Tôi không cần ai!
Trước con mắt chờ đợi của bố mẹ, Thắng đã hét lên như thế khi tòa hỏi con muốn ở với bố hay mẹ. Hơn 8 tháng bỏ nhà đi bụi đời, giờ Thắng đã nhìn cuộc đời với con mắt vô cảm. Nó chẳng biểu lộ tình yêu thương hay oán giận.
Ngồi thu lu nơi góc phòng xử ly hôn, mắt nó ráo hoảnh nhìn về một nơi xa xăm nào đó mà không thèm để ý đến những tranh chấp giữa hai con người tạo ra nó. Có lẽ cả bố mẹ đều xem nó như một món đồ quý mà sau khi lỡ vất đi thì bây giờ là lúc cả hai đang tìm cách giành lại.
Nhìn gương mặt hốc hác, ngỡ ngàng và thất vọng của bố mẹ khi nghe Thắng nói thế, nó không khỏi chạnh lòng. Nhưng nếu nó thấy hai gương mặt đó như thế cách đây 8 tháng thì có lẽ cuộc đời nó sẽ khác và nó đã không lạnh lùng đến như vậy.
1 năm trước, Thắng và bố - anh Đỗ Quốc Việt (Tân Bình, Tp.HCM) chẳng mấy khi gặp mặt nhau. Ngày nào cũng như ngày nào, khi Thắng dậy đi học thì bố đã đi làm từ sớm. Đến chiều Thắng đi học về thì bố lại cà phê hay bia bọt với đồng nghiệp, đối tác.
Những lần đi chơi triền miên đó, anh Thắng đã vướn vào vòng bồ bịch lăng nhăng mà quên mất anh còn có một gia đình, một người vợ và một đứa con trai luôn cảm thấy cô đơn ở nhà. Anh quên mất trách nhiệm làm chồng, bỏ mất bổn phận làm cha và đem tình yêu thương mang đi cho những cô gái tìm mọi cách chiều chuộng và moi tiền ở anh.
Còn vợ anh, chị Lê Thị Tuyết Diệp một giám đốc nhân sự ở một chi nhánh công ty xuất nhập khẩu đồ gỗ gia dụng, khi biết được chồng có bồ đã hết lời khuyên can chồng mà không được kết quả gì.
Vì sĩ diện mình cũng đẹp, cũng giỏi thì tại sao phải quị luỵ một người đàn ông không ra gì? Thế là chị quay ra tìm cách trả thù chồng. Chị đi tìm những chàng trai trẻ để cặp bồ, chị tung tiền đi sửa sắc đẹp, chị thay bồ như thay áo, mà toàn những chàng trai trẻ đẹp cao to hơn chồng, chị khích bác và xem thường chồng.
Chị cảm thấy mình chiến thắng khi anh tức điên lên mỗi lần chị đi chơi qua đêm mà không về nhà. Chị hả dạ vì trả thù được chồng bằng trò chơi “ông ăn chả, bà ăn nem”. Chẳng biết hai món ăn đó ngon đến thế nào, nhưng mỗi khi gặp nhau cả hai anh chị đều không tiếc lời “đao to búa lớn” tặng cho nhau mà không biết sau lưng Thắng âm thầm nghe và gặm nhấm nỗi buồn một mình.
Sống trong những tiếng cãi cọ hàng ngày của bố mẹ, Thắng trở nên cộ độc và lì lợm. Cho đến một ngày, khi đi học về Thắng thấy bố mẹ thóa mạ nhau, rồi đạp phá đồ đạt trong nhà… chán ngán và sợ hãi, cậu bé lủi về phòng rồi lặng lẽ cho một ít vật dụng vào ba lô và bỏ nhà ra đi.
Ảnh minh họa |
Ra đi để tìm niềm vui
Mới 12 tuổi đầu, Thắng bắt đầu những ngày vất vưởng nơi đầu đường xó chợ để tìm cho mình một niềm vui giản đơn là không phải nghe những lời thóa mạ của bố mẹ dành cho nhau, được vô u cười với lũ bạn bụi đời. Nó không ngờ, cuộc sống lang bạt khiến nó hoạt bát năng động hơn khi phải làm đủ mọi thứ để kiếm miếng ăn, thậm chí phải trộm cắp để có cái gì đó bỏ trong bụng.
Đọc lá thư của cậu con trai để lại cho bố mẹ. Lúc này, cả anh Việt và chị Diệp mới hoảng hốt bủa đi tìm con. Cả hai đi tìm ròng rã mấy tháng trời khắp các hang cùng ngõ hẻm, đăng tivi báo chí, nhờ người thân bạn bè… nhưng tất cả đều chìm trong vô vọng. Sau gần 8 tháng tìm kiếm thì họ tìm được Thắng. Tìm được con, nhưng mâu thuẫn bên trong giữa họ vẫn không thay đổi.
Được tìm về, nhưng Thắng không còn là đứa trẻ vô tư sau bằng đó thời gian rời xa gia đình. Nó không còn muốn nhớ gì về ngôi nhà bão táp” của mình. Trong khi bố mẹ Thắng không thay đổi cách cư xử với nhau thì nó đã thay đổi.
Nó lớn lên trong suy nghĩ, nó già trong cách nhìn đời, nó tìm vui trong cái nhìn mỉa mai với cuộc đời và mọi người. Nó nhỏ thó gầy ốm đi nhưng vẫn tràn đầy sức sống khi vui bên những đứa trẻ bụi đời vì hận gia đình như nó. Thắng đã trở nên chai lì và chẳng cần gì nữa. Ở với bố hay mẹ thì chắc gì bằng đám bạn khố rách áo ôm ngoài đường, nên nó quyết định sẽ chẳng thèm ở cùng ai!
Hồng Anh (ghi lại)
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: