Các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, thời tiết miền Bắc đang chuyển mùa khiến trẻ nhỏ khó thích nghi, rất dễ dẫn đến nhiễm bệnh, đặc biệt các bệnh liên quan đến hô hấp. Vì vậy, khi trẻ có các biểu hiện như sổ mũi, ho, sốt… phụ huynh phải chú ý chăm sóc tại nhà như: vệ sinh rửa mũi, cho uống siro ho dạng thảo dược.
Khi thấy trẻ có biểu hiện bệnh gia tăng như ho, khó thở, bỏ ăn uống, ngủ li bì... phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.
Các bác sĩ cũng như chuyên gia dinh dưỡng đặc biệt lưu ý các bậc cha mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng để trẻ có sức đề kháng chống lại bệnh.
Thời tiết giao mùa, trẻ dễ bị ho, hen phế quản. (Ảnh minh họa) |
Ths.BS. Lê Thị Hải- nguyên Giám đốc trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, để phòng tránh ho, hen phế quản cho bé, cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp, đảm bảo đủ dưỡng chất.
“Trẻ hen phế quản thường có cơ địa dễ dị ứng, có thể là dị ứng thời tiết, bụi, phấn hoa hoặc thức ăn… Điều các phụ huynh cần lưu tâm là trẻ hen phế quản có nguy cơ dị ứng thức ăn rất cao. Do vậy, trong chế độ ăn uống hàng ngày, cần tránh xa thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ. Những thực phẩm dễ gây dị ứng gồm: sữa, hải sản, đậu, lạc...”, BS. Hải khuyến cáo.
Cũng theo chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải, muốn trẻ giảm bệnh, giảm tần suất cơn hen cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, trong thức ăn hàng ngày trẻ cần ăn đủ chất đạm (thịt, cá, ôm, cua, trứng, sữa), các vitamin A (rau củ quả, bí đỏ, cà chua, cà rốt, đu đủ, chuối), vitamin C (cam, quýt, bưởi, rau xanh), sắt, kẽm (hàu, ngao, thịt gà)... Chế độ ăn cân đối, cân bằng 4 nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Muốn trẻ giảm bệnh, giảm tần suất cơn hen, các bậc cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trẻ. (Ảnh minh họa) |
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, trẻ bị ho và ho dai dẳng đang là nỗi lo thường trực của nhiều bậc cha mẹ. Cũng vì lo lắng cho tình trạng bệnh của con mà nhiều người sử dụng các bài thuốc dân gian để chữa trị. Tuy nhiên, theo tư vấn của BS. Lê Thị Hải, nếu trẻ bị ho, các bậc cha mẹ cần khám để tìm ra nguyên nhân ho, không tự ý dùng phương pháp dân gian khi chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. “Những phương pháp dân gian chỉ có tác dụng hỗ trợ, phòng ngừa chứ không thể điều trị và trị dứt điểm được bệnh”, BS. Hải nhấn mạnh.
Cũng theo BS. Lê Thị Hải, hiện nay, vấn đề nhức nhối nhất trong cộng đồng là vấn đề an toàn thực phẩm, liên quan trực tiếp đến thức ăn nước uống hàng ngày của con người.
Về khía cạnh sức khỏe, thực phẩm không an toàn sẽ làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể, nhất là hệ miễn dịch ở trẻ còn non yếu, nguy cơ mắc bệnh cao; người già thì thường suy giảm hệ miễn dịch.
“Thức ăn cũ được người dân hâm nóng đi hâm nóng lại nhiều lần sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Khi thời tiết thay đổi, cần lưu ý chế độ dinh dưỡng ngay trong bữa ăn hàng ngày, kể cả những người khỏe mạnh bình thường cũng cần đề phòng ngộ độc thực phẩm”, BS. Hải tư vấn.
N.Giang
Theo nguoiduatin.vn
Chủ đề liên quan: