12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Phá bỏ lời nguyền di truyền cho người bệnh đái tháo đường

Di truyền là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, nếu bạn và gia đình sớm có biện pháp phòng bệnh, thì hoàn toàn có thể thoát khỏi căn bệnh này.

Đang mang bầu tháng thứ 3, chị Phương Linh (ở tổ 53 khu phố 4, phường Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp.HCM) đã hớt hải tìm đến Bệnh Viện Từ Dũ Tp.HCM để bác sĩ khám và tư vấn về bệnh đái tháo đường giữa thai kỳ.

Lời nguyền đôi khi chỉ là lời nguyền

Chuyện bắt đầu sau một lần rảnh việc ngồi thơ thẩn mở trang báo sức khỏe ra xem, chị Linh thấy báo viết bệnh đái tháo đường có tính di truyền từ bố mẹ sang con, thậm chí từ ông bà sang cháu thì giật mình nhảy dựng. Số là cách đấy 1 tuần bố chị vừa được chẩn đoán bị đái tháo đường. Quá lo lắng cho lần mang bầu thứ 2 này chị Linh hộc tốc giục chồng đưa mình đến bệnh viện ngay để thăm khám và tư vấn từ bác sĩ.

Sau khi được bác sĩ tư vấn và làm các xét nghiệm chị Linh tạm yên tâm với kết luận không bị đái tháo đường. Nhưng bác sĩ cũng cảnh báo chị nên chú ý theo dõi, đặc biệt để ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt, có thể những tháng sau này mới thấy những biểu hiện của bệnh.

Bạn có biết?

- Nếu có bố hoặc mẹ, hoặc anh chị em bị đái tháo đường thì xác suất bạn bị tiểu đường cao gấp 2,37 lần so với người có người thân không bị tiền sử của bệnh.

- Hai vợ chồng lấy nhau, một người bị đái tháo đường thì khả năng người còn lại bị bệnh cũng cao hơn do cùng chế độ ăn uống và sinh hoạt...

Còn đây là trường hợp của anh Nguyễn Văn Hưng, hàng xóm nhà tôi. Sáng hôm trước gặp anh ở cổng nhà, giọng buồn buồn anh tâm sự: “Anh đang rất lo. Trước đây ông nội anh vì bệnh đái tháo đường mà qua đời và mới hôm trước bố anh lại vừa phát hiện bị đái tháo đường tuýp 2. Bệnh này có tính di truyền e à, không khéo anh cũng sẽ bị. Anh đang định đi khám xem thế nào!?”.

Hôm sau, gặp tôi ngoài hẻm anh vui ra mặt, miệng liếng thoáng bảo đã đi làm xét nghiệm và đo đường huyết, bác sỹ bảo mọi thứ đều “ngon lành”. Nhưng bác sĩ vẫn tư vấn cho anh một số vấn đề về ăn uống và lối sống để đề phòng và tránh bị bệnh, vì khả năng bị bệnh của anh là rất cao. Nếu sống không điều độ thì chỉ chẳng mấy mà anh bị đái tháo đường, còn nếu anh có chế độ phòng bệnh ngay từ khi chưa bị thì khả năng bị bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều, thậm chí không bị nữa.

Di truyền do đâu?

Bác sĩ Vũ Thi Tuấn Anh (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh Viện TW Quân đội 108): Bệnh đái tháo đường có yếu tố gene di truyền là sự thực. Khả năng mắc bệnh theo gene di truyền được định hình từ lúc người bệnh còn là bào thai đang tượng hình trong bụng mẹ. Do đó, nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ mắc bệnh thì con cái hoàn toàn có thể nhận được gene gây bệnh.

Yếu tố di truyền ở bệnh đái tháo đường có biểu hiện rõ nhất ở đái tháo đường tuýp 2. Những người có bố, mẹ hoặc anh, chị, em ruột của mình bị bệnh này có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4-6 lần những người khác. Nguy cơ này sẽ cao hơn khi cả hai bên nội ngoại đều có người mắc bệnh đái tháo đường.

Cũng theo bác sĩ Tuấn Anh, tuy bệnh đái tháo đường có tính di truyền cao nhưng mọi người vẫn có thể tự mình phòng ngừa bằng cách sống khoa học và hợp lý:

1. Điều chỉnh lối sống

- Tránh căng thẳng, bởi khi căng thẳng cơ thể dễ tiết ra hormone làm tăng đường huyết. Nếu bạn rơi vào trạng thái bồn chồn, lo lắng hãy đi bộ chậm trong tư thế thả lỏng toàn thân và hít sâu.

- Ngủ đủ và ngon: Thiếu ngủ làm cơ thể sản sinh ra hormone kháng insulin, dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Vì thế giấc ngủ giúp phục hồi sinh lực và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

- Hãy bỏ thuốc lá vì đây là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng kháng insulin, triệu chứng tiền đái tháo đường.

- Kiêng bia rượu: Trong rượu có chứa nhiều calo, nó giúp giảm lượng đường trong máu, tuy nhiên nếu uống nhiều thì sẽ gây tác dụng ngược lại.

- Tập thể dục thường xuyên và đều đặn sẽ hạn chế thấp nhất mức độ hình thành bệnh đái tháo đường.

2. Kiểm soát cân nặng

Đừng bao giờ để mình rơi vào tình trạng béo phì hoặc quá béo.

- Dựa vào chỉ số khối lượng của cơ thể BMI {BMI = Cân nặng (kg) / (Chiều cao* Chiều cao)} để kiểm soát cân nặng. Chỉ số này nên giữ trong khoảng 18,5-23.

- Vòng eo: nam <90cm, nữ <80cm.

- Tỷ lệ mỡ cơ thể: nam <25%, nữ <30%.

3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

- Một chế độ ăn nhiều rau, khoai củ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây ít ngọt, cá, đậu hũ. Hạn chế ăn thức ăn chiên, rán, quay nhiều dầu mỡ và thức ăn uống nhiều đường.

- Ăn chừng mực: không ăn bữa nào quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều.

- Hãy hạn chế các thức ăn có chứa nhiều tinh bột.

- Nên ăn bưởi và táo rất có lợi. Trong bưởi có chứa chất naringenin giúp kiểm soát lượng đường và giúp gia tăng độ nhạy của cơ thể đối với insulin đồng thời giúp người bệnh duy trì thể trọng có lợi cho sức khỏe.

- Uống đủ nước: cơ thể chúng ta 70% là nước, nước giúp kiếm soát lượng đường huyết trong cơ thể.

- Uống sữa phòng ngừa bệnh: Uống sữa thường xuyên uống sữa sẽ giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường tới 60%. Thành phần đóng vai trò chịu trách nhiệm này là acid trans-palmitoleic, các axit béo trong sữa chua và bơ.

4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

6 tháng một lần. Và thử đường huyết thường xuyên là những biện pháp cơ bản để tầm soát và phát hiện phát hiện sớm bệnh lý để có phương thức điều trị kịp thời.

Xác suất di truyền

- Có bố hoặc mẹ bị đái tháo đường => xác suất con sẽ bị tiểu đường là 30%.

- Cả bố và mẹ đều bị đái tháo đường => xác suất con sẽ bị tiểu đường là 50%.

- Anh em sinh đôi cùng trứng nếu một người đã bị đái tháo đường => xác suất người thứ hai bị là 90-100%.

- Anh chị bị đái tháo đường => xác suất bị của người em là 5-20%.

Thanh Thu

Bài viết có sự tư vấn của bác sĩ Vũ Thị Tuấn Anh

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh Viện TW Quân đội 108

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/pha-bo-loi-nguyen-di-truyen-cho-nguoi-benh-dai-thao-duong-17349/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY