Những ngày đầu năm học thường là niềm vui của tất cả phụ huynh trên cả nước. Với những cặp vợ chồng trẻ...
Những ngày đầu năm học thường là niềm vui của tất cả phụ huynh trên cả nước. Với những cặp vợ chồng trẻ, còn gì hạnh phúc hơn khi đưa con vào lớp một. Và với mọi gia đình, đấy là cột mốc trong năm cho ta nhìn thấy con cháu lớn qua việc vào lớp mới, cấp học mới.
Thế nhưng nhiều năm gần đây, những ngày đầu năm học bỗng trở thành nỗi lo được cụ thể nhất qua cuộc họp phụ huynh đầu năm. Cuộc họp đầu năm không còn ý nghĩa như xưa là để phụ huynh cùng thầy cô chủ nhiệm giao lưu, lắng nghe nhau, cùng bàn bạc cách kết hợp giáo dục con cháu khi ở nhà và lúc đến trường. Những cuộc họp phụ huynh đầu năm học bỗng trở thành nỗi ám ảnh về những khoản thu.
Không mong như ở các nước tiên tiến hoặc như nước ta ngay hồi chiến tranh chống Mỹ, học sinh đi học không mất học phí, phụ huynh hiểu cho con đi học phải đóng học phí là tất nhiên. Xã hội phát triển, chuyện đóng bảo hiểm y tế cũng là dễ hiểu nhưng hình như nhà trường đang có hiện tượng loạn thu rất tùy tiện, không thể kiểm soát nổi hoặc có thể là sự thả nổi của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên. Dư luận kêu, Sở - Phòng Giáo dục các tỉnh thành hầu như đều ban hành những “quy định thu” và răn đe chuyện lạm thu nhưng năm này qua năm khác vẫn không hề thay đổi.
Chỉ xin lấy một trường ở tỉnh nghèo như Trường THCS thị trấn Vạn Hà, Thanh Hóa mà báo chí hay nhắc đến thời gian qua. Đầu năm học 2015-2016 mỗi học sinh phải đóng góp khoản thu theo quy định gồm: học phí 270.000 đồng, bảo hiểm y tế 470.000 đồng đã là 740.000 đồng, không nhẹ với một gia đình nông dân và nhà có 2 con đi học cũng thành gánh nặng nếu nhà trường thu ngay một lần. Và rồi lại đủ thứ quỹ xuất hiện: Quỹ Hội chữ thập đỏ 15.000 đồng; Quỹ đoàn đội 25.000 đồng; Quỹ hội cha mẹ học sinh lớp và Quỹ cha mẹ học sinh trường 600.000 đồng; Quỹ lớp 200.000 đồng.
Không hiểu các quỹ trên được sử dụng thế nào? Ai quản lý và giám sát chi tiêu khi chẳng có nguyên tắc? Chưa hết! Còn bao khoản thu khó hiểu như: Tiền gửi xe 135.000 đồng; Các khoản xã hội hóa giáo dục như xây dựng cơ sở vật chất 300.000 đồng; Nước uống học sinh 50.000 đồng, ghế nhựa 10.000 đồng; sổ liên lạc, vở luyện viết 15.000 đồng; lắp máy chiếu 3.000.000 đồng mỗi lớp.
Đi học chính khóa thế nào mà phải có cả phí học thêm 10.000 đồng/buổi x 128 buổi bằng 1.280.000 đồng. Tóm lại, số tiền mỗi học sinh đóng góp đầu năm học cho cả các khoản bắt buộc và tự nguyện là trên dưới 3 triệu đồng.
Đau đớn thay khi khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đắp nổi bằng xi măng trên chỗ trang trọng nhất trong trường đã bị dư luận hài hước thành “Tiên học... phí, hậu học... thêm”! Đau đớn thay khi thầy cô là bậc đáng kính trọng khi thu phí “tự nguyện” theo lệnh Ban giám hiệu (BGH) nhà trường với “đề xuất” của “Hội phụ huynh” đã bị nhiều phụ huynh ấm ức coi là hình thức “xin đểu” khi mà con cháu họ không thể không đi học, bị phụ thuộc vào nhà trường! Nói cho công bằng, các thầy cô phải thực hiện theo yêu cầu của BGH, còn số tiền khổng lồ từ mỗi em nhân với tổng số học sinh trong trường được dùng ra sao chắc chỉ có Hiệu trưởng và kế toán của trường là nắm rõ nhất!
Không có ai giám sát những khoản “tự nguyện” vì không phải tiền từ ngân sách và cũng không có phụ huynh nào phản đối nên sự im lặng thành sự đồng thuận và nhất trí. Thế cho nên khi có một phụ huynh thắc mắc thì ông Lê Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vạn Hà có lẽ ngạc nhiên, thấy “trái khoáy” khi buổi họp phụ huynh đầu năm có 487 người đi họp và duy nhất một phụ huynh nêu ý kiến trái chiều đã phải “công bố” tên phụ huynh “dũng cảm” này trước buổi chào cờ toàn trường vào sáng hôm sau! Bị dư luận lên án, ông Hiệu trưởng thanh minh: “Chỉ có ý cung cấp thông tin về cuộc họp chứ không có ý xúc phạm hay lăng mạ”, song liệu đây có phải là hình thức trấn áp, Kh*ng b* người nói thật của kẻ có quyền?
Câu chuyện ở Trường THCS thị trấn Vạn Hà chắc không phải có ở tất cả các trường nhưng cũng chắc chắn không phải là duy nhất. Rất nhiều hình thức “sáng tạo” trong việc loạn thu nhân danh “vì con cháu chúng ta” do một số “Hội phụ huynh” đưa ra theo sự giật dây của BGH khiến nhiều gia đình tự nguyện đầy ấm ức nhưng cũng phải dằn lòng. Và những máy chiếu, quạt, máy điều hòa, bàn ghế... sử dụng trong không ít nhà trường bỗng chỉ có thời hạn sử dụng trong một năm vì năm nào cũng thu bỗng trở thành hài hước đầy buồn và cười!
trong tháng đầu năm học">nỗi buồn
trong tháng đầu năm học không phải chỉ xuất hiện từ năm nay khiến dư luận nghi ngờ: Liệu có sự “thông cảm” từ Phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo với các trường đang loạn thu? Câu hỏi này xin chuyển tới Bộ Giáo dục và Đào tạo với hy vọng năm học mới được thật sự là niềm vui trong mỗi gia đình trên cả nước.
Lê Quý Hiền