Sức khỏe hôm nay

Những thực phẩm là “chất độc” mà mẹ vẫn tưởng bổ dưỡng và cho bé ăn hằng ngày

Nhiều món ăn quen thuộc mẹ vẫn cho con ăn mỗi ngày vì nghĩ chúng tốt cho trẻ nhưng thực chất nó lại là “chất độc” gây hại tới sức khỏe và tính mạng của bé.

Cháo dinh dưỡng

Cháo dinh dưỡng là món ăn được bán rộng rãi khắp nơi và được nhiều bà mẹ lựa chọn bởi tính tiện lợi. Trong khi công việc bận rộn, mẹ chỉ mất 5 phút ra hàng là có thể mua được một bát cháo cho con thay vì kỳ công nấu nướng.

Tuy nhiên, việc chất lượng của những món cháo này có đảm bảo hay không, bên trong cháo có cho thêm phụ gia hay chất bảo quản gì hay không thì chưa được kiểm chứng.

Hơn thế nữa, cháo bán sẵn thường được đựng trong các hộp nhựa không rõ nguồn gốc, trong khi đó cháo vẫn còn nóng, dễ bị nhiễm chất độc hại từ vỏ hộp.

Tốt nhất, mẹ nên cố gắng tranh thủ thời gian tự tay chuẩn bị đồ ăn cho con, để bé được ăn những món ăn an toàn, đủ chất dinh dưỡng.

Mật ong

Phần lớn các bà, các mẹ ngày xưa khi nuôi con đều cho rằng mật ong rất an toàn cho trẻ nhỏ và thường dùng nó cho trẻ bị tưa lưỡi hay húng hắng ho. Thực ra, mật ong có thể gây nguy hiểm cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nếu chứa bào tử clostridium botulinum - thủ phạm gây một chứng ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm. Tỷ lệ mật ong chứa bào tử vi khuẩn clostridium botulinum là 5%. Con số này rất nhỏ, do đó trường hợp ngộ độc mật ong ít xảy ra. Tuy nhiên nếu trẻ đã lỡ ăn phải, hậu quả nhẹ nhất sẽ là ảnh hưởng đến hệ thần kinh và thậm chí có thể gây tử vong.

Người lớn nuốt phải bào tử clostridium botulinum hầu như không bao giờ bị bệnh bởi hệ tiêu hoá của họ đã trưởng thành, đủ khả năng vô hiệu hoá chúng. Trong khi đó, ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, hệ tiêu hoá còn chưa đủ các vi khuẩn hữu ích, chưa thể tiêu diệt bào tử, ngăn ngừa sự phát triển và sản sinh độc tố của chúng. Vì vậy, khi vào cơ thể trẻ, bào tử có thể giải phóng vi khuẩn và sản sinh độc tố.

Cá thu, cá ngừ

Cá là một nguồn thực phẩm phong phú chứa axit béo omega-3, là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của não bộ và đôi mắt trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các loài cá biển sâu có chứa nhiều thủy ngân như cá thu, cá kiếm, cá mập, á pecca vàng và cá ngừ lại không phải là những thực phẩm tốt.

Một lượng lớn thủy ngân có trong chế độ ăn của trẻ có thể làm suy yếu nghiêm trọng khả năng phát triển của hệ thần kinh và não bộ thai nhi. Thậm chí kỹ năng nhận thức như trí nhớ và mức độ tập trung, ngôn ngữ, kỹ năng vận động và khả năng nhìn cũng bị ảnh hưởng.

Mayonaise

Mayonaise là món ăn yêu thích của nhiều đứa trẻ. Tuy nhiên, trẻ nhỏ ăn mayonaise lại không hề tốt chút nào.

Một thìa mayonnaise có thể chứa đến 90 calo, 10g chất béo và 90mg muối. Chất béo trong mayonnaise lại là chất béo bão hòa, không tốt cho cơ thể. Mặc dù trẻ cần chất béo trong chế độ ăn nhiều hơn so với người lớn để phát triển nhưng mẹ nên sử dụng các nguồn chất béo lành mạnh hơn để nấu ăn cho con như dầu thực vật, dầu oliu, dầu dừa, quả bơ...

Trứng vịt lộn

Trong suy nghĩ của các bà mẹ, trứng vịt lộn là món ăn rất bổ dưỡng, chứa các vitamin nhóm A, B, C, sắt, protein, canxi...

Tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên không nên lạm dụng món ăn này để tẩm bổ cho con bởi nếu trẻ ăn quá nhiều sẽ gây quá tải cho bộ máy tiêu hóa, thậm chí sinh bệnh tiêu chảy.

Theo các chuyên gia, trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn.

Óc lợn

"Ăn gì bổ nấy" là quan niệm từ lâu nay của nhiều người. Tin vào điều này, nhiều mẹ thường mua óc lợn để bồi bồ cho trẻ với mong muốn con thông minh, sáng dạ hơn.

Tuy nhiên, trong óc lợn chứa một lượng cholesterol rất lớn - nguyên nhân chính dẫn đến bệnh béo phì. Ngoài ra, ăn nhiều óc lợn thể khiến trẻ khó tiêu và một số vấn đề khác liên quan đến tiêu hóa.

Mẹ có thể cho trẻ ăn 1-2 lần/tuần, mỗi lần từ 30-50g, tránh ăn nhiều hơn mức này để không gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Thịt cóc

Ruốc cóc là bài thuốc dân gian, các mẹ thường truyền nhau có công dụng tẩm bổ cho trẻ còi xương, chậm lớn.

Thịt cóc có giá trị dinh dưỡng rất cao nhưng nếu không biết cách chế biến an toàn thì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Cụ thể, trong trứng, mỡ, gan, da, hạch thần kinh, mắt, và mủ cóc có thành phần cực độc là Bufotoxine - độc tố rất bền với nhiệt và có khả năng gây tử vong ở người khi ăn phải.

Nếu không biết cách làm hoặc không cẩn thận khiến độc tố từ các bộ phận kể trên dính vào thịt cóc gây ngộ độc và nặng sẽ dẫn tới tử vong.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nhung-thuc-pham-la-chat-doc-ma-me-van-tuong-bo-duong-va-cho-be-an-hang-ngay-27707/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY