt đầu tiết sữa non. Bên cạnh đó, mẹ cũng nhận thấy bầu ngực thâm hơn, có các hạt li ti quanh quầng vú. Ngực mẹ cũng sẽ tăng kích thước mạnh ở giai đoạn này.

Những thay đổi khác: Khi mang thai tuần 13, mẹ có thể cảm thấy thêm các triệu chứng như đau lưng, đau hông… do áp lực lớn lên của thai nhi.

Ngoài ra ở một số mẹ bầu, tình trạng rạn da, có vệt đen ở giữa bụng cũng bắt đầu xuất hiện.

Khám thai tuần 13 - Những lưu ý quan trọng

Ở tuần thứ 13 cũng là tuần khám thai quan trọng mà mẹ cần lưu ý. Với những mẹ bầu chưa thực hiện việc thăm khám, kiểm tra, làm xét nghiệm trong tuần 11 và 12 thì cần nhanh chóng thực hiện trong tuần 13 này.

Cụ thể việc khám thai ở tuần 13 sẽ có những lưu ý sau:

Siêu âm giúp đánh giá sự phát triển của thai nhi: Các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm qua bụng hoặc đầu dò để đánh giá hình thái, đo chiều dài, cân nặng của thai nhi. Cũng thông qua siêu âm, các bác sĩ sẽ nhận biết sự hình thành của các cơ quan trong cơ thể cũng như những bất thường có thể có.

Đo độ mờ da gáy: để xác định được nguy cơ mắc hội chứng Down cũng như một vài hội chứng thường gặp có thể xảy ra.

Thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu: để đánh giá sức khoẻ của người mẹ cũng như sự phát triển toàn diện của thai nhi.

Mang thai tuần 13, mẹ bầu nên và không nên làm gì?

Bước sang tuần thai thứ 13 tức là mẹ bầu và thai nhi đã vượt qua thời gian “nguy hiểm" 3 tháng đầu. Tuy nhiên, hành trình mang thai vẫn còn rất dài và sẽ còn rất nhiều điều mà mẹ cần thực hiện để chăm sóc tốt bản thân cũng như thai nhi bé bỏng.

Những điều mẹ nên làm khi mang thai tuần 13

Nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết

Những dưỡng chất, vi chất cần thiết mà mẹ bầu cần chú ý bổ sung khi có thai 13 tuần sẽ bao gồm:

Acid folic: Trước 3 tháng và sau mang thai 3 tháng, acid folic là dưỡng chất giúp phòng ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh không thể thiếu. Sau giai đoạn này, các mẹ bầu cũng cần đảm bảo tiếp tục bổ sung acid folic vào chế độ để đảm bảo sự phát triển hệ thần kinh. Trung bình mỗi ngày, mẹ bầu cần bổ sung 0.4mg acid folic.

Choline: Đây là một dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển toàn diện và duy trì chức năng của các tế bào não. Những thực phẩm giàu Choline có thể kể đến là bơ đậu phộng, trứng, cá thu, đậu xanh, thịt lợn, thịt gà…

Mẹ bầu nên bổ sung 450mg choline mỗi ngày để đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi.

DHA: Là loại Omega 3 đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường các hoạt động trí não của trẻ và tổng chỉ huy sự nhìn của mắt, chiếm 20% trọng lượng não bộ và 60% trong võng mạc. Khi mang thai ở tuần 13, mẹ bầu cầu bổ sung 200mg DHA cho cơ thể mỗi ngày.

Thực phẩm giàu DHA có thể kể đến đó là cá, trứng gà, các loại hạt, rau xanh, sữa, viên DHA tổng hợp.

Canxi: Cung cấp đầy đủ nhu cầu canxi trong tuần thai thứ 13 sẽ giúp hoạt động hệ thần kinh và đông máu diễn ra bình thường ở mẹ. Ở thai nhi, canxi có vai trò quan trọng trong hình thành hệ xương và răng vững chắc cho bé.

Ở tuần thai 13, mẹ cần đảm bảo bổ sung 1000mg canxi mỗi ngày. Thực phẩm giàu canxi có thể kể đến như sữa chua, đậu xanh, hạt chia, các loại hải sản..

Carbohydrates: Đây là nguồn năng lượng cho não và các tế bào hồng cầu. Nhu cầu carbohydrates, có trong nhiều diêm mạch, lúa mạch, khoai lang, củ dền, chuối, việt quất....

Sắt: Mỗi ngày, mẹ bầu cần bổ sung tối thiểu 30mg sắt. Thiếu sắt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ sinh non.

Mang thai 13 tuần, mẹ bầu nên bổ sung sắt qua đường uống và các thực phẩm như động vật có vỏ, các loại đậu, gan động vật, rau bina…

Protein: Đây là dưỡng chất đặc biệt quan trọng cho hệ thần kinh. Mỗi ngày trong khi mang thai, mẹ cần bổ sung từ 70-80g protein. Các loại thực phẩm giàu protein rất quen thuộc như thịt, cá, trứng, sữa, nấm, các loại đậu…

Vitamin: Vitamin cũng là thành phần không thể thiếu trong suốt thai kỳ, trong đó có tuần thai thứ 3. Hàm lượng vitamin cần thiết mà mẹ phải bổ sung mỗi ngày đó là:

  • Vitamin D: 800 IU/ ngày*

  • Vitamin A: 800 mcg /ngày (Không được quá 3000mcg/ ngày)

  • Vitamin E: 15 – 10 mg/ ngày

  • Vitamin C: 70 – 90 mg/ ngày

Nên giữ tinh thần thoải mái, có thể quay trở lại luyện tập nhẹ nhàng

Ở tuần thai này, mẹ bầu đã vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ khi mang thai những tuần đầu. Những trạng thái ốm nghén, cảm xúc khó chịu cũng dần mất đi.

Sau tuần 12, mẹ cũng có thể bắt đầu quay lại chế độ luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe cho bản thân cũng như thai nhi. Mẹ có thể lựa chọn những bộ môn được rất nhiều người yêu thích như yoga, thiền, đi bộ.

Mang thai tuần 13 cần tránh gì?

Cùng với những hoạt động, chế độ dinh dưỡng được khuyến khích, để chăm sóc tốt trong thời điểm mang thai tuần 13, mẹ bầu cần tránh những điều sau.

Tránh sử dụng chất kích thích

Thuốc lá: Trong thuốc lá chứa nhiều hoá chất độc hại như hắc ín, nicotin, và monoxit cacbon. Nicotine làm mạch máu co lại, dẫn đến lượng oxy và chất dinh dưỡng đến thai nhi giảm đi. Monoxit cacbon làm giảm lượng oxy mà trẻ nhận được.

Hút thuốc lá khi mang thai còn làm tăng khả năng sinh non và các rối loạn về cách nhau thai bám vào tử cung.

Rượu: Rượu không chỉ gây hại cho lá gan của người mẹ mà còn ảnh hưởng tới gan của thai nhi. Một đứa trẻ được sinh ra bởi một người mẹ nghiện rượu có thể bị rối loạn hành vi sau này.

Ma tuý: Có thể làm tăng nguy cơ dị tật và sinh non ở mẹ bầu

Tránh những loại thực phẩm gây hại tới thai nhi

Ở tuần 13, mẹ đã có thể ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm hơn. Tuy nhiên sẽ có những đồ ăn, thức uống mà bà bầu cần tránh tuyệt đối trong thai kỳ đó là

Thức ăn chưa chín: Trong thức ăn chưa chín, thức ăn tái chứa nhiều vi khuẩn, vi trùng chưa được tiêu diệt. Điều này sẽ mang tới nhiều nguy cơ gây bệnh và ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Vì vậy khi mang thai 13 tuần, mẹ bầu cần tuân thủ đúng chế độ ăn chín uống sôi.

Rau răm: Đây là một loại rau gây co bóp tử cung. Vì vậy, mẹ cần tuyệt đối tránh loại rau này để hạn chế nguy cơ bị sảy thai hoặc làm cho thai nhi phát triển không bình thường.

Rau ngót: Mẹ bầu thai yếu, động thai, có tiền sử sảy thai, động thai, đẻ non, hiếm muộn… thì nên hạn chế ăn rau ngót để tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Dứa: Trong dứa có chứa chất bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, kích thích co bóp tử cung. Ngoài ra trong dứa xanh chứa nhiều chất bromelain rất cao nên việc ăn dứa có thể gây sảy thai.

Măng tươi: Măng tươi có hàm lượng Cyanide rất cao (khoảng 230mg/kg). Mẹ bầu ăn nhiều măng chứa Xyanua có thể tạo thành chất độc Acid Cyanhydric (HCN) gây hại cho thai.

Tránh hoạt động mạnh

Mang vác nặng hay hay làm những việc quá sức có thể khiến sức khỏe của mẹ bầu bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng tới thai nhi. Vì vậy ở giai đoạn thai 13 tuần, mẹ bầu vẫn nên hoạt động nhẹ nhàng.

Quan hệ tình dục nhẹ nhàng: Bước sang tuần thai 13, mẹ bầu đã có thể quan hệ “thoải mái" hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên để đảm bảo sự an toàn cho thai nhi, tránh động thai hoặc những ảnh hưởng về sức khoẻ, mẹ cần chọn tư thế nhẹ nhàng, tránh những kích động mạnh.

Tránh lạm dụng, sử dụng thuốc bừa bãi

Trong khi mang thai, nhất là khi mang thai 13 tuần, mẹ bầu sẽ sử dụng tới nhiều sản phẩm thuốc bổ để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của thai. Tuy nhiên khi sử dụng, mẹ bầu chỉ nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy bất kỳ bất thường nào về sức khoẻ, mẹ bầu cần thông báo với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời. Các mẹ bầu 13 tuần cũng không nên tự ý mua hay sử dụng bất kỳ sản phẩm nào mà không theo chỉ dẫn, khuyến cáo.

Mang thai ở tuần 13 có khả năng sảy thai không?

Khi kết thúc tam cá nguyệt thứ nhất thì nguy cơ sảy thai của bạn đã giảm đi đáng kể. Những trường hợp sảy thai ở tuần thứ 3 chỉ còn khoảng dưới 10%.

Vì vậy khi mang thai 13 tuần, mẹ cũng không cần quá lo lắng về nguy cơ sảy thai của bản thân. Trường hợp mẹ bầu có tiền sử sảy thai hay cần phải theo dõi chặt chẽ, mẹ bầu nên tuân thủ đúng hướng dẫn từ các bác sĩ.

Thai nhi 13 tuần tuổi đã có sự thay đổi rõ rệt về hình thái, phát triển rất nhanh. Vì vậy ở giai đoạn này, mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tránh những đồ ăn, thức uống cũng như những hoạt động nặng gây ảnh hưởng tới thai nhi.

Hành trình mang thai còn rất dài và tuần thai thứ 13 là một mốc quan trọng cần được mẹ bầu lưu ý. Chúc các mẹ bầu luôn vui khoẻ và có một hành trình mang thai an toàn, ổn định.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nhung-thay-doi-cua-thai-nhi-13-tuan-tuoi-me-bau-nhat-dinh-phai-biet-33106/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY