Đây là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, cũng là lần đầu tiên con gái một cựu tổng thống được bầu làm lãnh đạo quốc gia. Dù nhìn từ góc độ nào cũng có thể thấy sự kiện này đã mở ra trang sử mới cho Hàn Quốc.
Bà Park Geun-hye dựa vào nền tảng gia đình
Quan niệm trọng nam khinh nữ trước nay đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân Hàn Quốc. Trong các bộ phim truyền hình, đa phần nhân vật nữ chính đều có xuất thân nghèo khó, nhân vật nam đều là các công tử con nhà giàu, nhân vật nữ thậm chí vì miếng cơm manh áo mà hàng sáng phải buột chặt ngực để đi làm bởi cửa hàng cà phê chỉ thuê nam giới. Phim ảnh đã phản ánh một phần thực tế xã hội Hàn Quốc, trong công việc nữ giới luôn phải chịu thiệt thòi, mức đãi ngộ thường thấp hơn nam giới rất nhiều.Trong thế giới mà người thống trị chủ yếu là nam giới này, thì việc một phụ nữ trúng cử Tổng thống là điều không hề đơn giản. Tuy ở châu Á đã có rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia là nữ giới, nhưng hầu hết những người trúng cử tổng thống đều có mối quan hệ cha con hoặc vợ chồng với những nhân vật chính trị nổi tiếng hoặc những người đã từng nắm chính quyền. Cựu Thủ tướng Ấn Độ- Indira Gandhi, cựu Thủ Tướng Pakistan- Benazir Bhutto, cựu Tổng Thống Indonesia- Megawati Prop, hai vị Tổng thống Philipin- Akil Ivanov và Arroyo… đều có chồng hoặc cha từng là Tổng thống hoặc chính khách nổi tiếng.
Vì vậy, việc đắc cử tổng thống ở nữ giới đều có liên quan trực tiếp đến nền tảng chính trị của gia đình. Điển hình là phu nhân tổng thống Sri Lanka Chandrika Kumaratunga, bố mẹ bà đều đã từng đắc cử Tổng thống. Một ví dụ điển hình nữa là nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan Yingluck Shinawatra. Việc đắc cử Thủ tướng của bà hoàn toàn dựa vào uy tín của người anh trai đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính, hiện đang lưu vong ở nước ngoài và không thể tham gia ứng cử. Người dân Thái rất tín nhiệm và ủng hộ anh trai bà, vì vậy, trong cuộc tổng tuyển cử họ đã bỏ phiếu cho bà- một người phụ nữ 44 tuổi từ trước tới nay chưa hề có kinh nghiệm chính trị. Từ lúc tham gia ứng cử đến lúc trúng cử kinh nghiệm chính trị của bà Yingluck chỉ vẻn vẹn có 82 ngày, có thể nói rằng bà là người có kinh nghiệm chính trị ngắn nhất trên thế giới.
Nền tảng gia đình của nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Park Geun-hye tương đối nổi bật, bà là con gái của vị tổng thống nổi tiếng trong lịch sử Hàn Quốc Park Chung-hee với 5 lần đắc cử, tổng cộng tại vị gần 30 năm. Nhờ thế bà đã sớm tạo được uy tín cho mình, song việc trúng cử của bà khác hẳn với những phụ nữ có nền tảng quyền lực chính trị từ chồng, từ cha nói trên mà dựa nhiều vào sự nỗ lực của bản thân với một đoạn đời vô cùng bi thảm.
Cuộc đời nhiều bi ai của bà Park Geun-hye
Vào năm 22 tuổi, khi đang là sinh viên du học tại Pháp và chuẩn bị trở thành giảng viên đại học, nhận được tin mẹ bị ám sát, bà phải từ bỏ việc học trở về thay mẹ gánh vác vai trò đệ nhất phu nhân để giúp cha. 5 năm sau cái chết của vợ, ông Park Chung-hee cũng bị ám sát, bà phải đối mặt với nỗi đau không chỉ một người thân ra đi, mà song thân đều trúng đạn tử vong. Thời điểm ấy, dường như bà đã khóc hết nước mắt người khác dành khóc cả cuộc đời. Bà trở thành người mồ côi, sau này cũng không có chồng và con cái, chính bi kịch của gia đình chính trị đã khiến bà mất đi cơ hội hôn nhân.
Năm 2006 trước trong một cuộc bầu cử, bà bị người đàn ông lạ mặt dùng dao rạch giấy tấn công, gây nên vết thương bên má phải khâu tới 17 mũi, hiện giờ vẫn còn vết sẹo dài 11cm. Những bi kịch của cuộc đời khiến Park Geun-hye trở thành người phụ nữ “3 không” ở Hàn Quốc và châu Á: Không cha mẹ (bị ám sát), không chồng (đến nay vẫn chưa lấy chồng), không con cái (Thủ tướng Thái tuy chưa lấy chồng nhưng có sống chung với bạn trai là doanh nhân và nuôi một con gái); Nay mang chức danh tổng thống, bà được gọi là “người phụ nữ được gả cho Hàn Quốc”. Bà từng nói một câu khiến người người xúc động: Tôi không còn cha mẹ, không chồng, không con, quốc gia là đối tượng hy vọng để phục vụ duy nhất của tôi.
Tuy nhiên, con đường để “gả cho Hàn Quốc” của bà cũng vô cùng gian nan. Sau lễ tang cha, tháng 11/1979, bà cùng người nhà rời khỏi điện Cheongwadae trở về ngôi nhà cũ ở Seoul nơi cả gia đình bà đã từng sinh sống trước khi cha bà đảo chính. Hơn chục năm sống cuộc đời “ẩn cư”, bà phải chịu khổ đau cùng cực về mặt tinh thần, trải qua quảng đời bị phản bội và lạnh nhạt khiến người ta phải xót xa. Sau khi cha bà bị ám sát, Hàn Quốc dấy lên phong trào chỉ trích ông. Nhiều người trước đây là thuộc hạ của ông Park Chung Hee nay đi đầu trong việc lên án ông.
Có lần bà gặp một vị bộ trưởng trước đây của cha mình trong thang máy nên vui mừng cất lời chào, song đến tận lúc ra khỏi thang máy ông ta cũng không thèm nhìn bà lây một lần. Bà từng viết trong nhật ký của mình “Đau khổ là thuộc tính của con người, nó chứng tỏ con người vẫn đang sống” và “Không có gì tàn ác hơn những kẻ phản bội. Điều quan trọng là, trừng phạt những kẻ phản bội cũng chính là trừng phạt niềm tin của chính bản thân mình”. Nhưng cũng chính việc bị phản bội đã tôi rèn trực giác chính trị của bà, khiến bà càng phải thận trọng phân biệt người ngay kẻ gian, và cũng không dễ dàng tin người.
Một người quen biết từng nhận xét: “Bà không rộng mở, chẳng trò chuyện với ai. Không nhiệt tình cũng chẳng lãnh đạm, song cứ mãi giữ vẻ lạnh nhạt. Tiêu chí của bà là giữ khoảng cách với tất cả mọi người”.
Sau khi ẩn cư 19 năm, bà mới bắt đầu theo đuổi sự nghiệp chính trị, khi đó bà đã 45 tuổi. Tuy nhiên, nhờ dòng máu chính trị thừa hưởng từ cha, đồng thời với bản lĩnh nhạy bén, khả năng thiên bẩm, từ khi theo đuổi sự nghiệp chính trị, bà như nhân vật có thể hô phong hoán vũ trên chính trường, lần lượt chiến thắng trong 40 cuộc bầu cử (lần bầu cử tổng thống này là thứ 41).
Năm 1998 bà trở thành Nghị sĩ Quốc hội, tháng 3/2004 trở thành Chủ tịch Đảng Đại Quốc gia, sau đó đảng này đổi tên thành Đảng Quốc gia Mới. Bà đã từng thề sẽ phá bỏ sự thống trị của nam giới trên chính trường Hàn Quốc. Ngày 25/2/2013, bà chính thức nhậm chức Tổng thống nữ đầu tiên, Tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc.
Park Geun-hye, người phụ nữ xinh đẹp, trang nhã, đã trải qua đoạn đời vô cùng bi thảm, nỗ lực phấn đấu viết nên trang mới huy hoàng cho bản thân mình. Việc bà lên nắm quyền tổng thống sẽ tác động tới định nghĩa của xã hội Hàn Quốc về phụ nữ, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong cơ quan nhà nước và Quốc hội.
Phương Thanh Huyền
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: