Sức khỏe hôm nay

Những thay đổi đáng ngạc nhiên của thai nhi 18 tuần tuổi

Thai nhi 18 tuần tuổi đã có kích thước tương đương với một quả ớt chuông. Ở tuần thứ 18 này, bé sẽ phát triển mạnh mẽ cả về ngoại hình, các cơ quan bên trong cũng như hoạt động trong bụng mẹ.

Mẹ có muốn biết thai nhi 18 tuần tuổi đã phát triển như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho các mẹ bầu những thay đổi bất ngờ khi mang thai 18 tuần đấy ạ.

Thai nhi 18 tuần có những đặc điểm gì?

Thai nhi 18 tuần, tức là tương đương với tuần 16 sau thụ tinh. Lúc này, thai nhi đã có hình dáng khá tương đồng với một em bé sơ sinh bình thường. Những đặc điểm về chiều dài, trọng lượng cũng như những hoạt động của thai ở tuần này được ghi lại như sau.

Đặc điểm về kích thước, hình dáng thai nhi

Chiều dài, cân nặng: Thai nhi 18 tuần tuổi sẽ nặng khoảng 240-245 gram, chiều dài đo từ mông đến đỉnh đầu là khoảng 15-17cm. Nếu so sánh kích thước, em bé của bạn có thể tương đương với một củ khoai lang hoặc một quả ớt chuông.

Tai của thai nhi: Vành tai đã nhô ra ngoài. Chức năng của tai dần ổn định, bé có thể dễ dàng cảm nhận được âm thanh từ bên ngoài.

Mắt: Mắt của thai nhi lúc này đã có lông mi. Mắt bé lúc này vẫn còn nhắm, tuy nhiên đã có khả năng cảm nhận được ánh sáng từ bên ngoài.

Mũi: Mũi đã bắt đầu “mọc" trên gương mặt và thực hiện các hoạt động hít thở sơ khai ban đầu.

Lông, tóc: Lông mày của bé đã bắt đầu xuất hiện từ tuần 18. Ở tuần thai 18, tóc bé cũng mọc nhanh hơn, lớp lông mỏng bao quanh cơ thể cũng dày hơn.

Ngón tay, ngón chân: Đã rõ ràng hơn, không còn màng. Các khớp ở bàn tay, bàn chân cũng hoạt động linh hoạt hơn.

Sự phát triển của các hệ cơ quan

Thận: Đã bắt đầu sản xuất nước tiểu, làm những nhiệm vụ bài tiết đầu tiên

Phổi: Phát triển mạnh mẽ và cũng bước đầu thực hiện chức năng hô hấp

Hệ thần kinh: Phát triển mạnh mẽ. Não bộ lúc này đã nhận “nhiệm vụ" điều hành hoạt động của các hệ cơ quan.

Tim: Đập theo sự chỉ huy của não bộ. Thai nhi 18 tuần sẽ có nhịp tim từ 120 - 160 lần mỗi phút.

Cơ quan sinh dục: Đã phát triển thành hình hoàn chỉnh. Với bé gái, tuần thai này, tử cung và ống dẫn trứng cũng bắt đầu phát triển và nằm đúng vị trí.

Ở tuần thai thứ 18, mẹ đã biết được gần như chính xác bản thân đang mang thai bé trai hay bé gái.

Hoạt động của thai nhi tuần 18

Nuốt nước ối: Ở tuần thai này, mỗi ngày bé đã có thể “uống" một chút nước ối trong bọc ối của mình. Đây là điều hết sức bình thường và mẹ không có gì phải quá lo lắng nhé.

Vận động nhiều hơn: Những vận động tay, chân, lộn nhào của bé cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn ở tuần thai thứ 18. Với nhiều mẹ bầu, thời gian này sẽ có rất nhiều cảm xúc khi lần đầu thấy thai máy một cách rõ ràng.

Mút tay, xoa chân: Đây là những hành động rất đáng yêu mà bé có thể thực hiện mỗi ngày trong thời gian ở bụng mẹ. Mẹ có thể dễ dàng nhận ra những cử chỉ này khi tiến hành siêu âm.

Sự thay đổi của thai phụ khi mang thai 18 tuần

Khi mang thai tuần 17, cơ thể mẹ không có nhiều thay đổi so với tuần thai thứ 17 trước đó. Những thay đổi điển hình của cơ thể mẹ bầu khi mang thai 18 tuần có thể kể đến như:

Gặp vấn đề về hệ tiêu hoá: Chướng hơi, đầy bụng, táo bón là những điều rất dễ gặp phải ở mẹ bầu 18 tuần. Để cải thiện tình trạng này, mẹ nên ăn nhiều rau xanh, uống đủ nước, thư giãn, tránh căng thẳng. Nếu tình trạng kéo dài và khiến thai phụ cảm thấy khó chịu, hãy tìm tới sự tư vấn của các bác sĩ.

Chuột rút: Thời điểm mang thai 18 tuần cũng là lúc mà những cơn chuột rút bất ngờ xuất hiện, nhất là vào ban đêm. Khi gặp phải chuột rút, mẹ hãy bình tĩnh, thả lỏng, massage chân nhẹ nhàng để trở về trạng thái bình thường.

Chảy máu lợi, chân răng: Điều này xảy ra nhiều hơn khi mẹ bầu đánh răng. Tuy nhiên đây cũng là trạng thái bình thường do ảnh hưởng của nội tiết tố. Lúc này, mẹ có thể cải thiện sức khỏe răng miệng bằng việc vệ sinh với bàn chải mềm, ngậm nước muối, dùng chỉ nha khoa… để có được hàm răng khỏe mạnh.

Phù chân: Đây là hiện tượng xuất hiện sớm ở một vài thai phụ. Điều này được xác định là do cơ thể tăng tích nước khi mang bầu. Để hạn chế tình trạng này cũng như tê bì chân, mẹ nên thường xuyên thay đổi tư thế, chịu khó vận động.

Rạn da: Đây cũng là một hiện tượng bình thường và gặp phải ở hầu hết mẹ bầu. Tuy nhiên, mẹ bầu hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng này bằng việc sử dụng dầu dừa hoặc các loại kem chống rạn.

Chăm sóc mẹ bầu khi mang thai 18 tuần cần lưu ý những gì?

Chế độ dinh dưỡng

Mẹ bầu khi mang thai cần hàm lượng dinh dưỡng cao hơn thông thường. Ở tuần thai 18 cũng vậy. Theo các chuyên gia, thời điểm 18 tuần là thời điểm vàng để mẹ tiến hành bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo sự phát triển ổn định cũng như là tiền đề cho thai nhi tăng trưởng mạnh mẽ trong những tuần tiếp theo.

Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu khi mang thai tuần 18 cần đảm bảo các vitamin, khoáng chất như sau.

Những thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất

Trong ba tháng giữa của thai kỳ, nhất là ở tuần 18, mẹ bầu cần đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn vitamin, khoáng chất cần thiết. Điều này sẽ giúp tăng sức đề kháng cho cả mẹ và thai nhi cũng như chống lại các bệnh thường gặp của hệ miễn dịch.

Hiện nay, nguồn vitamin được tìm thấy nhiều nhất trong các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, gan lợn, giò heo, các loại hạt, rong biển, tôm… Bên cạnh đó, bà bầu cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung thêm nguồn vitamin tổng hợp.

Bổ sung dưỡng chất từ sữa

Sữa bò, sữa hạt hay các loại sữa công thức dành cho mẹ bầu là nguồn cung cấp canxi dồi dào, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của xương, cơ. Bên cạnh đó, sữa cũng chứa rất nhiều omega3, omega6, DHA, ARA… giúp não bộ bé phát triển toàn diện.

Khi lựa chọn sữa, mẹ cần tham khảo kỹ các thương hiệu, thành phần cũng như thông tin hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, nếu sử dụng sữa tươi, mẹ bầu nên sử dụng sữa đã tiệt trùng để đảm bảo không bị nhiễm độc.

Nguồn dinh dưỡng quý giá từ cá và trứng

Cá hồi, cá trích, cá thu, cá ngừ, cá mú là nguồn cung cấp chất béo quý giá, trong đó có omega-3 cho sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh ở thai nhi. Vì vậy, mẹ hãy bổ sung nguồn cá vào thực phẩm ăn hàng tuần. Trung bình mỗi tuần, mẹ có thể ăn từ 3 - 4 bữa cá là hợp lý.

Cùng với cá, mẹ cũng đừng quên một thực phẩm vàng mà lại vô cùng rẻ, dân giã đó chính là trứng. Trong trứng có chứa Lecithin rất dồi dào. Đây là hợp chất giúp điều hòa lượng cholesterol trong cơ thể, giúp mẹ tránh khỏi tình trạng tăng cân khó kiểm soát suốt thai kỳ.

Bổ sung các viên uống cần thiết

Sắt, canxi, acid folic là những viên uống tổng hợp mà mẹ bầu cần bổ sung trong tuần mang thai thứ 18 này. Thực tế, mặc dù trong thực phẩm có chứa nhiều vitamin, khoáng chất, tuy nhiên thì lượng ăn mỗi ngày cơ thể vẫn không thể tổng hợp đủ.

Vì vậy, mẹ bầu cần bổ sung từ nguồn viên uống tổng hợp để đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi.

Những thực phẩm cần tránh

Cũng trong thời gian mang thai tuần 18, mẹ bầu cũng nên tránh những thực phẩm, chất độc hại sau để không làm ảnh hưởng tới thai nhi.

Ăn quá nhiều muối: Mẹ bầu ăn quá nhiều muối không những gây nguy cơ tích nước, phù nề mà còn tạo áp lực lên thai nhi. Vì vậy ở giai đoạn này, mẹ hãy cố gắng ăn nhạt có thể.

Tránh xa rượu, bia, đồ uống có cồn: Rượu, bia có thể gây nhiều tác động xấu tới thai nhi, thậm chí gây ra hiện tượng rượu bào thai. Ngoài ra, các loại đồ uống có cồn cũng có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người mẹ.

Thực phẩm nhiều chất béo, đường: Một vài mẹ bầu khi mang thai có xu hướng “hảo ngọt". Bên cạnh đó, cũng có không ít mẹ bầu thấy bản thân khi bước sang tuần 18 mà không có dấu hiệu của việc tăng cân nhiều nên có xu hướng sử dụng thêm các sản phẩm nhiều béo, đường.

Tuy nhiên, đây là một điều hoàn toàn không nên bởi việc ăn nhiều các thực phẩm này có thể gây ra hiện tượng tiểu đường thai kỳ. Khi bị mắc tiểu đường lúc mang thai, mẹ bầu có thể đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và bé như tiền sản giật, sinh non, khó sinh…

Lời khuyên khi mang thai tuần 18

Làm xét nghiệm Triple Test

Triple test là xét nghiệm giúp tầm soát dị tật thai nhi, phát hiện sớm những bất thường bẩm sinh ở thai nhi nếu có. Triple test có thể thực hiện ở tuần 16 - 22 nhưng chính xác nhất là ở tuần 16 - 18.

Siêu âm hình thái thai nhi

Thông thường với lịch khám thai cơ bản, mẹ bầu sẽ khám thai ở tuần 16 và sau đó là chờ tới tuần 20. Tuy nhiên với những mẹ bầu quan tâm tới sự phát triển của em bé, mẹ vẫn có thể tiến hành kiểm tra qua hình thức siêu âm ổ bụng để đánh giá.

Mẹo đối phó với những cơn đau lưng

Ở tuần mang thai 18, mẹ bầu có xu hướng đau lưng nhiều hơn do áp lực lớn lên của thai nhi. Để cải thiện tình trạng này, mẹ hãy tăng cường các hoạt động thư giãn, tắm vòi hoa sen ấm, thực hiện các động massage nhẹ nhàng.

Thai nhi tuần 18 đã có hình dáng gần giống với em bé sơ sinh. Lúc này, mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cũng như những chất có hại để đảm bảo có được thai kỳ khoẻ mạnh.

Chúc các mẹ bầu luôn giữ tinh thần lạc quan, tích cực và cùng con yêu cán đích thành công.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nhung-thay-doi-dang-ngac-nhien-cua-thai-nhi-18-tuan-tuoi-33176/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY