12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Những vật dụng không nên dùng chung với người khác để tránh lây bệnh

Những món vật dụng cá nhân tưởng chừng bình thường khi chia sẻ với người khác nhưng lại có thể trở thành nguồn lây bệnh không ai ngờ tới. Vì vậy, bạn nhớ kiểm tra thật kỹ và luôn mang theo các vật dụng cá nhân bên mình.

Bấm móng tay

Bạn không thể nhìn thấy nhưng có một lượng lớn vi khuẩn, virus và vi sinh vật nấm trên ngón tay và móng tay. Do đó, bấm móng tay có thể trở thành nơi nhiễm trùng cao. Việc sử dụng công cụ cắt móng tay của người khác sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nấm và virus HPV (siêu vi trùng papilloma ở người).

Hoa tai

Có rất nhiều mạch máu trong tai. Đó là lý do bạn rất dễ bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu chỉ bằng cách đeo hoa tai của người bạn nào đó. Lần tới, khi mượn hoa tai của người khác, bạn hãy lau sạch chúng bằng cồn trước khi sử dụng.

Khăn tắm

Nếu dùng chung khăn tắm, bạn rất dễ bị lây vi khuẩn từ người khác, chẳng hạn vi khuẩn đau mắt đỏ và mụn. Bạn cũng nên giặt sạch khăn tắm sau 4 lần sử dụng.

Bông tắm

Bông tắm lúc nào cũng ẩm ướt. Chính điều này tạo môi trường sinh sôi nảy nở cực kì lí tưởng cho vi khuẩn và nấm. Nếu không muốn mắc phải những căn bệnh như nấm móng tay, nấm da hay mụn thì đừng cho người khác dùng chung bông tắm với mình.

Dao cạo

Dao cạo của bạn thì sẽ không "gây hại" cho bạn. Nhưng chúng lại có thể truyền bệnh nhiễm trùng máu như HIV và viêm gan siêu vi cho người khác nếu dùng bất cẩn.

Son môi

Dưới bề mặt môi cũng có các mạch máu nên vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua bộ phận này. Vì vậy, nếu dùng chung son, virus herpes có thể được truyền từ người này sang người khác, ngay cả khi người mang mầm bệnh không có triệu chứng rõ ràng.

Nhíp

Bạn sử dụng nhíp của người khác để nhổ lông ngoài da thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu sơ ý để chảy máu, nhíp có thể làm lây các bệnh truyền nhiễm như viêm gan C, thậm chí HIV. Các chuyên gia khuyến cáo trước khi dùng chung nhíp nên rửa kỹ bằng cồn.

Lăn khử mùi

Lăn khử mùi để khử mùi chứ không ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn. Nếu dùng chung có thể làm lây nhiễm bệnh, đặc biệt vi khuẩn xâm nhập vào vết thương nhỏ. Nên chọn lăn khử mùi có thành phần kháng khuẩn và không dùng chung, kể cả người trong gia đình.

Kem dưỡng da dạng hũ

Lọ kem dưỡng da của bạn hoàn toàn có thể lây lan vi khuẩn nếu bạn cho người khác mượn và sử dụng nó. Bởi những ngón tay chứa đầy vi khuẩn sẽ làm cho cả lọ kem bị nhiễm khuẩn.

Khi bạn sử dụng ở lần tiếp theo sẽ làm lây lan và gây ra một số bệnh về da liễu mà chính bạn cũng không lường trước được. Do đó, nếu muốn cho người bạn của mình dùng chung thì nên sử dụng đầu tăm bông chứ không nên nhúng tay trực tiếp vào lọ kem.

Lược chải đầu

Vùng đầu là nơi thường xuyên tiếp xúc với gối, ga trải giường hoặc ghế sofa. Vậy nên, nó có thể trở thành nơi ẩn náu của một số loại côn trùng như bọ, mạt nhà... Khi bạn dùng chung lược thì vô tình những con côn trùng này sẽ lây lan sang da đầu bạn và trở thành vật trung gian gây nấm da đầu.

Quần lót

Quần lót là vật dụng tiếp xúc trực tiếp với những phần nhạy cảm của cơ thể và có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bạn. Do đó, nếu bạn sử dụng chung quần lót với những người khác thì không chỉ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh về đường tiểu mà còn có khả năng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Giày dép

Tưởng vô hại nhưng việc sử dụng chung giày dép cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm chân, đặc biệt là những đôi giày dép ẩm ướt vì đi mưa hay ngấm do mồ hôi chân.

Cọ trang điểm hoặc mút tán phấn

Nếu không muốn khuôn mặt nở hoa vì mụn thì tốt nhất bạn đừng tùy tiện dùng chung cọ trang điểm hoặc mút tán phấn với bất kỳ ai.

Bình thường, cọ và mút tán đã có quá nhiều cặn mỹ phẩm và vi khuẩn tích tụ lâu ngày – đó cũng là lý do tại sao chúng cần được thường xuyên làm sạch bằng các chất tẩy rửa dịu nhẹ.

Nếu sử dụng cọ phấn và mút chung với người khác, vô tình bạn đã thu thập thêm cho mình lớp dầu, bụi và tế bào chết của họ lên da mặt. Chưa kể đến một vài trường hợp, mụn hoặc các bệnh lý về da như eczema cũng sẽ ghé thăm trong một ngày gần nhất nếu bạn vẫn duy trì thói quen này.

Kẻ mắt

Bạn cho rằng cho người khác mượn bút kẻ mắt chẳng có gì to tát và không hề ảnh hưởng đến “hòa bình thế giới”. Nhưng nếu biết được rằng, một trong những nguyên nhân sưng phù mí mắt, lên lẹo và đau mắt đỏ lại là từ việc dùng chung các sản phẩm trang điểm mắt thì có lẽ bạn cũng dè chừng hơn.

Chì, bút hay gel kẻ mắt đều là những món đồ làm đẹp tiếp xúc trực tiếp và sát nhất với vùng da mắt mỏng manh, dễ dàng chạm đến lớp dịch có bên trong mắt khiến cho các vi khuẩn thâm nhập và gây ra các bệnh viêm nhiễm không mong muốn.

Tai nghe

Sử dụng món vật dụng cá nhân này có thể làm tăng sự phát triển của vi khuẩn trong tai. Nguy cơ sẽ càng gia tăng nếu bạn sử dụng tai nghe trong lúc tập luyện thể thao do nhiệt độ và độ ẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Khi bạn dùng chung tai nghe, một số vi khuẩn như streptococcus hay staphylococcus có thể xâm nhập vào tai và gây nhiễm trùng, mụn nhọt, mụn mủ…

Bàn chải đánh răng

Ngay cả khi bạn rửa sạch bàn chải đánh răng ra sau khi sử dụng, nó vẫn còn những vi khuẩn trên các lông bàn chải và sẽ phát triển qua đêm”, Tierno nói.

Vi trùng miệng của bạn sẽ không làm cho bạn bị bệnh nhưng vi khuẩn trên bàn chải đánh răng từ miệng của người khác, có thể truyền mầm bệnh mới gây cảm lạnh thông thường, tác nhân vi khuẩn, norovirus (cúm ở dạ dày)…

Phong Vũ

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/nhung-vat-dung-khong-nen-dung-chung-voi-nguoi-khac-de-tranh-lay-benh-27230/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY