12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Nổi trôi phận đời bán máu

Cuộc sống của những con người này cứ như một vòng tròn, không biết đâu là điểm đầu, cũng không biết đâu là điểm cuối. Họ đi bán máu để có tiền duy trì sự sống rồi lại bán đi chính sự sống đó để được… sống.

8h sáng một ngày hè nóng bức, Khoa Thu gom máu (Viện Huyết học Truyền máu Trung ương) khá đông người nhưng không có cái ồn ào, náo nhiệt. Những người đến đây, vừa rụt rè vừa thành thục bắt đầu ngồi vào ghế chờ, cặm cụi điền thông tin cá nhân vào tờ phiếu màu xanh ghi “Phiếu hiến máu nhận tiền bồi dưỡng” số chứng minh nhân dân, họ và tên… Sau đó, họ rút sang phòng bên, nhỏ nhẹ và im lặng ngồi cạnh nhau, chờ bác sỹ gọi đến tên mình vào khám sức khoẻ, xét nghiệm và…lấy máu.

1. Vì nghèo quá chú ơi!!

Tôi để ý tới một người đàn ông có chất giọng miền trung nhỏ nhẹ lọt thỏm giữa đám đông ấy. Sự buồn bã hiện hữu trên khuôn mặt, anh ta rút vào ngồi lặng lẽ trong góc với cái nhìn u tối. Có lẽ, không ai đoán được rằng anh chưa tới tuổi 50, bởi bề ngoài của người đàn ông này chẳng khác một ông lão, da dẻ nhăn nheo, xanh mét. Anh tên Nguyễn Văn Định, quê ở Nghệ An. Câu chuyện của anh khiến tôi không khỏi đau xót. “Gần 9 năm nay, từ ngày vợ bị bệnh liệt giường, mọi chi tiêu trong gia đình đều đổ hết lên vai tôi. Nào tiền ăn cho cả nhà, tiền thuốc men của bà ấy, tiền học của 2 đứa con. Trong khi tôi chỉ đi bán nước trước cổng chợ, hoặc đi làm phụ hồ nếu ai thuê, cố lắm thì đủ ăn, túng quá đành làm liều thôi”, anh tâm sự. Theo quy định, mọi người bắt buộc phải 2 tháng mới được hiến máu một lần nhưng tháng nào anh cũng tự nguyện... bán.

Để tránh sự nhận diện của bác sỹ, anh làm nhiều thẻ hiến máu ở các bệnh viện khác nhau. Và cũng để có máu bán hàng tháng, anh dùng cách uống thật nhiều viên sắt và nước chanh muối. Trước mỗi lần đến viện bán máu, anh luôn uống thêm thật nhiều nước. Bán xong lại lấy tiền ra hiệu thuốc mua thêm viên sắt uống bổ sung...

Trước thắc mắc tại sao anh lại có mặt ở Hà Nội, Định buồn bã cho biết, 9 năm bán máu chuyên nghiệp từ Hà Tĩnh ra đến Thanh Hóa, anh nhẵn mặt hết các bác sỹ và các bệnh viện ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Gần đây khi anh đến bán máu, các bác sỹ vì lo cho sức khỏe của anh đã không chấp nhận cho bán. Tháng trước vợ lại lên cơn động kinh, không còn đường nào khác anh phải nhờ mấy người thân tạm chăm sóc, anh ra bến xe năn nỉ mấy bác tài cho quá giang ra Hà Nội để… bán máu. Số tiền ít ỏi chỉ vài trăm bạc, cộng với tiền đi phụ hồ mấy hôm trước, nhưng đó là nguồn hy vọng của anh trong việc níu kéo sự sống cho người vợ ở quê trong lúc này...

Từ phòng lấy máu, một phụ nữ da xanh mướt, bước đi không nổi đang được y tá dìu sang phòng điều dưỡng. Gần 1 tiếng đồng hồ sau, chị mới bắt đầu hồi tỉnh. Quê gốc ở Thanh Hóa, cách đây hơn 20 năm, chị tên Lê Thanh Hiền (tên trong thẻ bán máu) bị chồng phụ bạc, rời bỏ làng quê xứ Thanh ra Phủ Lý (Hà Nam) cùng 3 đứa con nhỏ. Không nơi nương tựa, không tiền trong tay, không nghề nghiệp, chị đành chọn nghề bán máu để nuôi con.

"Đó là năm 1988, nhận được 35 đồng tiền từ lần bán máu đầu tiên, tôi ứa nước mắt nhưng cũng ấm lòng khi nghĩ về một bữa cơm nóng cho con, nghĩ đến việc trả được tiền nhà đúng hạn", chị Hiền nhớ lại.

Thế là từ đó, mỗi tháng, khi đến hạn nộp tiền nhà, khi con ốm, khi con cần nộp tiền học… chị lại vào viện. Có sổ theo dõi, quản lý tại Bệnh viện tỉnh, nhưng ngày đó “nếu chờ hạn đến lấy máu như quy định (trước đây là khoảng 2 tháng một lần, bây giờ là 3 tháng) thì có mà… chết đói”, nên chị cũng như nhiều người khác tìm cách dạt đi các bệnh viện khác nhau để bán.

Thành quả của những ngày rong ruổi khắp các bệnh viện của chị là những đứa con ăn học nên người, có đứa đang là sinh viên đại học. Chị bảo, đây sẽ là lần cuối cùng chị đi bán máu. Con cái đã phương trưởng có thể đỡ đần mẹ, giờ đây chị chỉ ước có thể đặt một chiếc bàn bán nước trước cổng bệnh viện mà thôi.

2. Bố mẹ ở quê hãy yên lòng về con

Mỹ Vân, một cô gái còn khá trẻ mà tôi gặp ở phòng chờ cho biết đang là công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long thổ lộ: “Quê em ở Hải Dương, lên Hà Nội được 3 năm rồi, nhưng lương công nhân thấp quá, tháng này muốn có tiền gửi về nhà em phải đi bán máu”.

Vân vốn là con gái lớn trong gia đình có 2 anh em. Tất cả thu nhập của gia đình đều trông chờ vào mấy mẫu ruộng khoán. 3 năm trước, nhà còn có thu nhập thêm khi qua ngày mùa, bố mẹ lại đi phụ hồ hoặc làm thêm bất cứ việc gì có thể. Nhưng một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra bố cô bị chấn thương cột sống, mọi việc trong nhà trông chờ vào bàn tay của người mẹ, trong khi đứa em trai vẫn còn học tiểu học. Gạt đi nước mắt, hết cấp III cô lên Hà Nội kiếm việc làm phụ giúp gia đình. Trình độ không có, cô xin vào làm công nhân với đồng lương rẻ mạt, tính vài năm nữa vừa làm vừa học cô sẽ tiếp tục giấc mơ được ngồi trên giảng đường. Bây giờ mỗi tháng, cố phải chắt chiu từng đồng một, kể cả đi bán máu để có được thêm ít tiền gửi về cho mẹ nuôi em và thuốc thang cho bố mà vẫn phải nói dối bố mẹ rằng mình đã tìm được một việc làm ổn định.

Vân tâm sự thêm “Công nhân bọn em, nhiều đứa phải sống thêm bằng nghề này mới mong có tiền lo cho gia đình”. Gương mặt của cô gái đơi mươi hằn lên sự cam chịu và nét xanh xao của người thường xuyên bán với niềm an ủi duy nhất: mong cho người thân ở quê nhà được bình an và khỏe mạnh.

3. Đồng tiền bán máu trôi theo những thú vui

10h30 sáng, khi phòng chờ thưa bớt người thì xuất hiện 2 thanh niên còn trẻ măng, chỉ xấp xỉ 20 tuổi. Rất nhanh chóng, họ lấy phiếu và điền tên rồi chờ đến lượt một cách thuần thục. Tôi liếc nhìn vào phiếu đăng ký, họ ghi một là sinh viên của trường Đại học Giao thông Vận tải, một người là của trường Thương Mại. Tác phong của 2 anh chàng này, tôi chắc đó không phải là những sinh viên tỉnh lẻ nghèo, kẹt tiền…bởi chỉ nhìn vào quần áo cũng đã thấy toàn đồ hàng hiệu.

Ngồi trong phòng chờ, hai chàng trai cứ vô tư trò chuyện rôm rả. Qua câu chuyện thì lần này họ đi bán máu vì đã lỡ nướng sạch tiền vào lô đề nên giờ kẹt tiền học phí. Khi tôi hỏi “đi bán nhiều lần chưa?”, cậu sinh viên tên Mạnh Vinh (tên ghi trên phiếu) bình thản cho tôi biết: “Khi nào cần gấp thì đến đây. Tiền học phí kỳ này em lỡ tiêu hết, mà sắp hết hạn nộp rồi không biết lấy đâu ra, nên đành phải đi bán máu, không thì không được thi”. Tôi nhẩm tính, với cân nặng 65kg của Mạnh Vinh và Nguyên Vũ (tên người còn lại), thì mỗi lần bán máu, các cậu được lấy khoảng 350 đến 450ml máu, và số tiền các cậu nhận được cũng chỉ khoảng 10 điểm lô, không biết xoay thêm cách nào cho đủ tiền học phí? Nhìn vào họ, nhiều người tại phòng chờ không khỏi ái ngại vì "nhựa sống" của các cậu đang được trích dần cho những lô đề, sới bạc.

Lời kết

Đằng sau những thân phận bán máu chuyên nghiệp đa số là chuyện buồn. Họ đều có những lý do riêng, nhưng tựu chung là vì quá nghèo khó. Thật xót xa khi phải chứng kiến những thân thể gầy mòn cứ đến hẹn lại lên bệnh viện bán đi nhựa sống của mình. Nhưng đời cũng thật tréo ngoe, đã có những người vì muốn được sống đành bán đi nhựa sống thì lại có những người chỉ vì những thú vui nhất thời đã rồ dại bán đi nhựa sống chỉ để chơi lô, cá độ, rượu chè… Càng nghe càng thấy xót xa.

Minh Hải

*Tên các nhân vật đã được thay đổi

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/noi-troi-phan-doi-ban-mau-16547/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY