Tình yêu và giới tính hôm nay

Nữ đạo diễn Mỹ Khanh và những hoạt động hạnh phúc của mình

Sau bộ phim Lục lạc huyền bí, khán giả hâm mộ vẫn chưa thấy một sản phẩm nào mang tên “Made in Mỹ Khanh” bởi chị đang tạm ngưng công việc làm phim để nạp năng lượng, đi học và viết kịch bản cho bộ phim mới của mình.

Dù bận túi bụi nhưng sau nhiều cuộc điện thoại, nữ đạo diễn đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thú vị.

Trong giới làm phim Việt Nam hiện nay nữ đạo diễn chỉ có vài ba người. Nữ đạo diễn Việt Linh hầu như đã không còn làm phim. Nữ đạo diễn Hồng Ngân cũng đã nhiều lần muốn bỏ nghề. Còn chị - Nũ đạo diễn Mỹ Khanh, có bao giờ chị nản lòng vì thấy nghề đạo diễn vừa cực khổ vừa bạc bẽo, chịu lắm thị phi?

Tôi nhìn nhận rõ ràng về nghề.

Nói về “Cực khổ”: Tôi đã biết trước và chấp nhận từ lúc chuẩn bị thi vào học đạo diễn nên có cực khổ mấy cũng không nản lòng.

Nói về “Bạc bẽo”: Tôi xem đương nhiên là thế nên nó chẳng đủ sức để làm tôi chán.

Nói về “Thị phi”: Tôi xem đấy là điều hiển nhiên, nó là một trong những tính chất của nghề rồi nên lòng mình chẳng nao núng .

Nhưng gần đây có một thứ làm tôi thật sự nản lòng. Đó là cách làm ăn cẩu thả, vô trách nhiệm. Cách làm mà các đoàn phim thường nói vui là… đi giật tiền!

Một bộ phim là một tổng thể được lắp ráp bởi mấy chục bộ phận kết nối hài hòa vào nhau. Mỗi bộ phận đều quan trọng như nhau, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, tinh tế… Chỉ cần một khâu lơ là, chất lượng cảnh phim đó, đoạn phim đó xem như hỏng. Khi ráp một chuỗi các cảnh, các đoạn cùng nhau, chỉ cần một chút xíu hỏng, cảm xúc người xem sẽ hẫng ngay tức khắc. Nó giống như bạn đang ăn bữa cơm ngon mà cắn trúng hạt sạn vậy.

Nhưng mấy năm nay, hàng loạt phim truyền hình đang được sản xuất theo cách mà khi vào bữa ăn, người xem thay vì tìm sạn thì chuyển sang… tìm cơm để nhặt và lấy đó làm niềm vui vì dù sao cũng còn có vài hạt cơm an ủi!

Hậu quả của việc làm phim truyền hình cẩu thả gây nguy hiểm rất lớn cho xã hội. Nó không những góp phần rất lớn làm hỏng cả một thế hệ, không những sản sinh ra một lớp người mới tham gia việc làm phim theo tư tưởng chụp giật, ăn xổi ở thì, không chịu học hành… mà còn làm điện ảnh mất luôn những đạo diễn vốn từng rất giỏi. Điều này làm cho ngành điện ảnh, truyền hình nước ta vốn dĩ chưa mạnh, chưa tốt ngày càng èo uột hơn.

Ai cũng biết nghề đạo diễn luôn khó khăn với nữ giới hơn là nam giới, nhưng cụ thể là khó khăn như thế nào, thưa chị?

Không phải vô cớ mà người ta nói nghề đạo diễn Điện ảnh được xem là nghề của đàn ông. Chỉ cần căn cứ vào 5 yếu tố quan trọng trong nghề đạo diễn, bạn sẽ thấy sự tương quan giữa hai phái:

1. Nền tảng văn chương, văn hóa và vốn sống: cả hai giới có khả năng như nhau.

2. Nắm bắt kỹ thuật để xứ lý ngôn ngữ hình ảnh: nam giới luôn thuận lợi hơn phụ nữ trong các lĩnh vực thuộc về máy móc kỹ thuật như kỹ thuật ghi hình, ánh sáng, âm thanh, dựng hình, kỹ xảo…

3. Điều hành các bộ phận làm việc theo tưởng tượng của đạo diễn: ở phương Tây không có khoảng cách giữa đạo diễn nam và nữ. Nhưng ở các nước phương Đông, hầu hết các đấng mày râu đều tỏ ra nghi ngờ khả năng của nữ đạo diễn. Cách suy nghĩ đó, ảnh hưởng khá mạnh tới quy trình và cách thức làm việc của các nữ đạo diễn.

4. Khả năng chỉ huy ngoài trường quay: 95% nhân sự đoàn phim là đàn ông, tâm lý đàn ông Ccâu Á là ghét bị phụ nữ chỉ huy nên sinh ra rắc rối. Với nam đạo diễn, họ cho đó là bình thường, đương nhiên phải thế. Còn với nữ đạo diễn, họ không những không chấp nhận mà còn luôn nâng cao tư tưởng chống đối.

5. Đủ lý luận để bảo vệ từ ý tưởng cho tới tác phẩm trước các Hội đồng kiểm duyệt và dư luận: Yếu tố này là lợi thế hiếm hoi của các nữ đạo diễn so với các nam đạo diễn vì tính tình phụ nữ mềm mỏng hơn.

Công việc đạo diễn đầy nặng nhọc đòi hỏi một bản lĩnh cứng cỏi có làm con người chị dần nam tính hóa? Chị có sợ sự say mê nghề sẽ khiến chị dần mất đi sự nữ tính?

Mất rồi thì còn sợ gì nữa chứ! (Cười to).

Nói đùa cho vui thôi, tôi hỏi bạn nhé. Vì sao suốt hơn ngàn năm bị Bắc thuộc xâm lược, dùng nhiều cách đồng hóa người Việt, nhưng không những chẳng đồng hóa được mà người phương Bắc lại còn sống như người Việt? Vì sao Việt Nam vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng biệt?

Đó là do đàn bà Việt mềm dẻo nhưng kiên cường, rất giỏi dạy con giữ gìn truyền bá đời sống văn hóa truyền thống. Bản chất của phụ nữ Việt nam rất mạnh mẽ, cứng cỏi. Chính việc họ luôn tỏ ra mềm mại, dịu dàng như nấp sau lưng người đàn ông của mình càng cho thấy bản lĩnh vững vàng của họ.

Và tôi chỉ là người được kế thừa khí chất đó từ các bà, các mẹ thôi. Việc làm đạo diễn hôm nay có nhằm nhò gì gì so với những điều các bà, các mẹ đã làm từ ngàn xưa tới giờ đâu mà lo sợ mất nữ tính.

Ông xã chị là người ngoại đạo với nghệ thuật, anh ấy có ý kiến và hỗ trợ gì về nghề nghiệp của chị?

Không chỉ có ông xã mà cả gia đình chồng và gia đình tôi đều hết lòng hổ trợ tôi trong tất cả mọi việc.

Để làm được một bộ phim, chị phải thường xuyên đi sớm về muộn, thời gian nào chị lo giữ lửa mái ấm gia đình? Chị có thích nấu ăn? Một tuần chị vào bếp được mấy lần?

Làm phim có ba giai đoạn:

- Viết kịch bản phân cảnh và chuẩn bị.

- Quay phim.

- Hậu kỳ.

Giai đoạn quay thì tôi mới đi sớm về muộn, lúc đó hai cha con sẽ ghé nhà ông bà nội ăn cơm.

Hai giai đoạn kia thì buổi chiều cả nhà cùng vào bếp, nhấp nháy là xong ngay cơm chiều.

Nói thiệt nha, tôi không thích nấu ăn đâu. Có lẽ do hồi bé tôi là chị lớn trong nhà nên phải vào bếp sớm nên giờ tôi rất sợ. Ngày đó tôi thường xuyên ao ước lớn lên thoát khỏi cảnh này mà (cười ta)!

Người ta nói đạo diễn là vua trên phim trường, nên có thể chỉ đạo bất cứ ai ngoài phim phim trường, về nhà có khi nào chị ảnh hưởng nghề nghiệp chỉ đạo chồng?

Chuyện này… bí mật nhá! Kakaka !

Có thể có, có thể không, có thể lúc có lúc không… Mời bạn đoán!

Người làm nghệ thuật thường lãng mạn, bay bổng, chị thuộc tuýp lãng mạn ít-vừa hay nhiều? Ông xã có sợ tính lãng mạn của vợ? Trong nhà, anh hay chị là người hay ghen?

Tôi không lãng mạn nhiều đâu mà lãng mạn… rất rất nhiều ấy chứ.

Lúc mới yêu nhau, chàng lo lắm chứ, nhưng sau một thời gian hiểu môi trường làm việc của mình, hiểu tính ý và sự rõ ràng của mình nên tạm yên tâm.

Tới giờ phút này chưa thấy bên nào ghen cả, không biết ở thì tương lai có lên cơn ghen không , chờ xem “hồi sau sẽ rõ”. Nhưng thường các ông thì khúc đầu không ghen thì thôi, khúc đuôi chả ai ghen làm gì phải không!?

Mỗi khi bắt tay vào làm phim, nhà sản xuất luôn muốn đẩy cao tiến độ thực hiện để kịp phát sóng và tiết kiệm kinh phí, điều này khiến đạo diễn gặp nhiều áp lức. Vậy để có sức làm việc với cường độ nặng thói quen giữ sức khỏe của chị là gì?

Tôi có những sinh hoạt tự đặt tên là “hoạt động hạnh phúc” như sau:

- Đi ngủ sớm và thức dậy sớm: để ngắm bầu trời ban mai, nghe âm thanh, hít thở khí trời. Sự chuyển đổi vạn vật trong trời đất giữa đêm và ngày, sắc màu của bầu trời ban mai, không ngày nào giống ngày nào tạo nên những suy đoán thú vị. Điều này như nguồn năng lượng tinh thần cho tôi niềm tin yêu đời để làm việc cả ngày không mệt mỏi.

- Ăn uống đơn giản: thức ăn của tôi thường không chế biến cầu kỳ, không dùng dầu mỡ, gia vị nhiều. Việc thưởng thức hương vị thật của từng món ăn là một hoạt động hạnh phúc , nhất là mùi vị các loại rau, các loại cá. Và tôi cũng thường ăn ót cơm.

- Uống nhiều nước: đây là thói quen bất di bất dịch của tôi và tôi còn dùng thêm sữa ong chúa, nước nấu từ nấm linh chi tươi, từ gạo lức, thuốc từ đậu nành, dầu cá…

- Hàng ngày đều xem phim, xem tivi: nhưng tôi không ngồi hay nằm mà vừa bước trên máy, chạy bộ trên không… vừa xem.

- Sống thanh thản: những gì đã qua tôi cho qua không nuối tiếc, không bon chen, không để bụng, luôn hài lòng và quý trọng những gì đang có.

- Luôn luôn nghĩ và sáng tạo ra cái mới: hầu như mỗi ngày tôi đều nghĩ ra một cái gì đó thật mới lạ, niềm vui của việc này lớn lắm, tạo hưng phấn tinh thần rất cao.

- Thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật: bao gồm từ văn học cho đến phim ảnh, âm nhạc, mỹ thuật… Giờ đây trong danh sách của tôi có thêm việc lên Facebook tám với bạn bè khắp nơi nữa.

- Nhưng tôi cũng có một thói quen… hại sức khỏe đó là nghiện cà phê! Biết cần phải giảm và bỏ nhưng tập hoài chưa được.

Thời 20, chị nổi tiếng là người đẹp. Khi tuổi xuân qua đi chị thấy mình được gì và mất gì? Ước nguyện của chị?

Cái thời 20, người ta nói tôi đẹp thì tôi không ý thức hết vẻ đẹp của mình vì lúc đó được giáo dục rằng vẻ đẹp bên ngoài không quan trọng bằng vẻ đẹp tâm hồn và học vấn.

Thời ấy lại còn rất khó khăn, chỉ lo làm lụng kiếm tiền cho bản thân và ba đứa em ăn học.

Giờ xem lại ảnh cũ, mới thấy à cũng đẹp đẹp ấy chứ thì đã qua mất rồi! Nhìn lại thấy đời mình hay quá, như được sống nhiều bằng 2 bằng 3 cuộc đời gộp lại, lúc nào cũng được sống tới tận cùng những đam mê.

Được học và làm nghề mình yêu thích một cách nghiêm túc. Được gặp gỡ, trò chuyện, kết bạn, học hỏi và thân thiết với nhiều người quá tuyệt vời. Tất cả những điều mình có được đều do mình tự làm ra một cách nghiêm túc nên rất vui.

Tôi rất hài lòng với công việc, gia đình và vẻ ngoài hiện nay của mình!

Vì vậy chưa bao giờ tôi có cảm giác được mất như bạn hỏi, chỉ có nỗi mất mát thường trực trong lòng mình mười mấy năm nay chính là sự ra đi của ba và bà ngoại, hai người thân yêu nhất của tôi.

Giờ đây tôi ước có đủ sức khỏe, sự sáng suốt, lòng trong sáng để có thể làm phim mãi mãi.

Đạo diễn Mỹ Khanh tốt nghiệp khóa diễn viên năm 1992. Sau đó chị tiếp tục theo học khóa đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh ở Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh Tp.HCM.

Ngoài bộ phim ngắn Bỏng đoạt giải 2 tại Liên hoan phim ngắn toàn quốc 2003, một số tác phẩm truyền hình khác do Mỹ Khanh thực hiện cũng tạo được sự thú vị cho khán giả màn ảnh nhỏ: Xóm cào cào, U6& U7, Ba chàng trai tuổi Hợi, A Cappella, Lục lạc huyền bí…

Phong Nguyễn

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/nu-dao-dien-my-khanh-va-nhung-hoat-dong-hanh-phuc-cua-minh-16913/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY